(TG) - Đây là hoạt động đáp ứng kịp thời việc hiện thực hóa một nhiệm vụ lớn của quốc gia – đưa Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt ngày 13/10/2020 vào thực tiễn cuộc sống.
Sáng ngày 16/12/2020, tại Hà Nội, Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam (VACHE) phối hợp với Hội Người Cao Tuổi Việt Nam tổ chức Diễn đàn Chăm sóc Sức khỏe Người Cao Tuổi tại cộng đồng.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn cho biết: Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh đầy thách thức, khi Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, thế kỷ XXI dân số bị già hóa vượt mức thế kỷ trước. Hiện trung bình cứ 9 người trên trái đất có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Trong 30 năm nữa, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ gấp đôi, từ 11% lên 22%. Ở nước ta, theo Tổng cục Dân số, Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động - việc làm, giao thông, vui chơi giải trí…,đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với tình trạng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Trên thực tế, Đảng và Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này, thể hiện rõ trong Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương (BCHTW) số 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005 và gần đây là Nghị quyết BCHTW số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đều xác định: Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao Sức khỏe như một quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia.
Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu kết hợp Y tế chuyên sâu (được hiểu là các cơ sở Y tế theo nghĩa hẹp, là pháp nhân đủ thủ tục hoạt động), với Y tế phổ cập (NQ 46/2005), Y tế cộng đồng (NQ 20/2017). Hai từ Y tế phổ cập, Y tế cộng đồng thực chất đồng nghĩa, được hiểu chỉ tập hợp rộng lớn các tổ chức, cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm thực tế, tự nguyện đứng chung đội ngũ Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao Sức khỏe.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: Kết quả của buổi tọa đàm này sẽ là những bài học quý giá cho việc phối hợp giữa Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam và Hội Người Cao Tuổi Việt Nam trong triển khai rộng rãi các hoạt động phát huy vai trò và công tác chăm sóc sức khỏe của Người cao tuổi tại cộng đồng một cách có chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết 20, 21/NQ-TW của BCHTW Đảng khóa XII và Quyết định 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.
Diễn đàn Chung tay chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tại cộng đồng được tổ chức nhằm:
- Tri ân những cống hiến to lớn của người cao tuổi nước nhà, đồng thời khơi dậy lòng tự hào và động viên lớp người cao tuổi tiếp tục phát huy cao độ vai trò của mình đối với gia đình, xã hội và đất nước.
- Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đồng thời rút ra những ưu, khuyết điểm, khó khăn, thuận lợi, những kinh nghiệm trong chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Từ đó tìm ra các giải pháp hiệu quả để triển khai thực hiện Quyết định 1579/QĐ - TTg về phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030.
- Trên cơ sở kết quả đã đạt được, làm rõ hơn các nội dung, phương thức, mô hình và việc khai thác các nguồn lực phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò Người cao tuổi tại cộng đồng cơ sở mà hai Hội cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị của người cao tuổi, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, tâm lý cho gia đình và đất nước.
- Góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của cộng đồng cũng như của mỗi người trong chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi.
|
Thúy Lan