Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 4/6/2010 15:40'(GMT+7)

Chất lượng các dự án luật còn nhiều điều đáng bàn

Đại biểu Bùi Quang Bền (đoàn Kiên Giang) cho rằng, phần lớn các chương trình xây dựng luật và pháp lệnh được đề ra ở mỗi kỳ họp đều không đạt. Nhiều dự án luật đã được đưa vào kế hoạch, nhưng lại bị rút ra, tuy nhiên không thấy làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Bùi Quang Bền cùng nhiều đại biểu khác, chất lượng của các dự án luật còn nhiều vấn đề đáng bàn: nhiều dự án luật sơ sài, dường như người soạn thảo không phải là chuyên gia luật. Đơn cử như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa cả than, củi vào luật. Bên cạnh đó, Luật đưa ra quá chung chung, mỗi Luật đưa ra đều phải đợi thông tư hướng dẫn thành thử khi đưa vào cuộc sống còn có trở ngại, làm cho người dân có thể nghĩ rằng ông Bộ trưởng còn cao hơn Quốc hội vì người ta chỉ thực hiện luật thông qua thông tư hướng dẫn. Nếu không rút kinh nghiệm, để kéo dài mãi tình trạng này, Quốc hội sẽ mất uy tín.

Các đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình), Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận) nêu thực tế, tại các kỳ họp của Quốc hội hiện nay thường đưa ra rất nhiều dự án luật nên các đại biểu không thể có sự đầu tư chu đáo, từ đó rất khó cho ý kiến một cách đầy đủ, sâu sắc. Ngay trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII này cũng đưa ra tới hơn 20 phần việc, trong đó có những dự án Luật đưa ra thảo luận nhưng tính chất của nó chưa thực sự cấp thiết (Luật Nuôi con nuôi, Luật Bưu chính…), trong khi có nhiều dự Luật quan trọng như Luật biển Việt Nam thì lại không đưa vào chương trình nghị sự. Theo các đại biểu, một yếu tố nữa làm ảnh hưởng đến chất lượng của các luật đó là thời gian dành cho các đại biểu thảo luận còn quá ít, trong khi lại có quá nhiều luật cần cho ý kiến trong 1 kỳ họp của Quốc hội, điều đó dẫn đến một thực tế nhiều dự án luật được thông qua chưa khô mực đã phải sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật (đoàn Kiên Giang) kiến nghị, để việc xây dựng các luật khả thi, hiệu quả và chất lượng, cần khắc phục hiện tượng “đánh trống ghi tên”; trong giai đoạn phê duyệt hồ sơ gửi lên Chính phủ, cần đề cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp, cơ quan giúp Chính phủ thẩm định những dự án luật cần thiết phải đưa vào chương trình, kiên quyết loại ngay từ đầu những dự án luật chưa cần thiết.

Đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị, đối với những dự án luật khó và có nhiều khúc mắc nên để lại đến cuối khóa, chứ không để sang khóa sau. Bởi các đại biểu cũ đã có thời gian tìm hiểu nắm được nội dung luật khúc mắc ở đâu; nếu để sang kỳ sau, các đại biểu mới phải tìm hiểu từ đầu, dẫn đến việc thông qua luật không đạt kết quả. Theo đại biểu, nên sớm đưa các luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực hành chính, luật phổ biến giáo dục pháp luật, luật xuất nhập cảnh vào chương trình nghị sự; đồng thời bổ sung thêm các quy định về nhà tạm giam, tạm giữ trong Luật thi hành án hình sự; hay sửa đổi một số nội dung cụ thể của Luật Bảo hiểm y tế như vấn đề đồng chi trả 5% phí bảo hiểm y tế của người nghèo; người bị tai nạn giao thông nhưng không vi phạm luật vẫn được thanh toán Bảo hiểm y tế…

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường một số địa phương trước yêu cầu phải tổng kết ngay để bổ sung vào việc sửa đổi cùng với Nghị quyết bổ sung sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu cho rằng, vì ban hành “Nghị quyết không thực hiện bầu cử HĐND cấp quận, huyện, phường một số địa phương” thực hiện quá gấp nên chưa đủ cơ sở để tổng kết thực tiễn.

Cũng trong chương trình thảo luận tại tổ sáng nay, các đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Ý kiến đại biểu đa số tán thành với việc phải sửa đổi, đồng thời kiến nghị bổ sung thêm vào Nghị quyết 66 nội dung quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Về tiêu chí tổng mức đầu tư, đại biểu Đinh Xuân Thảo đồng ý tăng mức tổng vốn đầu tư phải trình Quốc hội là 35.000 tỷ đồng. Theo quy định của Nghị quyết 66, dự án có mức đầu tư 20.000 tỷ đồng trở lên thì phải trình Quốc hội, trong thực tế kinh tế hiện nay, so với năm 2006, đã phát triển tương đối xa, nên nếu vẫn giữ quy định mức 20.000 tỷ phải trình Quốc hội thì sẽ có rất nhiều dự án phải xin ý kiến, trong khi Quốc hội 1 năm chỉ họp 2 lần, ảnh hưởng đến thời cơ đầu tư. Đại biểu cũng kiến nghị, không kể các dự án, công trình, mà ngay cả Đồ án có tổng mức đầu tư lớn cũng phải trình Quốc hội.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật tố tụng hành chính./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất