Thứ Sáu, 4/10/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 11/1/2009 18:9'(GMT+7)

Câu chuyện của wimax tại Việt Nam

Với những ưu điểm vượt trội về sức mạnh công nghệ, wimax được kỳ vọng là sẽ theo bước wifi trở nên phổ biến không chỉ ở các thành phố lớn mà còn là một giải pháp ưu việt trong kết nối ở vùng sâu vùng xa. Nhưng nếu như thiết bị đầu cuối được coi là một mắt xích quan trọng nhất để làm nên thành công của wifi, thì những vấn đề đặt ra với wimax còn nhiều hơn thế. Và vì vậy, mặc dù công nghệ này đang nóng lên từng ngày, nhưng một cơn sốt thực sự với wimax, có lẽ còn cần nhiều thời gian.

Bài toán thiết bị đầu cuối - Có đủ cho wimax?

Wifi nơi công sở, wifi trong quán cafe, thậm chí wifi tại mỗi gia đình... những không gian kết nối không dây hiện diện mọi nơi khiến người ta quên một điều rằng, công nghệ này cũng từng được đón nhận khá "lạnh nhạt" trong thời kỳ đầu. Chuỗi ngày ảm đạm của công nghệ này chỉ thực sự kết thúc khi những nhà cung cấp mang công nghệ kết nối đến từng máy tính xuất xưởng, thậm chí trong các thiết bị di động cầm tay.

Bài toán thiết bị đầu cuối được giải thành công, đã tháo bỏ rào cản và đưa wifi trở nên ngày càng phổ biến như hiện nay. Nhưng với wimax, vấn đề không chỉ dừng ở đó. Theo ông Thân Trọng Phúc - Trưởng đại diện Intel VN và Đông Dương: "Wimax phức tạp hơn wifi một chút vì liên quan đến 3 vấn đề, trong đó wifi chỉ liên quan đến 1 vấn đề. Để phát triển wimax cần có: tần số, thiết bị phát sóng và thiết bị đầu cuối. Đối với wifi chúng ta không cần phải chờ tần số, nên khi có nhiều thiết bị đầu cuối, wifi trở thành công nghệ phổ biến và mọi người sử dụng rất nhiều".

Nếu như năm 2007 mới có một số sản phẩm rải rác dành cho wimax thì chỉ một năm sau, con số này đã lên tới hàng trăm với sự góp mặt của những tên tuổi lớn như Intel, Motorola, Nokia, Samsung, Alcatel-Lucent... Những tên tuổi này không còn xa lạ với người dùng Việt Nam và vì vậy, những thiết bị điện tử di động mặc định kết nối wimax chắc chắn sẽ phổ biến trên thị trường Việt Nam trong thời gian không xa...

Theo ông Goudie Wade, Giám đốc bán hàng, Nokia Siemens Networks: "Việt Nam có được một lợi thế rất lớn để phát triển viễn thông do nhận được sự hậu thuận và quan tâm tư phía chính phủ. Những nhà cung cấp lớn đều có mặt ở Việt Nam và chỉ năm sau thôi, nếu bạn mua một chiếc máy tính xách tay thì chắc chắn nó sẽ được tích hợp công nghệ wimax".

Thiết bị đầu cuối để đón đầu công nghệ này cần nhưng chắc chắn là không thể đủ. Nếu như trong phạm vi hẹp, tần số hay thiết bị phát sóng với wifi không phải là vấn đề quá lớn, thì đối với wimax, đây lại là vấn đề không chỉ làm đau đầu những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Bùng nổ hay sẽ chỉ phát triển cầm chừng?

Hiện đã có 5 doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, FPT, VTC, Viettel và EVN Telecom được cấp phép triển khai thử nghiệm dịch vụ wimax cả cố định và di động. Tín hiệu từ những bản làng được kết nối trên vùng rừng núi Tây Bắc đã chứng tỏ ưu việt của công nghệ này. Tuy nhiên, nhận định được giới chuyên gia đưa ra đầu năm 2008 về sự lên ngôi của wimax tại Việt Nam trong năm này đã không trở thành hiện thực.

Theo ông Hoàng Lê Minh - Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số, Bộ TT - TT: "Để wimax phổ biến như wifi bây giờ phải cần có thời gian. Tuy nhiên, đây là công nghệ rất triển vọng. Nó phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng chấp nhận của thị trường đối với công nghệ mới này. Điều này không phải do các nhà công nghệ quyết định".

Những thử nghiệm tại vùng rừng núi như Lào Cai, Tả Van hay các thành phố lớn như HN, TP.HCM chưa thể tạo ra một cuộc cách mạng với wimax, khi chặng đường đến giai đoạn triển khai thực sự còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhu cầu có, nhưng chưa thực sự bức thiết. Các nhà cung cấp dịch vụ đang rất nóng lòng, nhưng chưa đến mức đứng ngồi không yên, bởi bài toán lợi nhuận cho chi phí đầu tư ban đầu không hề nhỏ là mối quan tâm của bất kỳ người làm kinh doanh nào. Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đang phải cân nhắc rất kỹ giữa việc có nên triển khai ngay wimax thời điểm này hay không và nếu có, thì nên trao giấy phéo cho đơn vị nào. Ông Hoàng Lê Minh cho rằng: "Hiện nay các doanh nghiệp chạy đua để xin giấy phép, có thể hiểu cái giấy phép chạy theo lợi thế kinh doanh là chính, chưa phải là chạy đua để cung cấp dịch vụ".

Còn theo ông Thân Trọng Phúc, Trưởng đại diện Intel Việt Nam và Đông Dương: "Nếu các nhà triển khai dịch vụ có giấy phép cung cấp thì wimax sẽ phát triển rất mạnh vì chúng ta có thiết bị đầu cuối, có nhu cầu. Bộ TT - TT nên sớm cấp phép wimax để các nhà triển khai dịch vụ có thể triển khai".

Theo ông Goudie Wade, Giám đốc bán hàng, Nokia Siemens Networks: "Tôi nhận thấy hiện nay Việt Nam đang thay đổi rất nhiều và có những bước đại nhảy vọt về xây dựng, phát triển mạng lưới viễn thông. Cơ hội phát triển wimax ở Việt Nam phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo CNTT. Họ cần quyết định sử dụng wimax như thế nào và họ mong đợi điều gì từ người sử dụng wimax. Các nhà lãnh đạo CNTT Việt Nam cần phải thống nhất rõ ràng và quyết định hướng đi cho ngành công nghiệp mới này. Điều đó sẽ quyết định wimax sẽ bùng nổ hay chỉ phát triển cầm chừng ở Việt Nam".

Wimax có thay thế wifi?

Những bước đi tiên phong trong việc triển khai thử nghiệm cho thấy, tương lai của wimax đang dần được định hình tại VN. Khả năng kết nối trong phạm vi rộng, những ưu thế vượt trội về mặt công nghệ khiến người ta đặt câu hỏi: Có wimax rồi thì liệu có cần đến wifi hay không?

Ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện công nghiệp Phần mềm và Nội dung số, Bộ TT - TT cho rằng: "Wimax không thay thế wifi vì wimax là mạng diện rộng mà càng rộng càng khó quản lý, wifi nó ở tầm nhỏ hơn".

Theo ông Thân Trọng Phúc: "Lúc wimax triển khai rồi thì wifi vẫn còn đó, thậm chí chúng ta có thể sử dụng wifi để phối hợp cùng wimax".

Đành rằng, nếu ADSL hay nói riêng là wifi đáp ứng tốt nhu cầu kết nối trong mọi trường hợp, thì có lẽ câu chuyện wimax đã không được bàn đến. Đành rằng, trong một số trường hợp có wimax thì không cần đến wifi, nhưng nếu khẳng định wimax sẽ thay thế wifi thì không hẳn đã chính xác, bởi điều này còn phụ thuộc vào bài toán kinh tế và tốc độ triển khai dịch vụ.

Như vậy kịch bản thành công của wifi đã không hẳn đúng với người anh em wimax khi không nghệ này không chỉ cần đến một, và phải có nhiều yếu tố kết hợp lại. Tuy vậy, cũng không phải quá lạc quan khi đặt niềm tin rằng, bằng cách này hay cách khác, dù nhanh, dù chậm thì wimax sẽ ngày càng phổ biến cùng với nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Chỉ có điều, hành trình "wimax hóa" chắc chắn sẽ không hề đơn giản.
(Theo cuocsongso)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất