Thứ Hai, 7/10/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 16/5/2010 22:29'(GMT+7)

Câu chuyện thể thao: Không còn sợ nữa

Niềm vui chiến thắng của đội tuyển Việt Nam (Ảnh minh hoạ).

Niềm vui chiến thắng của đội tuyển Việt Nam (Ảnh minh hoạ).

Nôm na là trong khi ở hầu hết các nền bóng đá khác, việc giành được chức vô địch của giải đấu luôn là khát khao cháy bỏng, phải đổ bao công của mồ hôi nước mắt mới đạt được thì ở nước ta, nhiều đội bóng thi đấu ở V-League hay giải cúp quốc gia “ngại” cái chức vô địch quốc gia hay đoạt cúp quốc gia! Đối với những đội bóng này, lý tưởng nhất là về nhì, vừa có khoản tiền thưởng kha khá, vừa thỏa mãn được kỳ vọng cổ động viên đội bóng mà các “sếp” thể thao địa phương cũng có thành tích để đưa vào báo cáo tổng kết.

Việc tồn tại cái nghịch lý “sợ vô địch” ấy thật ra rất dễ giải thích: Nếu vô địch (cả ở giải quốc gia lẫn cúp quốc gia) thì đội bóng “bắt buộc” sẽ phải tham dự các giải đấu khu vực giữa các đội vô địch quốc gia hay đoạt cúp quốc gia. Mà tham dự các giải đấu ấy vừa tốn tiền của (rất nhiều, các tổ chức bóng đá chỉ hỗ trợ cho một ít gọi là), vừa hao mòn sức quân (chưa kể nguy cơ chấn thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào) mà thành tích thì... bết bát! Bởi đã có những đội nhận kết quả thua 0-15 trên đất Nhật Bản! Sự chênh lệch quá lớn về trình độ giữa các đội bóng Việt Nam với các ông “vô địch” trong khu vực đã khiến nhiều nhà lãnh đạo đội bóng cảm thấy mệt mỏi và không muốn mạo hiểm đầu tư vào mục tiêu cao nhất là chức vô địch!

Nhưng đấy là chuyện của ngày xưa rồi!

Kể từ khi bóng đá Việt bước vào con đường chuyên nghiệp hóa và song hành cùng với nó là quá trình xã hội hóa mạnh mẽ, nhiều đội bóng đã thuộc về các doanh nhân Việt. Các ông chủ đã đầu tư hàng núi tiền vào đội bóng và họ không muốn thương hiệu đội bóng chỉ giới hạn trong dải đất hình chữ S. Xét về mặt tiềm lực kinh tế, các ông chủ ngân hàng, gạch, gỗ, xi măng... người Việt cũng không kém cạnh gì các đại gia trong khu vực (chẳng hạn như cũng có máy bay riêng!). Bởi thế nên chi phí cho những chuyến du đấu không còn là một trở ngại quá lớn không thể vượt qua được nữa.

Vấn đề còn lại là các đội bóng có thể thu hẹp khoảng cách trình độ với các đội bóng khác trong khu vực được hay không? Việc các đội bóng Việt Nam chỉ thi đấu ở AFC Cup chứ không phải ở AFC Champions League cũng là một điều kiện khách quan giúp cho các đội bóng Việt Nam cảm thấy tự tin hơn khi giáp mặt với các đối thủ (cho dù sân chơi AFC Cup hoàn toàn cũng không dễ nhằn một chút nào).

Năm ngoái, B. Bình Dương dưới quyền chỉ đạo của ông Mai Đức Chung đã làm nên một cột mốc lịch sử khi vào tới tận bán kết AFC Cup, chỉ chịu dừng bước khi gặp một đội bóng đến từ Tây Á là Al Karamah của Syria.

Năm nay, cả SHB Đà Nẵng dưới quyền Lê Huỳnh Đức và B. Bình Dương dưới quyền Đặng Trần Chỉnh đã xuất sắc vào tới vòng 1/8 AFC Cup, thậm chí SHB Đà Nẵng còn bất bại trong suốt hành trình! Rồi SHB Đà Nẵng đã thắng B. Bình Dương trong một trận cầu nghẹt thở để đại diện cho Việt Nam ở tứ kết. Chỉ cần thắng một trận nữa là SHB Đà Nẵng có thể lặp lại được thành tích của B.Bình Dương hồi năm ngoái.

Như vậy là cùng với đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đã tự tin trên sân chơi vừa tầm với mình để vươn tới những mục tiêu cao hơn.

Các đội bóng Việt Nam đã không còn sợ nữa!./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất