Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 13/6/2010 12:59'(GMT+7)

Cảnh giác trước những tin đồn

Cần thực hiện nghiêm túc việc giảm giá xăng dầu theo Nghị định 84.

Cần thực hiện nghiêm túc việc giảm giá xăng dầu theo Nghị định 84.

Gần đây, trước tình hình giá xăng dầu thế giới giảm nhưng ở Việt Nam giá xăng dầu chưa giảm, trong khi đó, một số trang mạng điện tử lại đưa tin: “Doanh nghiệp xăng dầu chờ công văn giảm giá của Bộ Tài chính" khiến nhiều người cho rằng doanh nghiệp đã có công văn xin giảm giá. Như vậy, việc giảm giá xăng dầu ở Việt Nam chậm là do Liên bộ Tài chính - Công thương. Nhưng sự thật lại không như vậy.

Ngày 7/6, trả lời về việc có nhận được công văn xin giảm giá của doanh nghiệp đầu mối không? ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết: Đến nay, vẫn chưa nhận được công văn nào, chờ về kiểm tra lại.

Ngày 9/6, tại Cục Quản lý giá, ông Thoả khẳng định rằng: Không có doanh nghiệp gửi công văn xin giảm giá. Tiếp tục xác minh thông tin từ doanh nghiệp, phóng viên đều nhận được thông tin chung: Chúng tôi không gửi công văn xin giảm giá.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thoả cho hay: Bình quân trong 30 ngày, tính từ ngày 8/5 đến 7/6, giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm tương đối nhiều, làm cho giá cơ sở của doanh nghiệp thấp hơn giá bán hiện hành.

Theo tính toán, chưa tính việc dùng quỹ bình ổn giá chênh lệch giữa giá hiện hành và giá cơ sở đối với xăng là 750 đồng/lít, đối với dầu diezen là 471 đồng/lít và dầu hoả là 516 đồng/lít, dầu ma-zút là 804 đồng/kg. Như vậy, chúng ta có điều kiện ngừng việc sử dụng quỹ bình ổn giá, và giảm giá xăng dầu để có lợi cho người tiêu dùng.

* Việc giảm giá là căn cứ theo số liệu do doanh nghiệp cung cấp, thưa ông?

Chúng tôi không phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của doanh nghiệp, đó chỉ là một kênh để tham khảo. Còn Liên bộ Tài chính - Công thương vẫn có số liệu giá xăng dầu thế giới hằng ngày để tính toán theo công thức quy định của Nghị định 84.

Cụ thể 2 lần giảm giá vừa qua, Liên bộ Tài chính - Công thương vẫn tính toán được giá của thị trường thế giới và các khoản thuế, phí, chi phí liên quan tới giá xăng dầu để tính mức giá.

 * Thưa ông, theo Nghị định 84, khi giá xăng dầu thế giới giảm 7% thì doanh nghiệp trong nước cũng phải giảm giá tương ứng. Nhưng thời gian vừa qua, phải đợi khi Liên bộ Tài chính - Công thương có ý kiến thì doanh nghiệp mới giảm giá xăng dầu. Ông giải thích như thế nào về sự việc này?

Thực tế diễn ra đúng như vậy. Thời điểm tháng 3 vừa qua, việc kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp hết sức khó khăn khi bị ghìm giá (không được tăng giá xăng dầu - PV) nên khi giá xăng dầu thế giới giảm, doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian đăng ký giảm giá để họ có điều kiện bù đắp phần nào khó khăn của tháng 3. Người tiêu dùng cho rằng cách làm của DN là không công bằng.

Thế nhưng, chúng tôi khẳng định rằng xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá và có sự kiểm soát của Nhà nước. Vì lợi ích chung của nền kinh tế, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp giảm giá.

* Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên, một số DN xăng dầu cho rằng, thời điểm hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước đang tiến hành điều tiết thị trường xăng dầu. Vì vậy, việc giảm giá xăng dầu là do cơ quan quản lý Nhà nước quyết. Ông nhận xét gì về quan điểm này?

Tôi cho rằng, quan điểm như vậy là chưa đúng. Trách nhiệm bình ổn giá là của cả hệ thống kinh tế mà doanh nghiệp là mũi xung kích. Khi điều kiện giảm giá đến, DN phải chủ động làm chứ không phải ngồi chờ cơ quan Nhà nước ra quyết định.

Nên nhớ rằng, khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng cao, kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối khó khăn thì Nhà nước đã có các giải pháp hỗ trợ: Sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm thuế… và hàng triệu người tiêu dùng đã đồng hành với doanh nghiệp. Vì thế, quyết định giảm giá giờ đây vẫn hoàn toàn thuộc về DN.

* Vậy Liên bộ Tài chính - Công thương sẽ có động thái gì để doanh nghiệp chủ động giảm giá mà không cần phải có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước?

Chúng tôi sẽ trao đổi và nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc giảm giá xăng dầu theo Nghị định 84 đã quy định.

Từ sự việc này, chúng ta có thể thấy, tin đồn DN chờ quyết định giảm giá của Liên bộ chỉ là một chiêu cố tình kéo dài thời gian giảm giá xăng dầu của một số doanh nghiệp xăng dầu và tung quả bóng trách nhiệm tuyên bố giảm giá về Nhà nước. Qua đây, các phương tiện thông tin cũng cần phải kiểm chứng rõ thông tin mình có, tránh quảng bá cho việc “câu giờ” giảm giá của một số DN xăng dầu./.

(Theo: Quang Tuấn/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất