Nâng cao chất lượng công chức đang
là yêu cầu đòi hỏi cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện được điều
này không đơn giản, bởi lẽ việc nâng cao chất lượng công chức phải gắn
liền với cải cách chế độ công vụ, hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy
của các cơ quan Nhà nước.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Ông Chiến kể rằng, mấy năm trước Thanh Hóa tổ chức thi tuyển công chức, nhưng do việc giám sát không chặt chẽ nên “cứ thi là đậu”. Năm nay, khi tổ chức thi thực sự nghiêm túc, khách quan, “không một cán bộ nào được phép gửi người nhà” thì kết quả đã khác hẳn. Trong tổng số 419 thí sinh dự thi, riêng buổi sáng ngày thi thứ nhất đã có 70 thí sinh bỏ thi vì không làm được bài, đến khi tổng kết có tới 71% thí sinh bị trượt.
Tỷ lệ thí sinh bị trượt đã phản ánh trung thực chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức hiện nay.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết ngành nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã thừa nhận, chất lượng tham mưu, đề xuất hoạch định chính sách của một số cán bộ, công chức chưa cao, dẫn đến tiến độ xây dựng văn bản chậm, chất lượng chưa cao, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện trước đó. Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã khẳng định: Sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tinh giản biên chế, đội ngũ công chức trong cả nước không những không giảm mà còn tiếp tục tăng.
Đội ngũ công chức đông nhưng không tinh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “nhiều công chức không hoàn thành nhiệm vụ”, “chất lượng công chức thấp”, “khó khăn cho việc cải cách tiền lương”… như các đại biểu Quốc hội đã phản ánh trên diễn đàn Quốc hội mới đây. Điều nguy hại hơn của những công chức có chất lượng yếu kém là các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp được giải quyết rất chậm và không bảo đảm chất lượng, dẫn tới giảm sút lòng tin của người dân vào bộ máy Nhà nước.
Nâng cao chất lượng công chức đang là yêu cầu đòi hỏi cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không đơn giản, bởi lẽ việc nâng cao chất lượng công chức phải gắn liền với cải cách chế độ công vụ, hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy của các cơ quan Nhà nước. Trước hết, cần phải xác định vị trí làm việc trong từng cơ quan, từ đó xây dựng cơ cấu công chức, viên chức hợp lý để làm cơ sở xác định biên chế và tổ chức thi tuyển công chức một cách khách quan, minh bạch, công khai, khắc phục cho được những tiêu cực trong các kỳ thi này. Phải “vì việc mà xếp người”, không “vì người mà đẻ ra “ghế”. Cùng với đó, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra; trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ, việc thi tuyển, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, viên chức để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức. Tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cả về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân./.
ĐỖ PHÚ THỌ (QĐND)