Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Sáu, 17/8/2012 9:52'(GMT+7)

Cậu bé 11 tuổi Nguyễn Bình "trình làng" tiểu thuyết khoa học giả tưởng

Cậu bé Nguyễn Bình

Cậu bé Nguyễn Bình




Viết tiểu thuyết ở tuổi lên 10
Cuộc chiến với hành tinh Fantom là bộ truyện khoa học giả tưởng dài tám tập, kể về chuyến phiêu lưu của một nhóm trẻ người Mỹ với người ngoài trái đất thuộc hành tinh Fantom vào năm 2015…

Nguyễn Bình năm nay 11 tuổi, năm nay lên lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội, con trai của Nhà báo- Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa. Sau khi tình cờ phát hiện bản thảo cuốn tiểu thuyết của cậu con trai trong lần sửa máy vi tính, ông đã gửi bản thảo này tới nhiều nhà văn lớn và đều nhận được những lời đánh giá rất cao của họ và sau đó được NXB Trẻ đã ký hợp đồng xuất bản bộ sách này.

Tập đầu tiên của bộ sách này được Nguyễn Bình viết từ năm 2011, khi cậu 10 tuổi, học lớp 5 (trường Tiểu học Nghĩa Tân- Cầu Giấy- HN). Tập 1 xuất bản tháng 11/2011, tập 2 ra mắt bạn đọc tháng 3/2012 và tập ba vừa hoàn thành tháng 6 vừa rồi. Vậy là chỉ trong 9 tháng, Nguyễn Bình đã cho ra mắt 3 tập sách, với tổng cộng hơn 600 trang viết. Hiện Nguyễn Bình đã viết xong tới tập 7.

Theo lời kể của ông Nguyễn Hòa, thì từ khi 3 ngay từ bé Nguyễn Bình đã biết đọc. Em rất thích đọc sách. Em tự mày mò học tiếng Anh và khám phá thế giới trên mạng internet. Mặc dù Nguyễn Bình tự cho rằng viết truyện là một sở thích thông thường, nhưng ông Phạm Sỹ Sáu (đại diện Nhà xuất bản Trẻ) đã không dấu nổi sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên đọc bản thảo của Nguyễn Bình. "Lúc đầu tôi cũng nghi ngờ khả năng viết của Nguyễn Bình. Tôi đề nghị gửi bản thảo và 3 ngày sau tôi sẽ trả lời. Nhưng sau khi mở đọc bản thảo tôi quyết định điện thoại và giao dịch tác quyền với tác giả. Tôi nghĩ đây là cuốn xứng đáng xuất bản vì nó hội đủ yếu tố của một tiểu thuyết giả tưởng, trong đó ngôn ngữ tiếng Việt hoàn chỉnh. Nó chứng tỏ rằng sự nung nấu tác phẩm của Nguyễn Bình là sự nung nấu lâu ngày và có sự tính toán hợp lý cho từng tập một"- Ông Phạm Sỹ Sáu cho biết.. Ông Phạm Sỹ Sáu nhận xét thêm: “Tôi không cho là có sự giúp đỡ của người lớn trong trường hợp này mà đây là quá trình rèn luyện tiếng Việt của tác giả… Đây là quyển sách đầu tiên trong nước biểu hiện cho một công dân toàn cầu. Độc giả nước nào đọc truyện cũng đều có thể hiểu nó”.


Nguyễn Bình chụp ảnh cùng cô giáo và các đại biểu
tham gia buổi giới thiệu sách


“Cuộc chiến với hành tinh Fantom
của Nguyễn Bình, mặc dù là tiểu thuyết giả tưởng nhưng Nguyễn Bình đưa người đọc đến với thông tin đang sống và người đọc thấy xuất hiện nhân vật sử dụng hiệu quả phương tiện tiên của loài người và đưa người đọc đến suy ngẫm lý thú.

Cô giáo Hà Bích Ngọc- giáo viên dạy văn ở Trường THCS Lê Quý Đôn- chủ nhiệm lớp chuyên Anh mà Nguyễn Bình đang học rất ngạc nhiên về một cậu học sinh năm nay bước sang tuổi 11 mà đã có thể viết được tiểu thuyết với văn phong rất chỉn chu. Điều làm cho cô ngạc nhiên hơn cả là Bình có suy nghĩ như một nhà văn thực thụ, viết tra các nhân vật vào chính xác. Bình nắm bắt được tất cả các địa danh, các nhân vật từ nước Mỹ và viết chính xác các từ nước ngoài.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Cuộc chiến với hành tinh Fantom là một dạng tiểu thuyết giả tưởng. Văn hiện đại. Kiểu văn điện tín. Sắc gọn và mạch lạc. Nguyễn Bình không phản ảnh hiện thực mà sáng tạo một hiện thực mới trong thế giới của riêng mình với các nhân vật và bối cảnh như một tác phẩm cần phải có. Bối cảnh và xã hội lúc đó chỉ có trong trí tưởng tượng của người viết nhưng lại rất chân thật và sống động. Các thông tin truyền tải trong cuốn sách lại cực kỳ chính xác. Những câu chuyện liên quan đến đĩa bay, chiến hạm hay âm nhạc cổ điển, rồi các vùng văn hóa trên thế giới... đòi hỏi người viết phải có một kiến thức rất sâu rộng. Nếu không hiểu biết sâu sắc và đầy đủ sẽ không cắt nghĩa nổi các hiện tượng như vốn xảy ra, chưa nói đến việc đưa vào sách để chuyển tải thành suy nghĩa và hành động của các nhân vật một cách nhuần nhuyễn đến vậy.

"Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa"

Buổi giao lưu đã thực sự là một diễn đàn về việc làm thế nào khuyến khích nhiều trẻ em sáng tạo văn học.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết ông không hề ngạc nhiên về chuyện Nguyễn Bình viết sách. Bởi cậu bé này từ 3 tuổi đã biết chữ và đã biết sử dụng máy tính. Điều làm cho "thần đồng thơ từ năm lên 9" này thán phục chính là phong cách riêng của Nguyễn Bình trong viết văn. Đó là lối viết văn hiện đại, tốc độ rất nhanh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn đi "hỏi anh Google" để kiểm tra xem liệu rằng Nguyễn Bình có sao chép một vài đoạn trong một tác phẩm nào đó không... Nhưng điều ông rút ra được là Nguyễn Bình tuy còn nhỏ nhưng đã có ý thức nghiêm túc của người làm khoa học. Nhà thơ hy vọng nếu có sự chuyển biến trong văn đàn của VN trong những năm tới thì sẽ bắt đầu từ văn xuôi và Nguyễn Bình là một hiện tượng.

Nhà thơ Phạm Đức thì cho rằng tác giả đã sáng tạo, lao động nghiêm túc như một nhà văn, nhà khảo cứu. Điều mới mẻ ở đây là Nguyễn Bình đã sáng tạo ra một hiện thực của riêng mình. Mặc dù vậy, cuốn sách viết về những diễn biến trong đời sống ở Mỹ nên không dễ đọc, ngay cả với người lớn.


Nguyễn Bình cùng với gia đình


Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học- nghệ thuật Việt Nam- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tặng Nguyễn Bình một bó hoa tươi thắm. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, năm ngoái, Liên hiệp các Hội VHNTVN đã tặng bằng khen cho tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bình. Buổi giới thiệu sách này thể hiện sự trân trọng của Hội nhà văn VN với một nụ mầm mới trong văn học. "Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa", nhưng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, chúng ta không nên bao bọc cho cậu bé 11 tuổi này quá nhiều những tính từ hoa mỹ theo kiểu: tiểu thuyết gia, tài năng, thần đồng..., mà hãy để cháu được tự do suy nghĩ và viết, được phát triển tài năng một cách tự nhiên. Nếu cháu còn tiếp tục viết, cháu sẽ còn qua nhiều giai đoạn khác nhau của một đời văn. Mặc dù cháu có vốn kiến thức rộng và biểu đạt tốt, nhưng vốn kiến thức đó mới chủ yếu là trên sách vở, internet. Đời nhà văn cần có kiến thức trong đời sống, xã hội, sự cảm thông với những thân phận con người thì những trang viết mới thực sự rung động trái tim người đọc.


Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa chúc mừng Nguyễn Bình


Nếu như một số người có đôi chút băn khoăn sợ rằng cậu bé 11 tuổi này ít nhiều sẽ bị hào quang quá sớm làm ảnh hưởng, thì những lời tâm sự của nhà báo- nhà phê bình lý luận Nguyễn Hòa, bố của Nguyễn Bình về "cu Bình" - cách gọi thân mật của ông- chắc sẽ làm cho họ yên tâm. "Cu Bình" ngay từ nhỏ đã được dạy một lối làm việc và tư duy độc lập. Cháu thực sự say mê và táo bạo. Nhưng gia đình không nhìn cháu như một hiện tượng đặc biệt mà chỉ coi đây đơn giản là sở thích của cháu. "Gia đình chúng tôi chỉ mong muốn dạy cho con mình trở thành một người tử tế"- ông Nguyễn Hòa nói. Và có một chi tiết ngồ ngộ, đó là Nguyễn Bình dù đã có một tài khoản riêng lên tới 60-70 triệu (tiền nhuận bút của 3 tập sách đầu tiên), nhưng "cu cậu" lại chẳng hề biết tiêu tiền.

Để kết lại cuộc giao lưu đầy lý thú này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN cho rằng, với một tài năng thì phải nhìn nhận chính tác phẩm của họ chứ không phải vì bất kỳ một cái gì khác. Chúng ta cần khuyến khích sự tự do sáng tạo và nhìn nhận thành quả sáng tạo đó một cách công bằng. Với thái độ cởi mở và công bằng, chúng ta tiếp tục đợi chờ nhiều tài năng mới xuất hiện... 

Nhà văn Chu Lai: Chuyên nghiệp nhưng vẫn thơ trẻ. Và chỉ có một tâm hồn rất thơ trẻ mới có thể có được sức tưởng tượng lung linh, rành mạch, không hề gượng gạo như thế. Vừa đọc tôi vừa lo sợ nghĩ rằng mình sẽ vấp phải một cái gì đó như là sự già dặn, khô cứng nhưng không, từ dòng đầu đến dòng cuối, từ chương này chuyên sang chương kia, tất cả các con chữ đều mặc sức tung tẩy, phóng cuồng, tự nhiên mà dẫu có ai tài năng trác việt đến mấy cũng khó có thể viết được. Bởi mọi sự vật, câu chuyện, con người đều được Bình soi rọi, ngắm nhìn qua một đôi mắt trong veo, thần sắc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đâu đấy người ta đang bàn luận về cuốn Cuộc chiến với hành tinh Fantom của Nguyễn Bình. Có những ý kiến khác nhau. Điều đó tất nhiên và dễ hiểu. Nhưng tôi đang nhìn sự kiện Nguyễn Bình một cách đầy hứng thú và nghiêm túc. Cho dù Nguyễn Bình viết cuốn sách này và những tập tiếp theo của nó một cách rất vô tư. Nguyễn Bình cho biết đó chỉ là những ghi chép của cậu chứ không phải là một tác phẩm văn chương. Nhưng cho dù đó là những ghi chép thì đó là những ghi chép đặc biệt của một cậu bé 10 tuổi.
Trong những trang "ghi chép" này, tôi nhìn thấy tính chính xác của ngôn ngữ và tư duy, sự mạch lạc và đầy ý đồ của cấu trúc chương đoạn, khả năng kiểm soát câu chuyện, trí tưởng tượng phong phí và sự hiểu biết thật rộng lớn đối với một cậu bé 10 tuổi. Với những suy nghĩa thật nghiêm túc, tôi có thể nói, Nguyễn Bình có quá nhiều những yếu tố quan trọng để làm nên một nhà văn.


Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất