(TCTG) - Trong 5 năm qua, chúng ta cũng đã nỗ lực rất nhiều cho nhiệm vụ đưa văn hóa thấm sâu vào từng lĩnh vực kinh tế, chính trị... của đời sống xã hội; thấm sâu vào từng con người, từng gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học... Thế nhưng thực tiễn văn hóa vẫn có những diễn biến phức tạp, đa chiều, các giá trị bị thay đổi, thậm chí bị đảo lộn. Điều này đã được Đảng ta khái quát trong Văn kiện lần thứ XI: “Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hoá bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương X, khóa IX Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói: “Kinh tế và văn hóa là hai chân của sự phát triển, chúng ta không thể đi chân ngắn, chân dài, chân cao chân thấp, không thể chỉ chăm lo phát triển nền tảng vật chất (kinh tế) của xã hội mà không chăm lo phát triển nền tảng tinh thần(văn hóa) của xã hội”. Vấn đề này xuất phát từ nỗi lo về sự biến đổi văn hóa có xu hướng tiêu cực đang dần lộ diện, đang trở thành một nguy cơ nếu như không “bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội”(1). Nghĩa là một xã hội phát triển không thể thiếu văn hóa như là một mục tiêu. Muốn vậy, văn hóa không chỉ là sự hướng đích đến chân, thiện, mỹ mà phải là thước đo cho tất cả các hoạt động. Văn hóa không đứng ngoài kinh tế và chính trị.
Trong 5 năm qua, chúng ta cũng đã nỗ lực rất nhiều cho nhiệm vụ đưa văn hóa thấm sâu vào từng lĩnh vực kinh tế, chính trị... của đời sống xã hội; thấm sâu vào từng con người, từng gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học... Thế nhưng thực tiễn văn hóa vẫn có những diễn biến phức tạp, đa chiều, các giá trị bị thay đổi, thậm chí bị đảo lộn. Điều này đã được Đảng ta khái quát trong Văn kiện lần thứ XI: “Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hoá bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”.
Xuất phát từ những hạn chế, yếu kém này, lĩnh vực văn hóa trong Văn kiện lần thứ XI đã kế thừa những giá trị của các văn kiện trước và đưa ra những vấn đề mới trong tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, Văn kiện lần này đã được xây dựng công phu hơn, cụ thể hơn trong mấy vấn đề lớn như sau:
Vấn đề củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú, đa dạng trong tình hình mới
Môi trường văn hóa có ý nghĩa hết sức to lớn trong đời sống tinh thần của con người, trong sự phát triển bền vững của từng quốc gia. Mọi sự biến đổi, đảo lộn của môi trường văn hóa đều có thể đi liền với biến đổi, biến động chính trị và sau đó là suy thoái kinh tế. Trong thực tế, môi trường văn hóa không nên hiểu một cách chung chung mà phải cụ thể trong từng cấp độ, hay nói đúng hơn là trong các kiểu tổ chức xã hội mà văn hóa là căn tố cốt lõi. Văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng, văn hóa tộc người, văn hóa đô thị, văn hóa nông thôn, văn hóa vùng miền... chính là những môi trường văn hóa hiện hữu thường nhật trong đời sống xã hội. Trong một môi trường văn hóa cụ thể, cái bất biến và cái khả biến, giá trị truyền thống và hiện đại luôn đan xen nhau, nhưng điều quan trọng là làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ của “văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại... ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, mại dâm, ma tuý, cờ bạc”, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh, trong việc cưới, tang, lễ hội hiện nay.
Thực tế cho thấy, sự thay đổi các thang bậc giá trị xuất phát từ nhu cầu văn hóa của các tầng lớp dân cư trong bối cảnh mới. Quá trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi nhiều giá trị truyền thống và du nhập những biểu hiện văn hóa mới mà lớp trẻ là những người đi tiên phong. Xu hướng này đang đòi hỏi chúng ta không chỉ giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn phải đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Một môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng sẽ được tạo dựng trên cơ sở tối ưu các điều kiện vật chất và tinh thần ở một không gian văn hóa, đơn vị văn hóa rất cụ thể. Có thể nhu cầu văn hóa của từng cá nhân, từng cộng đồng không giống nhau, nhưng khoảng cách về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa hiện nay ở nước ta đang là bài toán nan giải. Chúng ta phải làm sao để người nông dân, công nhân không cảm thấy bị thua thiệt quá lớn trong tiếp nhận các dịch vụ văn hóa, thông tin, cơ hội học tập. Đó cũng là “ý Đảng lòng dân” được thể hiện trong Văn kiện “... chú trọng nâng cao đời sống văn hoá ở nông thôn, vùng khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các nhóm xã hội, giữa đô thị và nông thôn”.
Vấn đề tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật và bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá truyền thống, cách mạng.
Đối với văn học, nghệ thuật thì đây là lĩnh vực đã được triển khai rộng khắp trong cả nước theo tinh thần của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong Nghị quyết này, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng của văn học, nghệ thuật trong đời sống tinh thần của con người, đồng thời là động lực to lớn của sự phát triển con người và xã hội. “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”(2). Tuy nhiên, việc khuyến khích tìm tòi hay thể nghiệm những phương thức thể hiện và phong cách nghệ thuật mới của đội ngũ văn nghệ sĩ là để phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống nhân dân, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác... chứ không phải để tô vẽ hay lăng xê sự nghiệp cá nhân của mình, tạo cho mình trở thành là “người của công chúng” một cách giả tạo, hợm hĩnh và háo danh.
Đối với các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng, vấn đề lại cấp thiết hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với những mất mát lúc ào ạt, lúc âm ỉ của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Có lúc, có nơi chúng ta hiểu chưa đúng cụm từ “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, cho nên đã thiên vị cho tăng trưởng kinh tế bằng bất cứ giá nào. Các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng lùi dần và biến mất khỏi các trung tâm đô thị lớn. Chẳng hạn, Đà Nẵng có một lịch sử kiên trung, oai hùng trong chống Pháp, chống Mỹ nhưng chẳng còn lại bao nhiêu di tích cách mạng. Ký ức (phi vật thể) về những trang sử anh hùng đó rồi sẽ phai nhạt dần khi các di sản vật thể không tồn tại cho các thế hệ mai sau. Đó chính là những dự liệu, là bài học cho những ai còn biết tôn trọng quá khứ. Chính vì vậy mà chúng ta phải có ý thức sâu rộng và toàn diện trong quá trình xây dựng và điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội sao cho có sự hài hòa, cân đối giữa cái mới với cái cũ, quá khứ với tương lai, truyền thống với hiện đại.
Trong thực tiễn thì phải thật sự gắn kết giữa kinh tế và văn hóa; “Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá, văn nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hoá trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ và người nước ngoài. Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số”. Tất cả việc gìn giữ những giá trị truyền thống, cách mạng đó là để tạo ra một diện mạo văn hóa đúng nghĩa: đó là sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa địa phương này với vùng, miền khác...
Vấn đề quan tâm phát triển hệ thống thông tin đại chúng đi đôi với việc quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, internet
Sự phát triển của các phương tiện báo chí, truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng, với chức năng thông tin, giáo dục và phản biện xã hội có thể góp phần ổn định chính trị để phát triển, nhưng cũng có thể tạo ra sự bất ổn chính trị, xã hội khi lợi dụng tự do tư tưởng, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để tạo ra dư luận xấu nhằm chia rẽ xã hội, tạo ra sự xung đôt giữa các tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Tính hai mặt khi sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng đang thể hiện sức mạnh ngày càng rõ trên rất nhiều phạm vi, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có các bài học về sự bất ổn ở Bắc Phi, Trung Đông... đang đặt ra nhiều vấn đề cho việc quản lý các phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả những vấn đề đó có liên quan đến đạo đức và năng lực của đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản.
Sự phát triển các phương tiện thông tin đại chúng là một tất yếu trong một xã hội toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, đi liền với việc “Phát triển và mở rộng việc sử dụng internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh”. Thực tế cho thấy, sự biến đổi văn hóa theo xu hướng lai căng, đồi trụy trong thời gian qua có nguyên nhân từ việc chúng ta quản lý chưa tốt các hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó, sự tác động của internet đến chính trị, xã hội, đạo đức, lối sống là những thách thức thật sự trong quá trình lãnh đạo, quản lý các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay.
Vấn đề mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá, tạo ra sự giao lưu văn hóa đa dạng để phát triển
Đây là lĩnh vực được Đảng ta rất quan tâm như là một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, bởi lẽ chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển và là mục tiêu cuối cùng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều này cũng có nghĩa là “sức mạnh mềm” của văn hóa nói chung và giao lưu văn hóa nói riêng có thể làm thay đổi hình ảnh của quốc gia, dân tộc theo chiều hướng tích cực và tốt đẹp. Các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... và đặc biệt là Trung Quốc ngày càng chứng tỏ vị thế của mình thông qua “sức mạnh mềm” của văn hóa bằng nhiều phương tiện, hình thức khác nhau. Trung Quốc đã mở hàng trăm Viện Khổng Tử ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ để truyền bá văn hóa Trung Quốc, tạo dựng hình ảnh, vị thế của mình trên trường quốc tế.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, trước đây, nhân loại tiến bộ và bạn bè quốc tế chỉ biết đến Việt Nam thông qua sự “nổi danh” trong phong trào giải phóng dân tộc, làm nên Điện Biên Phủ, làm nên thắng lợi mùa xuân năm 1975; biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là anh hùng giải phóng dân tộc. Nhưng trên thực tế con người và lịch sử văn hóa Việt Nam không chỉ dừng lại ở những biểu tượng đó mà còn trầm tích sự đa dạng văn hóa. Chính vì vậy, Đảng ta đã có những giải pháp lớn để tạo dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam như: “Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hoá, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, báo chí, xuất bản. Xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài”. Song song với những giải pháp đó là quá trình “gạn đục khơi trong”, tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hoá của các nước, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hoá sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy phản động đang có xu thế gia tăng hiện nay.
Những vấn đề lớn được trình bày trên đây được kế thừa từ truyền thống, đề xuất những giải pháp mới trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp đó chính là quá trình xây và chống trong hoạt động lãnh đạo, quản lý văn hóa của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Thiết nghĩ, việc nhận diện từng vấn đề cụ thể như vậy sẽ rất cần thiết trong quá trình triển khai những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đi vào đời sống văn hóa./.
TS. Nguyễn Ngọc Hòa
--------------------
(1) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.213
(2) BCHTW, số 23-NQ/TW, Nghị quyết của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tr.7