Trong những năm gần đây, việc xuất bản - trong đó có xuất bản sách văn học, đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Một số nhà xuất bản làm ăn thua lỗ, lương cán bộ, biên tập viên, nhân viên rất thấp, uy tín của xuất bản phẩm không đồng đều. Riêng thị trường sách văn học có thể nói đã đến lúc báo động, bởi sách có chất lượng được in ấn và phát hành không nhiều, trong khi sách "đội mũ văn học" nhưng chất lượng thấp, cả về giá trị văn chương lẫn chất lượng in ấn tràn ra thị trường.
Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành xuất bản ở Việt Nam đã có đóng góp không nhỏ trong thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ việc xuất bản lại sôi động và nhiều gam màu tối - sáng như hiện nay. Một số nhà xuất bản với ưu thế độc quyền thì ăn nên làm ra, đời sống cán bộ, nhân viên được nâng cao. Một số nhà xuất bản tồn tại một cách cầm chừng, lắt lay. Trong khi đó, một số vụ việc phức tạp vẫn đeo bám dai dẳng với các cuốn sách. Cách đây vài năm Văn phòng Chính phủ đã phải ra Văn bản số 2712/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra một nhà xuất bản có sai phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ, hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh không đúng quy định. Kiểu phát hành riêng và độc quyền của nhà xuất bản này đã làm cho một số thầy cô đương nhiên trở thành người buôn sách, và học sinh, sinh viên vẫn phải mua những loại sách được "ấn hành" bằng nhiều hình thức. Còn phụ huynh, người có lương tâm chỉ biết kêu trên báo và... kêu trời!
Một số nhà xuất bản khác, có thương hiệu hoặc có các thế mạnh độc quyền, như được phép biên tập về y học, khoa học, kỹ thuật, luật, sách chuyên ngành... thì tìm cách nâng giá, biến tướng bằng cách lập ra đủ mọi loại hội đồng, ép mua ép bán hoặc đưa vào hệ thống cấp phát, trừ vào kinh phí nghiệp vụ,... Thực tế này đưa đến câu hỏi: Phải chăng thực chất là hành vi thao túng thị trường để trục lợi? Có nhà xuất bản xa rời các định hướng về chức năng chính của mình, bán giấy phép vô tội vạ để tác giả "tự tung tự tác", biên tập đại khái qua loa, cấp phép chồng chéo hoặc chạy các dự án sách bao cấp dẫn đến rối loạn tiêu chí, chất lượng sách thấp. Lại có nhà xuất bản thành lập đủ mọi loại trung tâm, tạo nên những "nhóm lợi ích" khác nhau, thực chất là lợi dụng danh nghĩa nhà nước để làm việc cá nhân. Với những việc này, nhiều người trong giới xuất bản đã biết, không ít vụ việc là kết quả của sự buông lỏng đã bị xử lý. Các cơ quan quản lý xuất bản, quản lý ngành cũng biểu hiện nhiều lúng túng, khi giải quyết vụ việc thường không đến nơi đến chốn, gây tranh cãi, thậm chí còn dẫn đến kiện tụng, và kết quả thường là bị lợi dụng tạo xì-căng-đan để bán sách.
Nếu nói rằng việc xuất bản có phần hỗn độn, thì những ai quan tâm tới thị trường sách văn học sẽ không khó để đi tới kết luận: thị trường sách văn học đang là tâm điểm của mớ bòng bong ấy. Vì lâu nay sách văn học đã được xuất bản mang tính tự phát, thậm chí vô tổ chức. Ai có tiền là có thể in một cuốn sách cho chính mình hoặc một người, một tổ chức nào đó. Và đã có nhà xuất bản sẵn sàng cấp giấy phép để in sách văn học, bất luận chất lượng, độ tin cậy của cuốn sách như thế nào. Thậm chí có nhà xuất bản không có chuyên môn về sách văn học vẫn điềm nhiên cấp giấy phép, và dường như sách văn học ấy chỉ là cái "mũ đội", còn nội dung thì khó thẩm định. Vài ba chục bài thơ rất thiếu "chất thơ", loạt bài báo gắn liền với xì-căng-đan, tập bút ký gắn liền với kiện cáo linh tinh,... đều có thể được cấp giấy phép mang tên "thể loại văn học". Thậm chí sao chép luận văn, luận án chắp vá, đạo văn hổ lốn, rồi moi từ trên in-tơ-nét ít tư liệu lịch sử không rõ nguồn gốc, "thêm mắm thêm muối", bịa linh tinh,... cũng có thể được cấp giấy phép mang tên... "thể loại văn học". Cứ như thế, thị trường sách, đặc biệt là thị trường sách văn học ngày càng phải chứa đựng quá nhiều "sản phẩm" kỳ lạ, có khả năng làm hại người đọc hơn là giúp người đọc nâng cao tri thức. Ðiều này, người trong cuộc biết hay không? Hẳn là đã biết từ lâu, nhưng xử lý thế nào đây? Người đọc sách văn học, theo thống kê, chủ yếu vẫn là sinh viên, một phần trí thức, các nhà văn, nhà thơ... Ðọc các tác phẩm đội danh sách văn học được xuất bản vô tội vạ gần đây, nếu có nói rằng "vàng thau lẫn lộn" thì cũng không phải là quá lời, và đã đến lúc căn bệnh này phải có biện pháp chữa trị. Trong khi các cuốn sách có chất lượng văn học thực sự đang phải đương đầu với truyền hình, in-tơ-nét, với sự phát triển hấp dẫn, sinh động của nhiều loại hình nghệ thuật khác, thì một số ấn phẩm còn thiếu phẩm tính văn học như đã vô tình khiến cho các tác phẩm văn học đích thực ngày càng khó đến với độc giả...
