Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 12/12/2012 22:45'(GMT+7)

Từ nhận định sáng suốt đến kỳ tích trên bầu trời Hà Nội

Én bạc” chuẩn bị xuất kích. Ảnh tư liệu

Én bạc” chuẩn bị xuất kích. Ảnh tư liệu

Những đêm trực "săn mồi"

Anh hùng LLVT nhân dân, phi công, Trung tướng Phạm Tuân vẫn nhớ rõ những ngày lịch sử cách đây đã 40 năm. Ông kể: “19 giờ 15 phút, ngày 18-12-1972, lệnh báo động phát ra, tôi lao ra máy bay, leo nhanh lên buồng lái chờ lệnh. Ngồi trong buồng lái được vài phút thì nghe tiếng rít xé tai của F-111; tiếp đó là những loạt bom dội xuống sân bay. Xung quanh sân bay đạn pháo phòng không bắn lên như mưa. Vừa lúc đó tôi nhận lệnh xuống cấp. Bước chân vào phòng trực, trong tôi nặng trĩu suy tư: Chẳng lẽ đêm nay vẫn tiếp tục phải chờ! Đã tròn 27 đêm trực chiến liên tục. Nhưng rồi, nỗi nuối tiếc chỉ thoáng qua giây lát đã được cấp trên “giải toả” bằng nhiệm vụ mới: Tiếp tục xuất kích đánh B-52”.

19 giờ 25 phút, nhận được lệnh cất cánh từ sở chỉ huy, Phạm Tuân điều khiển máy bay lăn ra thì thấy dưới đường băng lổn nhổn đất đá. Bình thường, trong điều kiện như vậy máy bay không được phép hoạt động. Nhưng nhiệm vụ đánh B-52 lúc này hết sức quan trọng, nóng bỏng. Phạm Tuân vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm đã được tích lũy, đẩy tay ga tăng vòng quay động cơ, chiếc Mig-21 vút đi và rời đất gần như theo phương thẳng đứng để tránh những luồng đạn cao xạ đang bắn yểm hộ cho máy bay ta cất cánh.

Vừa lấy độ cao, anh vừa đưa máy bay đến khu vực chiến đấu theo sự dẫn dắt của các sở chỉ huy: Sao Vàng, Mộc Châu, Yên Bái. Bay đến Ba Vì, anh nhận được lệnh thả thùng dầu phụ và lấy độ cao khoảng 6.000m. Ngay sau đó, Phạm Tuân phát hiện ra từng dãy đèn đang lừng lững trên không, tiến vào Hà Nội. Anh lập tức báo cáo sở chỉ huy. Nhận lệnh tiếp cận mục tiêu, Phạm Tuân bật ra-đa để sục sạo, ngay tức khắc đèn B-52 vụt tắt. Trên màn hình ra-đa nhiễu trắng xoá, nhìn ra xung quanh thấy đèn của bọn F-4, Phạm Tuân nhanh chóng cơ động. Tiêm kích địch bám theo phóng tên lửa tới tấp. Anh làm động tác lật ngửa máy bay, lao xuống tránh tên lửa địch rồi kéo máy bay lên nhưng không thấy mục tiêu B-52 đâu nữa. Bọn B-52 đã tẩu thoát!

Nhận lệnh từ sở chỉ huy, Phạm Tuân nhanh chóng trở về sân bay hạ cánh. Sở chỉ huy QC PK-KQ thông báo sân bay Nội Bài vừa bị đánh phá ác liệt. Sân bay mất điện, không có đèn hạ cánh; thông tin liên lạc đang bị gián đoạn. Nhìn đồng hồ trên máy bay biết lượng dầu không đủ để đi sân bay khác, Phạm Tuân xin phép hạ cánh tại sân bay Nội Bài bằng đèn pha máy bay. Khi máy bay đang giảm độ cao vào hạ cánh thì trên bầu trời phía cuối đường băng bùng lên một khối lửa sáng rực, giúp Phạm Tuân nhìn rõ sân bay hơn.

Khi máy bay vừa tiếp đất, nó bỗng chồm lên và lao đi một đoạn rồi lật ngửa, quay ngoắt 180 độ. Phạm Tuân tự đập buồng lái và chui ra khỏi máy bay. Chiếc ô tô của trung đoàn đỗ xịch ngay tại đó, đón anh về đơn vị.

Biến “pháo đài bay” thành bó đuốc

Trung tướng Trần Hanh, nguyên Tư lệnh Binh chủng Không quân nhớ lại: “Ngày 26-12, Phạm Tuân được lệnh bay chuyển sân từ Nội Bài lên sân bay Yên Bái đợi lệnh đánh B-52. Trong những ngày trước đó, sân bay Yên Bái liên tục bị không quân Mỹ đánh phá. Phán đoán Mỹ sẽ chủ quan cho rằng Mig không thể hoạt động ở sân bay Yên Bái nên ta vừa sửa chữa gấp sân bay, vừa bí mật cơ động máy bay đến ém sẵn ở đó để tạo thế bất ngờ”.

17 giờ ngày 26-12, Phạm Tuân nhận lệnh cất cánh đi Yên Bái. Để tránh sự phát hiện của đối phương, anh bay ở độ cao 100m. Do điều kiện thời tiết không cho phép hạ cánh tại Yên Bái, nên anh phải quay về Nội Bài hạ cánh.

Tối 27-12, Phạm Tuân tiếp tục cất cánh từ Nội Bài đi sân bay Yên Bái. Bay ở độ cao thấp nên anh không bị tiêm kích địch phát hiện và đã hạ cánh trực tiếp xuống sân bay Yên Bái.

22 giờ 16 phút hôm đó, anh nhận lệnh vào cấp 1. Bật tăng lực, Phạm Tuân cùng chiếc Mig-21 lao vào bầu trời đêm. Vừa ra khỏi mây, anh phát hiện 2 chiếc F-4 của đối phương đang bay phía trước. Theo lệnh từ sở chỉ huy, anh vòng tránh F-4 và lấy độ cao. Sau đó, anh tiếp tục “qua mặt” vài tốp F-4 khác. Ngay sau đó, Phạm Tuân nhận được thông báo từ sở chỉ huy: B-52 cách 200km.

Anh hùng Phạm Tuân (thứ hai từ trái qua) sau trận bắn rơi B-52 (tháng 12-1972). Ảnh tư liệu

Anh được dẫn về phía Nam, bay ở độ cao 3.000m. Khi còn cách mục tiêu 80km, Phạm Tuân xin phép thả thùng dầu phụ, sở chỉ huy chưa đồng ý. Vào đến cự ly 50km rồi 40km, lệnh sở chỉ huy phát ra: Thả thùng dầu phụ, tăng tốc độ, lấy độ cao 10.000m

Tập trung quan sát, Phạm Tuân phát hiện phía trước là 2 dãy đèn của B-52. Sau khi báo cáo sở chỉ huy, được phép tăng tốc độ, anh vòng trái tiếp cận mục tiêu. Trong khi đó, 5 sở chỉ huy đều phát hiện và dẫn dắt tốt máy bay ta. Bỗng giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp của Phó tư lệnh Binh chủng Trần Hanh vang lên: “Các sở chỉ huy khác ngừng liên lạc để sở chỉ huy Binh chủng dẫn 361” (361 là số hiệu của Phạm Tuân).

Biết tâm trạng hồi hộp, lo lắng của của các đồng chí dưới mặt đất, Phạm Tuân buột miệng: “Các anh yên tâm, tôi nhất quyết bắn rơi máy bay đối phương”. Vào đến cự ly 5km, máy bay của ta vẫn bay thấp hơn B-52 khoảng 500m. Từ sở chỉ huy thông báo: “Có 2 F-4 đang tăng lực bám theo”. Đã phát hiện chúng ở phía sau, nhưng đang bay ở tốc độ lớn, cự ly so với F-4 chưa đến mức nguy hiểm nên Phạm Tuân quyết định tiếp tục bám theo tốp B-52. Đến cự ly 3km, nhận lệnh từ sở chỉ huy, Phạm Tuân phóng liền hai quả tên lửa và thoát ly bên trái.

Kéo máy bay lên, làm động tác lật ngửa, Phạm Tuân thấy một quầng lửa sáng rực ngay dưới cánh máy bay mình. Anh nhanh chóng làm động tác thoát ly quay về sân bay Yên Bái hạ cánh an toàn.

21 giờ 41 phút ngày 28-12-1972, phi công Vũ Xuân Thiều cũng cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, được sở chỉ huy Thọ Xuân dẫn vòng ra phía sau đội hình B-52. Đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện được mục tiêu. Mặc dù ở cự ly rất gần, nhưng anh vẫn xin vào công kích quyết tâm tiêu diệt địch. Sau khi công kích, máy bay địch bốc cháy và Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh…

THÀNH TRUNG-NGỌC TUẤN/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất