Một trong các vấn đề đang đặt ra đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong các DN dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là trình độ, kỹ năng tuyên truyền của cán bộ làm công tác này còn chưa đồng đều.
Nhiều hình thức được áp dụng…
Theo báo cáo mới đây trong cuộc làm việc với Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQVN Huỳnh Đảm của Tổng LĐLĐVN, việc thực hiện QĐ 31/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật LĐ, pháp luật CĐ và các quy định pháp luật có liên quan cho CNLĐ tại các DN ngoài nhà nước và DN FDI” được các cấp CĐ triển khai dưới nhiều hình thức, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật LĐ nói riêng đối với NLĐ và người sử dụng LĐ, góp phần xây dựng quan hệ LĐ hài hòa tại các DN, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tổng LĐLĐVN đã nghiên cứu, bổ sung, biên soạn trên 74 ngàn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về LĐ và CĐ, BHXH, BHYT. Một số nơi làm tốt như: Long An tổ chức được 9.400 cuộc, với hơn 700.000 lượt người tham gia; Đà Nẵng 2.614 cuộc, 65.488 lượt người tham gia; Kiên
Giang 1.848 cuộc, 11.791 lượt người tham gia; Bến Tre 374 lớp, 33.032 lượt người tham gia...
Cũng từ năm 2009 đến nay, Tổng LĐLĐVN chú trọng việc tổ chức các lớp tập huấn cho CBCĐ chủ chốt về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và cũng là để thực hiện tốt QĐ31.
Qua đó, gần 300 CBCĐ chủ chốt toàn quốc được bồi dưỡng về kỹ năng cần thiết cho CBCĐ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như tuyên truyền miệng, kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng biên soạn tài liệu pháp luật... Đây chính là nguồn lực chính trong việc tiếp tục mang kiến thức pháp luật đến cho CNLĐ.
...nhưng vẫn còn hạn chế
Tại một số nơi như Bà Rịa – Vũng Tàu, với nỗ lực của CĐ, có tới 88.208 lượt CNLĐ tham gia các hội nghị, hội thi về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ; 28.138 lượt CBCĐ được tập huấn nghiệp vụ làm công tác này. Ở Bến Tre, LĐLĐ tỉnh mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CB CĐCS trong các DN, có trên 80% số CBCĐ các DN được bồi dưỡng và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền.
Còn ở Bình Thuận, tổ chức CĐ đã củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ LĐLĐ tỉnh đến các cấp CĐ gồm 86 người, trong đó có 32 báo cáo viên và 54 tuyên truyền viên. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động thường xuyên với nhiều hình thức và có hiệu quả. Qua trao đổi, những CB CĐ tại KCN Phú Thọ cho biết việc được trang bị kỹ năng biên soạn tài liệu tuyên truyền rất quan trọng, vì từ những tài liệu cấp trên đưa xuống họ sẽ biết cách biên soạn sao cho phù hợp với điều kiện CNLĐ tại cơ sở.
Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của nhiều địa phương, vấn đề cần khắc phục là trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền của CB làm công tác tuyên truyền chưa đồng đều, chưa được bồi dưỡng, đào tạo bài bản. Như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đội ngũ CB làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, từ thực tế, một số CBCĐ nhận xét: Văn phòng tư vấn, tổ tư vấn pháp luật trong hệ thống CĐ do mới được thành lập nên hoạt động còn lúng túng, chưa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tư vấn đối với yêu cầu của NLĐ; số CB phụ trách có trình độ, năng lực, am hiểu về luật chưa nhiều.
Đó là chưa nói đến điều kiện hoạt động, kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp còn hạn chế, ảnh hưởng tới kết quả tổ chức thực hiện.
Theo Lao Động