Tuy
nhiên, bất chấp thực tế đó cũng như những thành tựu Việt Nam đã đạt được
sau hơn 35 năm đổi mới, các thế lực thù địch vẫn không ngừng tuyên
truyền những luận điểm sai trái, xuyên tạc bác bỏ kinh tế thị trường
định hướng XHCN của Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi cần tỉnh
táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái
về vấn đề này.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN - bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta thời kỳ đổi
mới, là sự lựa chọn khách quan, phù hợp xu thế vận động chung của nền
kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đề cập đến mô hình kinh tế này, một số luận
điểm cho rằng, kinh tế thị trường và định hướng XHCN như
"nước và lửa" không thể kết hợp được với nhau, kinh tế thị trường là của
chủ nghĩa tư bản (CNTB), Việt Nam xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN là trái quy luật... Đây đều là sự xuyên tạc vô căn cứ bởi
lẽ, thực tế lịch sử cho thấy, kể từ khi xã hội có sự phân chia thành
giai cấp và sự xuất hiện của nhà nước thì nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia
nào cũng đều chịu sự định hướng chính trị của một giai cấp nhất định
trong xã hội. Đó là giai cấp nắm trong tay quyền lực nhà nước, thông qua
nhà nước, giai cấp cầm quyền sẽ đề ra những chủ trương, chính sách nhằm
bảo vệ tối đa cho quyền và lợi ích của mình, trước hết là lợi ích kinh
tế. Do đó, điểm khác nhau cơ bản giữa kinh tế thị trường TBCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN là ở chỗ chúng
được định hướng bởi những nền chính trị của các giai cấp cầm quyền khác
nhau và phát triển theo những mục tiêu khác nhau. Nếu kinh tế thị trường
TBCN được định hướng bởi nền chính trị, nhà nước của giai
cấp tư sản, hướng tới mục tiêu tăng trưởng tối đa nhằm phục vụ tốt nhất
cho lợi ích của giai cấp tư sản thì kinh tế thị trường định hướng XHCN được định hướng bởi nền chính trị của giai cấp công nhân - giai
cấp có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và
toàn thể dân tộc. Vì vậy, những đường lối, chính sách phát triển kinh tế
mà nhà nước xã hội chủ nghĩa đưa ra trong khi phục vụ, bảo vệ cho lợi
ích của giai cấp công nhân cũng đồng thời phục vụ, bảo vệ lợi ích của
các giai tầng khác trong xã hội. Bởi thế, một trong những nét đặc trưng
mang bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN là
không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng
trưởng kinh tế đơn thuần, trái lại, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền
với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính
sách và suốt quá trình phát triển.
Lịch sử hình thành và phát
triển của xã hội loài người chứng minh: kinh tế thị trường không phải là
sản phẩm riêng có của CNTB, đó là thành tựu phát triển cao
của nền văn minh nhân loại, không thể và cũng chưa bao giờ là độc quyền
của CNTB. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước XHCN đều có thể sử dụng mô hình kinh tế này để thúc đẩy kinh tế - xã hội
phát triển theo mục đích của mình.
Hiện đang xuất hiện một số
luận điểm tập trung chứng minh: khi xác định kinh tế tư nhân là một động
lực quan trọng của nền kinh tế nghĩa là Việt Nam đang "xoay trục" sang
phát triển kinh tế thị trường theo hướng TBCN, định hướng XHCN chỉ là mị dân, hình thức. Đây hoàn toàn là ý kiến xuyên
tạc, bịa đặt. Có thể thấy, trong thời kỳ quá độ, Đảng và Nhà nước Việt
Nam chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất nhiều hình thức sở hữu, nhiều
thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác;
kinh tế tư nhân; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài(1)) phù hợp
trình độ không đồng đều của lực lượng sản xuất, nhằm huy động tối đa
sức mạnh của mọi thành phần kinh tế, mọi giai tầng xã hội vào phát triển
kinh tế, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tốc độ tăng trưởng
cao.
Đảng, Nhà nước ta xác định kinh tế tư nhân là một động lực
quan trọng của nền kinh tế, do đó sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi,
khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà
pháp luật không cấm để tạo đà cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Nhờ đó, thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang có những bước phát
triển mạnh mẽ. Qua 35 năm đổi mới "kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc
độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng từ 39-40% GDP; thu hút khoảng 85% lực
lượng lao động của nền kinh tế, tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh
nghiệp chiếm khoảng 34,1%,... góp phần quan trọng trong huy động các
nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng
kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo
việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội"(2).
Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng
đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 đến 65%(3).
Tuy
nhiên, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng không đồng nghĩa
với việc chúng ta "tư nhân hóa" nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế
theo con đường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế tư nhân là một động lực quan
trọng nhưng kinh tế nhà nước mới là thành phần giữ vai trò chủ đạo, là
lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, điều
tiết, dẫn dắt thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế (trong
đó có kinh tế tư nhân) theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục các
khuyết tật của cơ chế thị trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền
với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Như vậy, bản thân kinh
tế tư nhân ở Việt Nam cũng được định hướng hoạt động và phát triển phù
hợp chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của
Đảng và Nhà nước chứ không phải phát triển một cách tự phát.
Thực
tế cho thấy, dưới sự định hướng theo những nguyên tắc thuộc về bản chất
của chủ nghĩa xã hội, phần lớn các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh
tế tư nhân ở Việt Nam luôn nêu cao việc thực hiện đạo đức kinh doanh,
trách nhiệm xã hội và xác định mục tiêu phát triển của mình là góp phần
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm hiện thực hóa những mục tiêu của CNXH: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó,
trong những trường hợp cần thiết, họ có thể chấp nhận hy sinh lợi ích,
lợi nhuận trước mắt để bảo vệ cho lợi ích chung của nhân dân. Điều này
có thể thấy rất rõ trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, hưởng
ứng chủ trương chung của Đảng, Nhà nước sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế
trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng cho nhân dân, nhiều
doanh nghiệp tư nhân mặc dù sản xuất, kinh doanh cũng đang chịu nhiều
thiệt hại, thua lỗ bởi dịch bệnh nhưng vẫn sẵn sàng đóng góp bằng nhiều
hình thức khác nhau để phục vụ công tác chống dịch.
Với chủ
trương cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà
nước Việt Nam, một số quan điểm cho rằng, chủ trương này thực chất là
việc tiến hành "tư nhân hóa" nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế
thị trường theo hướng TBCN. Song thực tế đã chứng minh, chủ
trương này ra đời xuất phát từ thực tế một số doanh nghiệp nhà nước hoạt
động kém hiệu quả, do đó cần cổ phần hóa, cấu trúc lại nhằm huy động
vốn đầu tư từ chủ thể của các thành phần kinh tế khác, qua đó, nâng cao
hiệu quả quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, góp phần
xây dựng thành phần kinh tế nhà nước phát triển vững mạnh, thật sự xứng
đáng trở thành nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều có tốc độ
tăng trưởng cao hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn như trường hợp
của Vinamilk sau khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, quy mô tài sản
liên tục gia tăng, khả năng tự chủ tài chính được cải thiện. Tính đến
hết năm 2020, Vinamilk đã xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ với
tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,4 tỷ USD. Hay Sabeco, việc tiến hành
cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thay đổi toàn diện chiến lược kinh
doanh là nhân tố chính giúp Sabeco trở thành một trong những công ty dẫn
đầu ngành rượu, bia, nước giải khát tại thị trường Việt Nam và trong
khu vực...
Đặc biệt, trong chủ
trương cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước cũng có
quy định rõ về 13 ngành, lĩnh vực Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ; bảy
ngành, lĩnh vực, Nhà nước nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên(4).
Đây đều là những lĩnh vực then chốt, thiết yếu liên quan trực tiếp đến
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc
phòng - an ninh để giữ vững vai trò chủ đạo, định hướng XHCN
trong phát triển kinh tế thị trường của kinh tế nhà nước.
Những
luận điệu phê phán, phủ nhận, xuyên tạc bản chất của mô hình kinh tế thị
trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay của các thế lực
thù địch đều nhằm hướng đến một đích đến duy nhất là làm chệch hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm chệch quỹ
đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, cần hết sức tỉnh táo
nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai lầm, phi
lý và vô căn cứ này; tiếp tục giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng và
nhân dân ta đã lựa chọn./.
TS. Hoàng Thu Trang
___________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.129.
(2) Trần Thị Hoa: Thực trạng và giải pháp phát triển thành phần kinh tế tư nhân, Tạp chí Tài Chính online, ngày 23/4/2022.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, t.I, tr.240.
(4) Thủ tướng Chính phủ: Quyết
định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn
nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn
2021-2025, số 22/2021/QĐ-TTg, ngày 02/7/2021.
(Nguồn: nhandan.vn)