Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 7/10/2011 21:59'(GMT+7)

Thông tin quốc phòng an ninh - nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Công tác tư tưởng - văn hóa cũng là một mặt công tác trọng yếu, giữ vai trò quan trọng hàng đầu tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mang đến niềm tin vững chắc và xác định hành động cụ thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, công tác thông tin quốc phòng - an ninh là nội dung được thực hiện thường xuyên, liên tục và mang đến hiệu quả nhất định, góp phần bồi đắp tinh thần, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trình độ giác ngộ, xác lập động lực chính trị và hướng dẫn hành động cách mạng, quyết định sức mạnh quân sự của đất nước. Đây cũng là nền tảng để có được nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân với một đội quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và luôn vững mạnh về chính trị tư tưởng như hiện nay. Báo chí là kênh truyền thông hiệu quả nhất thông tin quốc phòng - an ninh.

Từ góc độ báo chí - truyền thông có thể hiểu, thông tin quốc phòng - an ninh là tin tức về công cuộc giữ nước và trạng thái ổn định của chế độ chính trị - xã hội, chủ quyền quốc gia được đưa từ chủ thể thông tin đến đối tượng tiếp nhận qua các kênh truyền thông. Thông tin quốc phòng bao gồm tổng thể các nội dung, hoạt động tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước, ngăn chặn đẩy lùi các âm mưu, hành động gây chiến cuả kẻ thù, duy trì trạng thái ổn định, an toàn phát triển của từng cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Trong đó lực lượng vũ trang với sức mạnh quân sự là nòng cốt. Qua thông tin quốc phòng - an ninh, công chúng có thể nắm bắt được đường lối, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, sức mạnh quân sự của đất nước. Cùng với đó là công tác xây dựng lực lượng với các chức năng chiến đấu, công tác và lao động sản xuất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ đó xác định, tạo lập, củng cố tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, niềm tin vào quân đội, đất nước và hành động bảo vệ tổ quốc.

Hiện nay nhu cầu được thông tin đầy đủ chính xác, hiệu quả về quốc phòng - an ninh là vấn đề cấp thiết và chính đáng. Đó là nhu cầu khách quan hình thành, tồn tại và phát triển cùng điều kiện sống với tất cả các mặt tự nhiên và xã hội của con người. Đáp ứng nhu cầu đó cũng chính là thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thông tin quốc phòng - an ninh là nội dung quan trọng cần được truyền thông một cách chính xác, hiệu quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự phát huy hiệu quả thông tin quốc phòng - an ninh trên báo chí truyền thông trong sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi được xác định cụ thể và có giải pháp, phương thức tiến hành phù hợp với tình hình mới. Bộ Quốc phòng đã có sự hợp tác và cung cấp thông tin cho các đơn vị báo chí ngoài quân đội trong việc thông tin về quốc phòng - an ninh. Nhưng khó khăn và có một số vướng mắc xuất phát từ sự thiếu tri thức quân sự, thiếu kinh nghiệm, thực tế của một số nhà báo, đơn vị báo chí ngoài quân đội. Mỗi một sai sót, sơ xuất trong thông tin quốc phòng - an ninh có thể gây tổn hại không nhỏ đến tình hình an ninh quốc gia. Nơi có khả năng đáp ứng, giải quyết được nhu cầu thông tin quốc phòng - an ninh một cách đầy đủ, tin cậy nhất, nhanh nhất chính là hệ thống báo chí Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thông tin quốc phòng - an ninh là thông tin chính, thông tin chủ lưu của hệ thống báo chí Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và đây cũng là thế mạnh, đặc thù của các đơn vị báo chí trong lực lượng vũ trang cần được khai thác, tăng cường, đầu tư..

Kể từ khi ra đời, qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, hệ thống báo chí quân đội luôn là lực lượng tiên phong thực hiện tốt nhất công tác thông tin quốc phòng - an ninh, có điều kiện để làm tốt nhiệm vụ này hơn bất cứ đơn vị báo chí nào. Báo chí quân đội đã có hơn 60 năm hình thành và phát triển. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, báo chí quân đội là nơi cung cấp thông tin chính xác, nhanh nhạy, sống động và đầy đủ nhất, được hàng triệu quân dân Việt Nam đón đợi. Lớp lớp các nhà báo quân đội đã bám sát chiến trường, đồng hành, đồng cam cộng khổ cùng các chiến sĩ trên những trận tuyến chống quân thù, để có thể thông tin kịp thời, chân thực nhất về cuộc chiến chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Trên tay họ không chỉ có máy ảnh, chiếc bút, cuốn sổ mà còn có cả những cây súng, cùng những trang bị quân sự như bao người lính khác. Nhiều nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã anh dũng hy sinh giữa mặt trận với tư cách của một người chiến sĩ và một nhà báo quả cảm.

Phát huy truyền thống từ thời chiến, đến thời bình, báo chí quân đội tiếp tục là kênh thông tin tin cậy về quốc phòng - an ninh đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, báo chí quân đội cũng đã có sự phát triển, mạnh mẽ. Hệ thống báo chí Quân đội đã được hình thành, mở rộng ở tất cả các loại hình. Theo thống kê mới nhất, hiện toàn quân đã có 49 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Trong đó có 15 báo và 34 tạp chí. Ngoài ra, quân đội còn có 28 ấn phẩm mang tính chất báo chí hiện lưu hành nội bộ. Hiện có 460 cán bộ, phóng viên, biên tập viên được biên chế tại các đơn vị báo chí quân đội. Họ chính là các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đã góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Các nội dung chính về quốc phòng - an ninh đã được truyên truyền, thông tin, tập trung về thời sự quốc phòng - an ninh, khoa học - kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự; công tác xây dựng lực lượng; công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh với các luận điểm, âm mưu sai trái của kẻ thù... Tất cả cho thấy, Quân đội Nhân dân Việt Nam được huấn luyện tinh nhuệ, làm chủ vũ khí khí tài hiện đại, đủ sức xử lý tốt các tình huống, đặc biệt là vấn đề chủ quyền, đảm bảo sự vẹn toàn của lãnh thổ, giữ được hòa bình, ổn định với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, cũng cần có sự đầu tư, quan tâm hơn nữa đến thông tin quốc phòng - an ninh trên báo chí với những đặc thù và dấu ấn riêng biệt, ở một đất nước đã từng chịu nhiều binh đao. Nhiều vấn đề được đặt ra, trước thực trạng thông tin thông tin quốc phòng - an ninh hiện nay.

Vấn đề đặt ra không phải là thiếu thông tin quốc phòng - an ninh trên báo chí hay báo chí quân đội ít, mà là điều kiện tiếp cận thông tin quốc phòng an ninh, chất lượng, hình thức thông tin ra sao và nên thông tin như thế nào để hấp dẫn và hiệu quả. Trong khi đó, công tác nghiên cứu, hướng đến việc đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông về quốc phòng an ninh còn bỏ ngỏ? Và làm sao để thông tin quốc phòng - an ninh đến được bạn đọc không chỉ trong quân đội mà vẫn đảm bảo yêu cầu giữ bí mật quân sự quốc gia? Cách nào giải quyết được tốt mối thắc mắc, hoài nghi hay mơ hồ về sức mạnh quân sự Việt Nam hiện nay?

Thực hiện nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, với khoa học công nghệ phát triển, điều kiện tiếp cận, thu nhận và truyền tin ngày một rộng mở. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng chính điều đó để can thiệp sâu vào nội bộ cũng như xuyên tạc, bóp méo hình ảnh quân đội, xã hội và phá hoại công cuộc xây dựng, bảo vệ, đổi mới của đất nước. Thực tiễn đòi hỏi báo chí phải truyền thông hiệu quả về quốc phòng - an ninh, thông tin kịp thời và chính xác các sự kiện, các vấn đề phục vụ công tác xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ tổ quốc, góp phần xây dựng, hoàn thiện và khẳng định hình ảnh đất nước Việt Nam vững mạnh, đổi mới, hoà bình.

Về giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra, nhằm nâng cao chất lượng thông tin quốc phòng an ninh, thực hiện tốt vai trò chức năng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ tổ quốc, có thể chia làm một số nhóm sau: Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng chủ thể thông tin: xác định và tăng cường nhận thức thông tin chính có vai trò chủ yếu đối với lãnh đạo chỉ huy các cấp; Nhóm giải pháp đổi mới nội dung và hình thức thông tin; Nhóm giải pháp tạo lập, phát triển môi trường báo chí - truyền thông.

Khi xác định, nhận thức quốc phòng - an ninh là thông tin quan trọng cần tuyên truyền trên báo chí, là nội dung cơ bản của báo chí Quân đội, đặt ra yêu cầu và đòi hỏi phải có sự tổ chức, hình thành phát huy hiệu quả mô hình thông tin ở các đơn vị cơ quan báo chí, cũng như cả hệ thống báo chí Quân đội. Trong mô hình ấy, có vị trí, vai trò đặc biệt của thông tin quốc phòng - an ninh cũng như sự tập trung, đầu tư cần thiết cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên phụ trách mảng thông tin quốc phòng - an ninh. Việc tập huấn, bồi dưỡng tri thức quân sự là rất cần thiết. Với các nhà báo quân đội, đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên ngành báo chí song hành cùng kiến thức quân sự và bản lĩnh chính trị. Vấn đề bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật tri thức quốc phòng càng cần được quan tâm đặc biệt, là chương trình, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị báo chí quân đội. Có thể đặt ra định kỳ, thường xuyên như yêu cầu về việc rèn luyện, kiểm tra điều lệnh trong công tác huấn luyện quân sự hàng quý hàng năm? Với việc tổ chức, xây dựng một số báo, một chương trình, sự cân nhắc, quyết định tỷ lệ các thông tin là rất cần thiết. Và trong đó tỷ lệ thông tin quốc phòng - an ninh chiếm một phần lớn nhất, có tính đến các yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, với những vận dụng đặc thù trong các lực lượng vũ trang.

Như các đơn vị báo chí trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí quân đội cũng mang đầy đủ và thực hiện khá tốt các chức năng cơ bản như thông tin sự kiện, giáo dục, văn hóa, giám sát xã hội và một số chức năng khác như giải trí, kinh tế…Tuy nhiên, ngoài các chức năng đó, báo chí Quân đội cần làm tốt nhiệm vụ, vai trò, chức năng là kênh thông tin chính, đầy đủ, chính xác, nhanh nhạy, kịp thời nhất về thông tin quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời nên có sự phối hợp tốt với các cơ quan báo chí ngoài quân đội, hỗ trợ, yêu cầu được hỗ trợ thông tin khi cần thiết.

Thực hiện tốt công tác thông tin quốc phòng - an ninh cũng là thể hiện khuynh hướng chính trị tư tưởng với những thể hiện đặc trưng về mục đích, quan điểm xã hội, thái độ chính trị xã hội của báo chí cách mạng. Công tác này có thể bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng thông tin và vận dụng đa dạng các phương thức truyền thông. Và nên chăng cùng với việc hiểu và thực hiện nhiệm vụ của báo chí Quân đội là xây dựng, bảo vệ quân đội, đất nước cần chính thức gọi tên và định vị vai trò, chức năng bảo vệ tổ quốc của báo chí quân đội, báo chí cách mạng? Thông tin quốc phòng - an ninh phải được truyền thông kịp thời với chính sách phương thức riêng từ đặc thù báo chí của lực lượng vũ trang - báo chí bảo vệ tổ quốc. Cần cân nhắc giữa kinh phí thực hiện và hiệu quả thu được trong việc cấp phát, mở rộng thông tin quốc phòng an ninh đến tất cả các đối tượng, đó cũng là cách để thực hiện tốt thông tin đối ngoại quân sự, tạo lập, khẳng định sức mạnh quân sự và vị thế đất nước trên trường quốc tế hiện nay./.

ThS. Phạm Thu Quỳnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất