Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 31/8/2022 14:51'(GMT+7)

Cảnh giác để không bị lôi kéo vào các tổ chức bất hợp pháp

Cán bộ. chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Cai (tỉnh Sơn La) tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Cán bộ. chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Cai (tỉnh Sơn La) tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội là một chủ trương quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong đó, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao mức sống, thu nhập của nhân dân, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trong hơn một thập kỷ vừa qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể. Ngày 28/4/2022, Báo cáo “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp Đánh giá thực trạng nghèo của Việt Nam năm 2022” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa ra nhận xét: “giai đoạn 2010-2020 là thập kỷ chứng kiến mức tăng trưởng cao, thành tựu lớn về giảm nghèo, các hộ gia đình có xu hướng chuyển dịch sang trình độ học vấn cao hơn và người dân chuyển sang công việc phi nông nghiệp nhiều hơn”. Báo cáo cũng đánh giá mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 là “đầy tham vọng, nhưng phù hợp với một quốc gia có thành tích được minh chứng trong tăng trưởng bao trùm”.

Trong giai đoạn 2020-2021, tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến tốc độ cải thiện thu nhập và chất lượng sống của người Việt Nam có phần bị chững lại. Nhưng với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục nhanh. Những chính sách hỗ trợ người lao động từng bước phát huy hiệu quả rõ rệt.

Cam kết giải quyết nhà ở, tạo công ăn, việc làm, cải thiện y tế, nâng cao chất lượng giáo dục cho người lao động đã được triển khai rộng rãi, và đạt được những kết quả tích cực. Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đang tiếp tục triển khai 339 dự án, quy mô xây dựng khoảng 372.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,6 triệu m2. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2022, cả nước đã hoàn thành 13 dự án nhà ở xã hội, quy mô 6.000 căn dành cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Từ ngày 1/7/2022, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ chính thức có hiệu lực. Qua đó, người lao động có thể được hưởng thêm nhiều lợi ích như bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp,... Ngay tại các vùng kinh tế còn nhiều khó khăn như miền núi phía bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là người dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên một số hội, nhóm thiếu thiện chí, cực đoan, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Dưới bình phong tổ chức “xã hội dân sự”, xuất hiện những hội, nhóm tự xưng là đại diện “vì công lý”; “bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”; “đào tạo, thúc đẩy và liên kết các phong trào dựa vào người dân để mang lại thay đổi xã hội”.

Tuy nhiên đây đều là những tổ chức hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam vì vi phạm Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Đáng chú ý, phần lớn sáng lập viên, thành viên tích cực của những hội, nhóm này đều đang sống lưu vong ở nước ngoài, là gương mặt quen thuộc của phong trào chống cộng. Thậm chí có một số cá nhân đồng thời là lãnh đạo của vài ba hội, nhóm, từ đây dấy lên nghi vấn họ đang tạo ra các tổ chức chân rết để phô trương thanh thế.

Vốn là các hội, nhóm không chính danh, được lập ra với toan tính không trong sáng nên những tổ chức này thường xuyên chỉ trích lẫn nhau. Chẳng hạn, khi nói về tình hình hoạt động của một số “tổ chức xã hội dân sự” hiện nay, “nhóm bạn công nhân” đã ra sức chê bai: “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam không ghi cương lĩnh của nghiệp đoàn, không nêu nội quy, không nêu rõ sách lược hoạt động, không đề cập tới các cá nhân trong ban điều hành”; “tổ chức lao động Việt chỉ đăng những thông tin về tai nạn giao thông rùng rợn hay tin mang tính chất giật gân rẻ tiền”, “Công đoàn độc lập Việt Nam không để lại dấu ấn gì đặc biệt cho giới lao động”,…

Có tổ chức tự phong cho mình sứ mệnh “thay đổi xã hội và môi trường sống tại Việt Nam” nhưng hoạt động đáng chú ý nhất trong mùa dịch lại là kết hợp với đài truyền hình chống cộng ở hải ngoại để “gây quỹ bảo vệ các chiến sĩ ở tuyến đầu” tại Mỹ. Trong khi đó hoạt động gây quỹ của đài này từ lâu đã bị cộng đồng người Việt ở nước ngoài nghi ngờ về động cơ cùng tính minh bạch. Chương trình “gây quỹ bảo vệ các chiến sĩ tuyến đầu” cũng không ngoại lệ khi nhiều người chứng kiến sự việc đã bày tỏ thái độ bất bình, phẫn nộ.

