Tại sao có nhiều việc xấu, tiêu cực từng sớm được biết đến và ngăn chặn
từ trong trứng nước? ấy là do các cơ quan, tổ chức của chúng ta biết dựa
vào dân, tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện, kịp thời có biện
pháp giải quyết hữu hiệu.
Dù đã được cảnh báo từ lâu và gắt gao, song những vụ việc ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu vẫn xảy ra thường xuyên. Điển hình mới nhất là vụ 6 người chết vì uống Rượu nếp 29 Hà Nội. Chả lẽ không có ai kiểm tra trước khi rượu xuất xưởng? Lãnh đạo và người dân lại hỏi nhau câu hỏi quen thuộc. Câu trả lời là có kiểm tra đấy, nhưng doanh nghiệp không khai báo có sản xuất rượu nên không kiểm tra mặt hàng này!
Họ kiểm tra kiểu gì vậy? Chẳng lẽ kiểm tra cơ sở sản xuất cùng các mặt hàng của họ lại chỉ kiểm tra trên giấy, lại chỉ dựa vào báo cáo của chính cơ sở?
Kiểm tra là một biện pháp quan trọng hàng đầu của mọi cấp, mọi cơ quan quản lý, quyết định đến việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả mỗi công việc. Tuy nhiên trong thực tế, công tác kiểm tra không được coi trọng đúng với vai trò, ý nghĩa phải có. Những sự việc, hiện tượng vi phạm pháp luật, quy định, kinh doanh chui, lậu, làm và buôn bán hàng giả, kém chất lượng diễn ra nhiều như cơm bữa nhưng ít thấy những nhà chức trách ra tay kiểm tra, kiểm soát, càng ít những vụ xuống tay phạt, trừng trị.
Do không kiểm tra chéo giữa cơ quan Bảo hiểm y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan nên Bảo hiểm y tế Nghệ An đã cấp trùng hàng chục nghìn thẻ. Do không kiểm tra kịp thời nên Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chui đã lâu, mở cửa treo biển mặt tiền, quảng cáo rùm beng mà cơ quan hữu trách không biết tới. Khi "thử nghiệm" kiểm tra đột xuất một cơ sở y tế tư nhân, y như rằng Sở Y tế Hà Nội phát hiện có sai phạm. Do kiểm tra kịp thời nên Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện và xử phạt, buộc xuất cảnh ba người nước ngoài tẩm hóa chất vào quả sầu riêng ở huyện Cai Lậy... Vậy là không kiểm tra và có kiểm tra có tác dụng, hiệu quả khác hẳn nhau. Đương nhiên có nhiều hình thức, mức độ kiểm tra. Có kiểu kiểm tra "báo trước" như một cuộc viếng thăm nên kết quả thu nhận được là người được kiểm tra và người đi kiểm tra đều bắt tay nhau hài lòng, vui vẻ. Có những cuộc vi hành, kiểm tra đột xuất nên cán bộ nắm được thực tế, hiểu được lòng dân, phát hiện những điểm mới, tích cực hoặc những yếu kém, nhược điểm của địa phương, cơ sở.
Hiệu quả của kiểm tra tất nhiên không dừng lại ở kết quả kiểm tra mà ở trách nhiệm giải quyết sau kiểm tra. Tại sao không một doanh nghiệp thủy điện nào thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng sau khi phá rừng xây đập nước và nhà máy mà chưa thể tìm cách ngăn chặn, xử lý? Tại sao kết quả kiểm tra các tụ điểm mại dâm nổi tiếng được thông tin công khai nhưng rồi đâu lại vào đấy? Tại sao có những trường dân lập không đủ số giáo viên theo quy định, chỗ học không bảo đảm vẫn tồn tại? Tại sao các chợ, quầy quán, cửa hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn cứ hoạt động? Tại sao việc xây nhà không phép chỉ bị phạt rồi cho tồn tại?...
Chúng ta biết rằng, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở mỗi địa phương, cơ sở, doanh nghiệp là không dễ dàng, nhất là khi nguồn vốn đất nước nói chung hay mỗi ngành, mỗi địa phương chỉ có hạn. Chúng ta cũng biết rằng, việc xây dựng xã hội pháp quyền rất cần thời gian không ngắn và càng cần quyết tâm lớn, nỗ lực lớn đồng bộ của Nhà nước và nhân dân. Song nếu trách nhiệm của chính quyền các cấp và các cơ quan, con người làm công tác quản lý không được đề cao, không có cách làm trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm trong từng vụ việc thì những việc làm sai trái, vi phạm cứ tồn tại và lây lan, xã hội xuống cấp.
Tại sao có nhiều việc xấu, tiêu cực từng sớm được biết đến và ngăn chặn từ trong trứng nước? ấy là do các cơ quan, tổ chức của chúng ta biết dựa vào dân, tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện, kịp thời có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Giống như dòng người trên đường, có hướng dẫn, có nhắc nhở, xử phạt sẽ có trật tự, việc tăng cường kiểm tra, xử lý đúng trách nhiệm sẽ giúp mọi việc trong xã hội vào kỷ cương, nền nếp./.
Nguyễn Mạnh (QĐND)