Thời gian qua, ở nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ việc nghiêm
trọng làm chết người mà nguyên nhân khách quan là do thiếu sự quản lý
chặt chẽ của cơ quan chức năng. Vụ ngộ độc rượu do công ty cổ phần XNK
29 Hà Nội sản xuất xảy ra tại Quảng Ninh làm cho 30 người phải nhập
viện, trong đó có 6 người tử vong... là điển hình lớn nhất đang gây bức
xúc trong dư luận.
Những sự việc nghiêm trọng làm chết người, cho dù có những tình tiết khác nhau nhưng đều có điểm chung khi sự việc vỡ lở đó là: Làm ăn gian dối, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, chưa có giấy phép sản xuất, giấy phép hành nghề, vi phạm những qui định của Pháp luật...
Trở lại câu chuyện vụ ngộ độc rượu tại tỉnh Quảng Ninh, từ trước tháng 10 -2013 đã có 5 lần công ty này được “kiểm tra”, nhưng điều đáng nói hầu như lần nào cơ quan chức năng cũng phát hiện sai phạm nhưng chỉ xử phạt hành chính, chiếu lệ. Ngạc nhiên hơn, có thời điểm kiểm tra đã bắt quả tang công ty này sản xuất rượu lậu, không có giấy phép, không thông báo địa điểm kinh doanh, nhân viên sản xuất không có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự gian dối này tạo điều kiện cho ít nhất 10.000 lít rượu do Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội sản xuất trong tháng 10 năm 2013 được đưa ra thị trường.
Từ những kiểu kiểm tra lỏng lẻo đó, những thiếu sót không hề được chấn chỉnh mà ngược lại mở đường cho thói làm ăn gian dối. Lâu nay, người ta thường nói đến đạo đức của một số ngành nghề nhạy cảm như y tế, giáo dục mà quên đi triết lý sống rằng: Làm nghề gì cũng phải có đạo đức. Người trồng rau cũng phải có đạo đức, người bán phở cũng phải có đạo đức. Đừng để rau không bị sâu mà phun thuốc thật nhiều, quá hàm lượng cho phép. Đừng vì thấy người qua đường mà “chặt chém” một bát phở gần trăm ngàn đồng. Vấn đề đạo đức trong kinh doanh của các cơ sở sản xuất thực phẩm hàng hóa tiêu dùng liên quan đến sức khỏe tính mạng của con người, càng phải được coi trọng, đừng vì lợi ích của mình mà sẵn sàng chà đạp lên lợi ích, sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Người kinh doanh sản xuất đã vậy, người được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng phải nêu cao đạo đức thi hành công vụ. Buông lỏng quản lý, thanh tra kiểm tra qua loa đại khái cũng có nghĩa là đang xuống cấp về đạo đức trách nhiệm.
Không thể nói, các qui định pháp luật của chúng ta còn lỏng lẻo, bởi so với nhiều chục năm trước, hành lang pháp lý của đời sống xã hội được bổ sung và hoàn thiện hơn. Vấn đề cốt yếu, đội ngũ cán bộ pháp lý, thực thi công quyền chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Thêm nữa, ngoài mối lo ngại về sự xuống cấp chung của đạo đức xã hội, thì sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp thật đáng báo động. Nếu không xiết chặt lại công tác quản lý và nâng cao đạo đức thi hành công vụ thì ai dám khẳng định các vụ chết vì ngộ độc rượu, chết vì vào phòng khám sẽ không còn xảy ra...?./.
Ngô Duy Đông (QĐND)