Mang danh là “tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động và môi trường sống” nhưng hoạt động của các hội, nhóm này hầu như chỉ xoay quanh việc đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, tiêu cực về tình hình đất nước và con người Việt Nam. Thông qua mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn, tài khoản nặc danh, họ lôi kéo, xúi giục một bộ phận người lao động tham gia khiếu kiện, ra yêu sách vô lý, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Với chiêu trò này, khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, tiến hành công tác điều tra, những kẻ cầm đầu dễ dàng chối bỏ trách nhiệm với nhóm đối tượng bị họ xui khiến.

Đáng chú ý thời gian qua, các tổ chức này ráo riết tìm kiếm một vài nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, người dân tộc thiểu số, nhất là tại khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Qua đó, chúng tiến hành tiêm nhiễm cho những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết các thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách về đất đai và tôn giáo, khiến người dân mất lòng tin với chính quyền, từ đó kích động họ thực hiện các hành vi gây rối, biểu tình.

Mặc dù cố gắng phô trương thanh thế, các tổ chức tự xưng “xã hội dân sự”, “nghiệp đoàn độc lập” vẫn không thể lừa gạt được đại bộ phận người lao động trong xã hội. Chính vì vậy sau một thời gian hoạt động, nhiều hội, nhóm dần biến mất, “không kèn không trống”; số khác tuyên bố tự giải tán. Điều này gián tiếp thừa nhận các hội, nhóm trên gần như đã thất bại trong việc chiêu mộ vây cánh cho mình tại Việt Nam.

Thực tế, cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự”, “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập” không hề mới. Đơn cử, tháng 9/2006, Nguyễn Văn Đài (sống lưu vong tại Đức, người từng lĩnh án 15 năm tù vì hành vi Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999) cùng đồng bọn đã lập ra tổ chức “công đoàn độc lập Việt Nam” để thực hiện các hoạt động chống phá chính quyền.

Sở dĩ trong thời gian qua, một số cá nhân thù địch, thiếu thiện chí rục rịch lập hội, nhóm mới có chiều hướng gia tăng xuất phát từ việc chúng cố tình xuyên tạc quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 về việc thành lập Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Bộ luật này cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký).

Lấy cớ người lao động có quyền bầu ra tổ chức của mình, các hội, nhóm chống phá này công khai ý đồ chia rẽ giai cấp công nhân với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chúng cố tình phớt lờ sự thật là Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã định nghĩa cụ thể về tiêu chuẩn để thành lập, gia nhập, lãnh đạo tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau: phải là người lao động làm việc trong doanh nghiệp; được người lao động tại doanh nghiệp bầu; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải được thành lập trong chính doanh nghiệp nơi người lao động làm việc.

Vì một tổ chức đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn như vậy mới đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên tổ chức mình trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.

Đáng buồn là vẫn có hiện tượng người dân vì thiếu hiểu biết, bất mãn chế độ mà sẵn sàng trở thành công cụ chống phá đất nước của các tổ chức nguy hiểm đó. Chính vì vậy để không bị lôi kéo vào các tổ chức bất hợp pháp, có thể bị liên lụy đến bản thân và gia đình, mỗi cá nhân cần tỉnh táo nhận diện các âm mưu, thủ đoạn núp bóng “bảo vệ người lao động”, “bảo vệ môi trường” để thực hiện các mục đích đen tối./.

Phan Kỷ (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất