Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 6/6/2013 14:47'(GMT+7)

Chẳng qua là vì lý do chính trị

Thông cáo của ALBA chỉ rõ, quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ, được cho là vô lý và không thể biện hộ được, “đã cố tình không nói sự thật, phớt lờ sự đồng lòng rộng rãi và yêu cầu rõ ràng từ nhiều thành phần trong xã hội Mỹ và cộng đồng quốc tế để đặt dấu chấm hết cho sự bất công này”.

ALBA cũng yêu cầu Mỹ ngay lập tức loại Cuba ra khỏi danh sách được lập ra chỉ với mục đích duy nhất là biện minh cho chính sách cấm vận về kinh tế, thương mại, tài chính của Mỹ chống lại Cuba hơn nửa thế kỷ qua.

Hành động này theo ALBA là vi phạm Luật Quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Trước đó, trong bản báo cáo hằng năm công bố hôm 30-5, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn liệt Cuba trong danh sách các nước bảo trợ khủng bố dẫu chính cơ quan này đã công nhận trong bản báo cáo đó rằng, Chính phủ Cuba trong năm 2012 đã giảm hỗ trợ cho nhóm ly khai xứ Basque tại khu vực Nam Âu, tham gia vào nhóm tìm cách ngăn chặn cung cấp tài chính cho khủng bố và bảo trợ các vòng đàm phán hòa bình giữa Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC).

Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, “không phát hiện dấu hiệu cho thấy Chính phủ Cuba cung cấp vũ khí hay huấn luyện bán quân sự cho các nhóm khủng bố”.

Cơ quan này cũng cho rằng, Chính phủ Cuba tiếp tục cung cấp nơi trú ngụ an toàn cho hơn hai chục thành viên của nhóm ly khai “Tổ quốc và Tự do xứ Basque” (ETA) nhưng lại khẳng định, Chính phủ Cuba đã giảm sự hỗ trợ đối với ETA và không còn cung cấp giấy phép di trú cho các thành viên trong nhóm này.

Cuba còn bị cáo buộc “là nơi trú ngụ lý tưởng của các thành viên FARC” (theo Bộ Ngoại giao Mỹ là một nhóm khủng bố) nhưng chính bản báo cáo của cơ quan này cũng khẳng định vào tháng 11-2012, Cuba đã bắt đầu đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà tổ chức các vòng đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và FARC. Thực tế cho thấy, Cuba đã và đang thể hiện rõ vai trò tích cực của mình trong tiến trình hòa bình của Colombia mà bằng chứng mới đây nhất là Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được thỏa thuận đầu tiên về cải cách ruộng đất hồi cuối tháng 5, tại Havana.

Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc, Chính phủ Cuba tiếp tục chứa chấp những kẻ bị truy nã tại Mỹ, cung cấp nhà ở, lương thực và y tế cho những cá nhân này. Tuy nhiên, phát biểu trên Reuters, Robert Muse, một công tố viên tại Washington chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến Cuba khẳng định, không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định Cuba là một nước bảo trợ khủng bố vì sự hiện diện của những thành phần bị Mỹ truy nã. Theo công tố viên này, việc những phần tử mà Mỹ truy nã vẫn tiếp tục ở Cuba là do Washington từ chối tôn trọng Hiệp định dẫn độ vốn đã có từ lâu với Cuba.

Washington cũng chỉ trích Cuba không hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố quốc tế. Nhưng năm 2012, Cuba đã tham gia vào Lực lượng hành động tài chính Nam Mỹ, một nhóm liên chính phủ để tìm cách thực hiện đúng theo những tiêu chuẩn của Mỹ về những hành động bất hợp pháp kể trên.

Phản ứng trước bản báo cáo này, Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định:“Lãnh thổ Cuba chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là nơi ẩn náu cho bất cử kẻ khủng bố hay tổ chức khủng bố nào, hoặc là nơi cung cấp tài chính hay vi phạm vào các hành động khủng bố chống lại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, kể cả nước Mỹ”.

Việc tiếp tục giữ Cuba nằm trong danh sách các nước bảo trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đã vấp phải những chỉ trích ngay trong những thành viên Quốc hội Mỹ.

Trả lời phỏng vấn tờ Los Angels Times, Geoff Thale, Giám đốc chương trình tại Văn phòng Washington về khu vực Mỹ Latinh - một nhóm ủng hộ tự do, chỉ trích: “Bản báo cáo cho thấy một điều rõ ràng rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ không thực sự cho rằng Cuba là một quốc gia bảo trợ khủng bố. Một sự thật hiển nhiên là, Cuba nằm trong danh sách các nước bảo trợ khủng bố là vì những lý do chính trị”.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất