Thứ Tư, 27/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 29/4/2017 23:33'(GMT+7)

Cầu thị, lắng nghe các ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nhận được đánh giá tích cực từ dư luận xã hội về những điểm mới, điểm ưu việt như: tính kế thừa và tính hội nhập; chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở; đưa ra được “chân dung” người học sinh mới; phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; tăng cường tính tự chủ cho các địa phương, các cơ sở giáo dục, cho người dạy và người học,…

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí trái chiều về một số nội dung của dự thảo chương trình tổng thể.

Khẳng định đổi mới chương trình, sách giáo khoa là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi quá trình tiến hành công phu cũng như tinh thần cầu thị, lắng nghe một cách tích cực, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến. Trong đó những ý kiến đúng, phù hợp phải được bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo, những nội dung xét thấy chưa phù hợp cũng cần được giải trình sao cho xã hội hiểu đúng và đồng thuận.

 “Dự thảo đã đưa ra nhiều điểm mới, điểm tốt nhưng phải phù hợp với địa phương, vì vậy, ý kiến từ địa phương, từ cơ sở, từ những người trực tiếp triển khai thực hiện là vô cùng quan trọng. Ban soạn thảo cần chủ động xin ý kiến đóng góp của các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đang công tác tại các địa phương, các cơ sở giáo dục trong cả nước; đồng thời có kênh tiếp thu ý kiến của học sinh, phụ huynh học sinh và các đối tượng có liên quan”, ông Nhạ lưu ý.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần xây dựng đề cương góp ý, trong đó tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến sâu như mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; phẩm chất, năng lực cần hình thành và phát triển cho học sinh; tính kế thừa từ chương trình hiện hành; định hướng hội nhập; thời lượng các môn học; việc lựa chọn các môn học; điều kiện thực hiện chương trình, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất