Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 30/10/2011 10:19'(GMT+7)

Chấn chỉnh công tác quản lý xuất bản

Là trung tâm văn hóa của cả nước, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, TPHCM thường hứng chịu đầu tiên và cấp tập những hậu quả phức tạp phát sinh từ tiêu cực trong hoạt động xuất bản. Chính vì lẽ đó, Ban Thường vụ Thành ủy vừa triển khai hướng dẫn việc thực hiện quyết định của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung xuất bản phẩm. Cần hiểu rõ vấn đề quan trọng là vấn đề có tác động lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và quan hệ quốc tế. Vấn đề phức tạp, nhạy cảm là vấn đề thu hút sự quan tâm sâu sắc của nhiều loại đối tượng.

Muốn củng cố, chấn chỉnh toàn diện, căn cơ tình hình xuất bản, chúng ta phải quyết lòng đào xới, tìm đúng và đủ nguyên nhân gây ra tình trạng lộn xộn, tiêu cực trong xuất bản thời gian qua. Qua đó, phân tích cặn kẽ, thấu đáo, bắt đúng mạch thì mới ổn định và triển khai được các chỉ thị của Ban Bí thư, hướng dẫn của Thành ủy về công tác xuất bản một cách có hiệu quả, căn cơ.

Khi mắc sai phạm, người ta thường đổ tất tật vào nguyên nhân “buông lỏng quản lý” để rồi rút kinh nghiệm chung chung dẫn tới huề cả làng. Nếu có phạt chăng chỉ là lời nhắc nhở, cảnh cáo nhẹ nhàng. Còn phạt tiền thường ở mức ít hơn số tiền thu lợi nhờ hành vi vi phạm! Điều đó chẳng những không trừ khử được tiêu cực mà có khi còn phản tác dụng. Phân tích vậy để thấy rõ tại sao hết vụ vi phạm này đến vi phạm khác nối tiếp nhau qua năm tháng vẫn không ngớt bung ra và ẩn chứa tác hại khó lường.

Có ý kiến nói thẳng rằng trong nhiều trường hợp “có quản lý đâu mà buông lỏng?”. Thực tế, một số nhà xuất bản ký kết hợp đồng với đối tác, thu tiền quản lý phí xong, mặc phía kia tự quyết định nội dung, in ấn rồi tung ra thị trường. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhận định: Vấn đề liên kết xuất bản hiện nay quá tùy tiện, rất nhiều nhà xuất bản buông lỏng quản lý, không theo sát đối tác dẫn đến tình trạng ký duyệt xuất bản một đàng, in - phát hành một nẻo. Đơn cử như trường hợp cuốn Tột đỉnh tình yêu là sau khi ký duyệt xong, khi in đối tác chèn thêm vào một truyện ngắn có tư tưởng xấu khiến dư luận bất bình.

Trước đây là cuốn Sợi xích và vừa qua đến cuốn truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ… cũng là bài học về tình trạng bùng nhùng trong quản lý hoặc tảng lờ quản lý. Đó là chưa kể tệ nạn sách lậu, sách vi phạm bản quyền, sách điện tử bạt ngàn… Hơn nữa, việc quản lý các nhà xuất bản hiện nay trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhà xuất bản nào cũng có cơ quan chủ quản từ trung ương xuống đến các địa phương, rồi còn đẻ ra các chi nhánh, gần như thêm nhà xuất bản thứ hai, thứ ba… Điều này ít nhiều gây ra những rối rắm.

Như vậy, thực tế khách quan đòi hỏi phải cấp thiết sớm chấn chỉnh hệ thống xuất bản trong cả nước theo hướng mạnh dạn giải tán hoặc sáp nhập những nhà xuất bản không hội đủ điều kiện nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất theo quy định, hoặc đã vi phạm nhiều lần. Giao trọng trách cầm cương nẩy mực và chịu trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân lãnh đạo nhà xuất bản.

Ngoài ra, để giải quyết căn bản các vấn đề về định hướng tư tưởng trong hoạt động xuất bản theo chỉ thị của Ban Bí thư và hướng dẫn của Thành ủy còn rất cần dựa vào cái tâm và nhận thức chính trị của người làm xuất bản, nhất là đội ngũ giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên. Tâm trong sáng cùng với đạo đức và tài năng của người cầm trịch trong bộ máy xuất bản chắc chắn sẽ củng cố, phát triển ngành xuất bản lên tầm cao mới, trong lành và trí tuệ./.

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất