Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 6/6/2019 8:35'(GMT+7)

Câu chuyện ngày đàng

Thiên nhiên, kiên nhẫn và thời gian là ba người thầy vĩ đại. Học hỏi từ thế giới xung quanh là một điều rất cần thiết đối với thành công của mỗi con người. Bởi thế, từ xa xưa, ông bà ta đã khuyên rằng: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Thiên nhiên, kiên nhẫn và thời gian là ba người thầy vĩ đại. Học hỏi từ thế giới xung quanh là một điều rất cần thiết đối với thành công của mỗi con người. Bởi thế, từ xa xưa, ông bà ta đã khuyên rằng: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Cái túi khôn của nhân loại không biết lớn cở nào nhưng chắc chắn vì nhiều lý do không thể nào chia đều cho gần bảy tỷ người trên thế gian này. Do đó, học "cái khôn" của thiên hạ, của người đi trước thì cũng không có việc gì phải sĩ diện cả.

Có một câu danh ngôn rất hay: "Thành công là nhận ra những gì bạn biết chỉ là hạt cát trong biển khơi. Thất bại là nghĩ bầu trời trên miệng giếng là cả thế giới". Còn ông bà mình thì đúc kết ngắn gọn hơn: "Ếch ngồi đáy giếng"! Vậy thì, thế giới này rộng lớn vô cùng, có nhiều điều đáng học, cần học và phải học vô cùng. Muốn học thì phải "đi", "đi" là để "học". Có ai đó biện minh rằng: "Tui đi nghỉ hè, đi du lịch, đi tham quan cùng với người thân, bạn bè, đồng nghiệp... mà"! Đó là "đi chơi", mà đã là "đi chơi" thì phải cho thoải mái chứ!

"Đi chơi" thì đi, nhưng vẫn có thể "học" trong khi "đi chơi". Các cháu vô trưởng mẫu giáo được cô giáo hướng dẫn "vừa chơi vừa học, vừa học vừa chơi" đó! Nhiều người còn "làm chơi" mà "ăn thiệt" nữa đó! Vậy là, "đi" cũng là dịp để "học", vấn đề là có "chịu học" không mà thôi!

Học đâu chỉ là đến trường vào lớp ngồi ngay ngắn nghe bài giảng. Học còn bằng cách chịu khó quan sát, học bằng cách lắng nghe, học bằng cách cảm nhận. Học bằng cách so sánh giữa người ta với mình, giữa cái mới và cái cũ, giữa thay đổi và bất biến, giữa hiện tượng bên ngoài và bản chất bên trong. Học là để tiếp thu cái mới mẻ, cái mà mình chưa từng nghĩ ra, chưa từng làm hoặc chưa làm được. Muốn vậy, đôi khi phải để cho đầu óc trống rỗng để dành không gian trống lấp đầy cái mới, phải như "tờ giấy trắng" để mà còn chỗ ghi chép điều hay ý đẹp. Muốn vậy, phải bỏ đi những định kiến còn nằm đâu đó trong mỗi người để phát hiện và nhập tâm được cái mới.

Muốn học thì không thể hời hợt, "cỡi ngựa xem hoa", mà phải tĩnh tâm lại để phân tích, chiêm nghiệm, suy tưởng. Nhìn thiên hạ ứng xử văn minh nơi công cộng thì phải phân tích xem từ đâu và từ lúc nào họ có được những hành vi mà xứ mình nói mãi nhưng không làm được. Thấy họ giàu có thì tìm hiểu xem vì sao họ giàu có chứ không chỉ biết trầm trồ khen nhà cao, cửa rộng. Nghe nói về lịch sử của họ thì rút ra được những bài học giá trị có thể học hỏi gì cho quê mình chứ đâu cần nhớ vanh vách ngày, tháng, năm…

Nghĩ lại, nhiều người cũng hơi lạ. Đi học người ta, nhìn thì hời hợt, nghe thì qua loa, chưa tìm hiểu thấu đáo ngọn nguồn đã vội vàng kết luận này nọ. Nào là, tại người ta giàu có mới làm được, còn mình nghèo thì sao làm được. Nào là, họ làm vậy thì có khác mình đâu, hổng chừng mình làm còn ngon hơn họ nữa. Nào là, học thì thấy "rằng hay thì thiệt là hay nhưng về rồi hổng biết hay chỗ nào". Học rồi "đâu lại vào đấy" thì thôi khỏi đi học làm gì! Học là cùng nhau học, học để cùng nhau thay đổi công việc, cuộc sống.

Muốn học một cách tự giác thì phải từ sự thôi thúc bên trong, phải thấy mình còn thua sút thiên hạ, cái mình có còn chưa đủ, cái mình làm còn chưa hoàn hảo. Học để lấp đầy kiến thức, để thay đổi theo dòng chảy của sự thay đổi. Học để nhân sinh quan, thế giới quan rộng mở hơn. Mục tiêu cuối cùng của việc học là để làm việc tốt hơn, tạo ra cuộc sống tốt hơn, giàu có hơn, hạnh phúc hơn cho mình, cho gia đình mình, làng quê của mình.

Có người biện minh rằng: "Tui có được "đi một ngày đàng" nào đâu, tối ngày chỉ quanh quẩn với ông Táo trong nhà, miệt mài với công việc trong cơ quan thì sao học được "sàng khôn" đây"? Nói vậy cũng là hơi nguỵ biện nữa rồi! Không đi xa thì đi gần, bước ra ngõ là học được rồi chứ đâu cần phải là "đi Tây đi U" mới học được "sàng khôn"! Học gần thì học lẫn nhau, học trong hàng xóm, cộng đồng, cơ quan, đơn vị. Học xa hơn nữa thì là những chuyến tham quan, giao lưu, tham dự hội thảo, toạ đàm nơi này nơi nọ. Chỗ nào mà không có người giỏi hơn mình, biết những điều mình chưa từng biết, làm những việc mình chưa từng làm. Học kinh nghiệm của những người lớn tuổi hơn mình. Học cách nghĩ cách nhìn tươi mới của những người trẻ hơn mình.

Ngưi xưa có dy: "Trong ba ngưi đng hành, t có ngưi làm thy ca ta"! Chỉ có khi tự nghĩ rằng "mình biết hết rồi, làm được hết rồi" hoặc không muốn biết, không mun làm mới không thấy có người giỏi hơn mình thôi.

Thật ra, nếu đúng là có ai đó không hoặc chưa có điều kiện đi đây đó, thì hãy "đi" vào sách vở, báo đài. "Cái khôn" của năm châu bốn biển nằm trong những trang sách, những bản tin, khuôn hình, nếu biết chắt lọc thì sẽ tìm thấy được những giá trị, chứ đừng có mải mê với những thông tin vô bổ, phù phiếm.

Xích Lô

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất