Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 7/5/2019 10:34'(GMT+7)

Cạnh tranh bằng chất lượng, không phân biệt công hay tư

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định vai trò của giáo dục tư thục rất quan trọng, cùng với giáo dục công lập tạo nên “đôi cánh” cho giáo dục nước nhà phát triển, tạo “đòn kích” để cả hai mảng tư thục và công lập cùng vươn lên. Thực tế, sự thay đổi nhận thức của xã hội, cùng hệ thống pháp luật đang hình thành, hoàn thiện đã tạo hành lang pháp lý cho giáo dục tư thục ngày càng phát triển. Do vậy, cạnh tranh là nguyên tắc để các trường tồn tại, cạnh tranh bằng chất lượng, không phân biệt giáo dục công hay tư.

Từ thực tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Hoa Sen, nhận định: Trong những năm gần đây nhiều đơn vị có tiềm lực đã tham gia vào giáo dục tư thục, cải thiện đáng kể chất lượng đào tạo ở nhóm này. Hệ thống giáo dục tư thục đang phát triển theo hai hướng, hướng đại chúng, tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng được học; đồng thời cũng theo hướng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, nước ta vẫn thuộc nhóm nước có tỷ lệ giáo dục tư thục thấp, quan điểm xã hội vẫn chưa coi giáo dục là dịch vụ mà là phúc lợi xã hội. Do vậy, các hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục tư thục thường được đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh giáo dục.

Để hệ thống giáo dục tư thục phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần đề xuất cần cập nhật mô hình trường lớp, hình thức hoạt động giáo dục mới vào các văn bản pháp luật; quan tâm, ưu tiên đối với lĩnh vực đầu tư vào giáo dục; có chính sách để trường tư thục tiếp cận các định chế tài chính quốc tế...

Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Áng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, cho rằng phát triển đại học tư thục chính là để huy động, phát huy nguồn lực ngoài nhà nước cho giáo dục, đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục tư thục ở nước ta chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng với 40% học sinh, sinh viên học ngoài công lập. Trong đó quan điểm xã hội vẫn nặng nề về giáo dục tư thục và sự khác biệt về học phí... là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng, giáo dục đang bị tác động bởi bối cảnh toàn cầu hóa, thời đại số. Đại học bắt đầu dành cho số đông, không còn là đại học tinh hoa. Đồng thời, những tiêu chuẩn, yêu cầu đối với người học luôn được thay đổi phù hợp với nhu cầu xã hội, điều này đòi hỏi chương trình đào tạo phải thay đổi. Cả trường công lẫn tư cần có sự công bằng trong cuộc “đua” này, dựa trên tiêu chí về chất lượng.

Các đại biểu cho rằng hiện nay các quy định pháp luật đã tạo sự công bằng giữa trường công và tư, nếu thực hiện tốt được các quy định đó thì chắc chắn đại học tư sẽ phát triển nhanh, mạnh./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất