Thứ Ba, 24/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 7/1/2009 14:16'(GMT+7)

Hơn 200 nghìn giờ truy cập Net ở nông thôn

Đây là chương trình tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho người dân truy cập miễn phí Internet tại hơn 2.200 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) được triển khai từ tháng 9/2007 – tháng 9/2008. Bưu điện các tỉnh đã tích cực hưởng ứng chương trình này. Bưu điện tỉnh Bắc Ninh đã chủ động biên soạn một bộ giáo án tập huấn phù hợp với năng lực sử dụng dịch vụ cho người dân đến điểm BĐVHX. Ngoài ra, Bưu điện Bắc Ninh cũng tập huấn cho nhân viên điểm BĐVHX về cách hướng dẫn cho người dân. Kết quả là tại đây số người dân đến điểm BĐVHX truy cập Internet tăng lên đáng kể.
 
Bưu điện tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tỉnh đoàn thành lập ra các Câu lạc bộ “Thanh niên với Internet” - lấy điểm BĐVHX làm trung tâm phát động phong trào ứng dụng thông tin, kiến thức từ Internet vào mục đích phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương. “Thanh niên với Internet” đã giúp đỡ nhân dân, thanh thiếu niên truy cập Internet và sử dụng có hiệu quả các thông tin, kiến thức trên Internet phục vụ học tập, giải trí, sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Bưu Điện Lâm Đồng cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức Lễ phát động chương trình “Một triệu giờ đồng hành” và cùng tập huấn, tuyên truyền về Internet cho người dân vùng sâu, vùng xa. Bưu điện Bình Dương tổ chức đào tạo các lớp phổ cập tin học trực tiếp trên truyền hình trực tiếp.
 
Ông Nguyễn Đồng Long, Bí thư Đoàn TNCSHCM VNPT cho biết, Chương trình “Một triệu giờ đồng hành” đã đào tạo cho nhiều nhân viên điểm BĐVHX, thanh thiếu niên, học sinh ở nông thôn, miền núi xa xôi làm quen với Internet. Qua theo dõi cho thấy, nhiều người chưa biết tìm kiếm thông tin trên Internet nhưng nhờ có chương trình họ đã biết các vào các trang Web tìm kiếm thông tin kinh tế xã hội, về chăn nuôi, trồng trọt, thông tin phục vụ cho học tập như toán, lý, hóa, học tiếng Anh trực tuyến…
 
Giai đoạn 1 của Chương trình “Một triệu giờ đồng hành” đã có tổng số 200.458 giờ truy cập Internet, trong đó hơn 3.840 lượt truy cập Internet qua dial-up và gần 7,2 triệu phút truy cập qua Internet tốc độ MegaVNN tại các điểm BĐVHX. Tính đến nay, Chương trình được triển khai tại tất cả 64 tỉnh, thành, tới hơn 2.200 điểm BĐVHX có Internet (trong tổng số 2.353 điểm có Internet trên cả nước).
 
Tuy nhiên theo ông Long, việc triển khai Chương trình gặp khá nhiều khó khăn. Chẳng hạn, rất nhiều điểm truy nhập qua giao thức dial-up chất lượng đường truyền không tốt, bị chậm và hay rớt mạng. Bên cạnh đó, nhiều điểm chỉ có một máy tính cũ, có nhiều nơi máy hay bị hỏng. Một mặt khác, giờ truy cập miễn phí lại trùng với thời gian đi học, đi làm của thanh niên nên cũng ảnh hưởng tới hiệu quả. Tại một số tỉnh miền núi, việc đào tạo, tập huấn cho thanh thiếu niên gặp rất nhiều khó khăn do trình độ về tin học của họ hạn chế.
 
Ông Long cho biết, nhiều bưu điện tỉnh đã kiến nghị VNPT cần có cơ chế đầu tư đường truyền Internet tốc độ cao về điểm BĐVHX, trang bị máy tính có cấu hình cao. Đồng thời, quy định lại giờ truy cập miễn phí không trùng vào thời gian đi làm, đi học của thanh thiếu niên…

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất