Theo Forrester Research, các công ty dịch vụ tài chính là nguồn doanh thu lớn nhất của ngành CNTT. Vì vậy, tài chính bất ổn khiến các hãng CNTT "lãnh đủ".
Cổ phiếu "lao dốc"
Tác động đầu tiên mà cuộc khủng hoảng tài chính "giáng" xuống ngành CNTT là giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng. Ngày 15/9/2008, ngân hàng hàng đầu của Mỹ, Lehman Brothers, tuyên bố phá sản, dường như là khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các hãng CNTT, không loại trừ những đại gia như Google, Yahoo, Apple, Microsoft, lần lượt bị hứng chịu tác động. Cổ phiếu Apple từng có giá khoảng 200USD/cổ phiếu hồi cuối năm ngoái, đến tháng 10/2008 có lúc chỉ còn 100 USD /cổ phiếu. Cổ phiếu của đại gia phần mềm Microsoft giảm 8,7 % xuống còn 25,01 USD/cổ phiếu. Google, vốn rất tự tin, cũng phải chấp nhận cổ phiếu giảm xuống còn 381 USD /cổ phiếu, mất giá 11,6% trong ngày 2/10.
Yahoo là một hãng bị tác động "kép" khiến cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài việc bỏ lỡ thương vụ "béo bở" với Microsoft, cuộc khủng hoảng tài chính khiến Yahoo thêm lao đao. Ngày 18/11, người đồng sáng lập Yahoo là Jerry Yang tuyên bố từ chức CEO. Trong năm 2008, giá trị cổ phiếu Yahoo sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003, thậm chí có lúc xuống dưới mức 10 USD /cổ phiếu.
Trong 2 tháng 11-12/2008, các tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới liên tục báo cáo sụt giảm lợi nhuận, doanh thu. Intel, hãng sản xuất đến 80% lượng chip máy tính trên thế giới, ngày 12/11 dự báo doanh thu chỉ đạt trên dưới 9 tỷ USD trong quý IV /2008, giảm khoảng 1 tỷ USD so với mức đưa ra vào tháng 10.
Ngay sau dự báo này, giá cổ phiếu Intel giảm 7%, mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua. "Cú sốc" từ Intel khiến các chuyên gia phân tích thị trường CNTT giảm mạnh dự báo doanh số và lượng bán hàng của toàn ngành. Chuyên gia phân tích Richard Gardner ở Citigroup dự báo thị trường máy tính cá nhân của Mỹ năm 2009 sẽ giảm 10% so với năm 2008 và thị trường toàn cầu giảm 3%.
Tuy nhiên, trong cơn bão tài chính này không phải tất cả các cổ phiếu đều giảm như nhau. Cổ phiếu IBM (Mỹ), tập đoàn nổi tiếng chuyên cung cấp sản phẩm máy tính và công nghệ cho các công ty lớn trên thế giới từ những năm 60 của thế kỷ trước, chỉ giảm 4,2% xuống còn 114,46 USD/cổ phiếu.
Theo các chuyên gia, IBM có thể là một trong những công ty có cổ phiếu không mất giá của Ủy ban Ủy quyền giao dịch và bảo đảm của Mỹ. Điều này sẽ giúp IBM có giá hơn và kiếm lời từ sự suy thoái của các cổ phiếu khác.
Nhân lực thất nghiệp hàng loạt
Tin tức về các vụ sa thải nhân viên tại các công ty CNTT liên tục được loan đi khiến nhiều người liên tưởng đến sự sụp đổ bong bóng dot.com năm 2001. Theo công ty tư vấn toàn cầu Challenger, Gray & Christmas, Inc., (Mỹ), tính đến ngày 31/10, tức sau hơn 1 tháng cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, đã có gần 150.000 nhân viên CNTT bị mất việc.
Mới đây nhất, trong ngày 4/12, các đại gia CNTT lại thi nhau công bố cắt giảm nhân lực. Đáng chú ý nhất là hãng viễn thông số 1 Mỹ AT&T sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 4% nhân lực của công ty. Đây là đợt sa thải lớn nhất của AT&T kể từ năm 2006. Trong khi đó, đại gia truyền thông Viacom cũng thông báo cắt giảm 7% nhân sự, khoảng 850 việc làm. Tiếp theo là Adobe System Inc đã buộc 8% nhân viên thôi việc, tức 600 lao động.
Không chỉ các đại gia Mỹ, các công ty ở châu Á cũng không tránh khỏi "làn sóng sa thải" này. Mới đây, hãng Sony của Nhật Bản tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 8.000 nhân viên, chiếm 4% nhân lực, đồng thời thu hẹp đầu tư, rút khỏi một số mảng kinh doanh nhằm tiết kiệm 1 tỷ USD chi phí. Cổ phiếu Sony đã giảm gần 70% trong năm nay.
Cắt giảm chi phí bằng mọi cách
Ngoài giải pháp cắt giảm nhân lực, các công ty còn nỗ lực cắt giảm chi phí bằng nhiều cách. Điển hình như nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới Cisco Systems tuyên bố đóng cửa các văn phòng ở Bắc Mỹ trong 5 ngày cuối năm 2008 và đầu năm 2009 để tiết kiệm 1 tỷ USD chi phí.
Lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua Cisco phải áp dụng biện pháp này. CEO của Cisco, John Chambers, dự đoán doanh thu năm 2008 của hãng giảm 10% so với năm trước, đạt khoảng 8,85 tỷ USD. Cổ phiếu của Cisco đã giảm 43% giá trị trong năm nay.
Cũng nhằm giảm chi phí, hãng sản xuất máy tính số 2 toàn cầu Dell đã mời nhân viên nghỉ phép 5 ngày không lương. "Chúng tôi đang yêu cầu nhân viên tự nguyện xin nghỉ phép (không lương) 5 ngày như một cách làm linh hoạt để cắt giảm chi phí cho công ty", Jess Blackbum, đại diện của Dell cho biết.
Đầu năm 2008, Dell tuyên bố mục tiêu tiết kiệm 3 tỷ USD /năm trong 3 năm tới. Tháng 8/2008, cho biết đã cắt giảm 8.500 nhân viên trong kế hoạch giảm 8.900 người.
Trong khi nhiều "đại gia" CNTT lao đao vì khủng hoảng kinh tế thì một hãng Internet chuyên về các dịch vụ tử vi trực tuyến, xem lá bài của Nhật Bản, Zappallas Inc, lại đang "phất lên". Lý do là người dân tìm đến bói toán như là "chỗ dựa tinh thần" trong thời kỳ "người khôn của khó" này. Đại diện công ty cho biết, số lượng thuê bao của hãng (phải trả phí hàng tháng) đã tăng 21% so với năm 2007, lên 2,2 triệu người vào cuối tháng 10.
(Theo Tin tuc Online)