Những căn bệnh trên càng trở nên nặng nề khi người đọc đã bị "lừa" về chất lượng sách văn học, lại bị "lừa" về giá trị vật chất, cụ thể là giá sách ghi trên bìa và thực tế giá thành của cuốn sách. Lâu nay, ở nhiều cửa hàng sách, trên các "phố sách", thậm chí tại các hội chợ sách, việc sách văn học có thể được giảm từ 10% đến 50% (thậm chí đến 70%) theo giá bìa đã không còn là chuyện lạ. Vì khi xuất bản một cuốn sách, người ta đã tính toán đến việc chiết khấu cho các công đoạn khác nhau của quá trình từ lúc cuốn sách ra đời đến khi tới tay người đọc. Mua một cuốn sách có giá bìa cao hơn rất nhiều so với giá thành của cuốn sách cũng tức là người đọc phải mua cả cái "giá trị ảo" mà nhà xuất bản tạo ra để mang lại lợi ích cho hệ thống phát hành. Cá nhân mua sách cũng vậy, các đơn vị nhà nước, cơ quan, và đặc biệt là hệ thống thư viện mua để cấp phát cũng như vậy. Ðây là một điều cực kỳ vô lý, là hành vi móc túi người đọc, móc túi nhà nước một cách trắng trợn. Với hệ thống các thư viện, đã tồn tại một luật bất thành văn là phần trăm chiết khấu (thường là được thỏa thuận bằng miệng) giữa bên bán với bên mua. Hợp đồng thì ký đủ theo giá bìa. Hóa đơn tài chính được hợp thức hóa theo hợp đồng, nên sự thất thoát từ 10% đến 50% giá ghi ở bìa cuốn sách tính ra rất lớn. Lợi nhuận bất chính chui vào túi cá nhân, tập thể mà nhà nước không kiểm soát được.
Ðể tìm được lời giải cho bài toán nói trên là hết sức khó khăn, nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu các cơ quan chức năng quyết tâm chấn chỉnh, đưa việc xuất bản sách nói chung, và sách văn học nói riêng, đi vào quy củ. Hệ lụy từ việc buông lỏng xuất bản đã trở thành một vấn nạn trong nhiều năm nay. Báo chí đề cập đã nhiều, người đọc và các bậc phụ huynh cũng đã nhiều lần lên tiếng, nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn chỉ hô hào chung chung, chưa có biện pháp thiết thực và cụ thể. Sách - đó là tri thức, là một trong các yếu tố đào tạo nên con người văn hóa, là thành tố quan trọng trong việc tạo dựng trí tuệ, phẩm cách của con người, tạo dựng nên động lực để đất nước có thể vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thả nổi thị trường sách, thiếu trách nhiệm với sự ra đời của các cuốn sách, là có lỗi với bạn đọc, vì hậu quả của sự ra đời những cuốn sách nhảm nhí, dung tục, thiếu văn hóa là không thể lường hết. Trong kinh tế thị trường, sách có thể là một loại hàng hóa, nhưng đây là loại hàng hóa đặc biệt, và cần có quan niệm, chính sách đặc biệt để sách phát huy được tính tích cực xã hội của nó. Vì thế, bên cạnh việc cần sớm thi hành các biện pháp chế tài, đã đến lúc các cơ quan chức năng thuộc ngành xuất bản, nhà xuất bản, giới kinh doanh,... cùng bàn bạc, thảo luận, tìm biện pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh doanh với tính văn hóa - văn minh của xuất bản phẩm, đồng thời không biến người đọc thành "nạn nhân" của công tác xuất bản và phát hành thiếu lành mạnh.
Theo Nhân Dân