Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế Theo báo cáo của Tổng cục Dân số -
Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ), chất lượng dân số về thể chất của
người Việt Nam đã được cải thiện song vẫn còn rất thấp. Kết quả Tổng
điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, có 1,5% dân số Việt Nam bị
thiểu năng về thể lực và trí tuệ. Trong đó, số trẻ mới sinh bị dị tật
bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng từ 1,5 đến 3% và có xu hướng tiếp
tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, chưa được phát hiện
và điều trị sớm. Bên cạnh đó, số lượng người bị tàn tật, khuyết tật
trong cả nước rất lớn, khoảng 5,3 triệu người (chiếm 6,3% số dân)... Tầm
vóc, thể lực cân nặng, sức bền của người Việt Nam so với nhiều nước
trong khu vực vẫn còn hạn chế. Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia GS, TS Lê
Thị Hợp cho biết, chiều cao trung bình của người
Việt Nam là 164,4 cm (đối với nam) và 153 cm (nữ), tăng trung bình 4 cm
sau 35 năm. Nghĩa là cứ khoảng 10 năm, người Việt Nam mới tăng 1 cm
chiều cao. Trong cùng khoảng thời gian đó, chiều cao của người dân
Thái-lan và Trung Quốc đã tăng được 2 cm. Với chiều cao hiện tại, nam
thanh niên Việt Nam vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1 cm và nữ thấp hơn
10,7 cm. Không chỉ thua kém về chiều cao, thanh niên Việt Nam còn thua
kém cả về sức bền, sức mạnh (cơ bắp), cân nặng so với chuẩn quốc tế khá
nhiều.
Chất lượng dân số cũng được đánh giá qua tuổi thọ bình quân của người
dân. Tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đạt mức khá cao là 73
tuổi, tuy nhiên, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh lại chỉ đạt 66 tuổi và xếp
thứ 116/182 nước trên thế giới. Trong khi đó, với tốc độ già hóa dân số
đang tăng khá nhanh, Việt Nam vẫn chưa kịp chuẩn bị cho việc thích ứng
với việc chăm sóc người cao tuổi, nhất là chế độ an sinh xã hội. Các nhà
khoa học đã tính toán, nếu việc chăm sóc sức khỏe cho một đứa trẻ chỉ
tốn một đồng thì việc chăm sóc một người cao tuổi cần tới tám đồng.
Người cao tuổi ở nước ta hiện đang phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, đó
là xu hướng mắc các bệnh mãn tính; chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các
bệnh không lây nhiễm và bệnh tật do lối sống mới. Ðiều này đòi hỏi chi
phí chăm sóc y tế cao hơn, đồng thời rủi ro về khuyết tật cũng tăng.
Ðối mặt để giải quyết thách thức
Một vấn đề mới xuất hiện và có những tác động lớn đến chất lượng dân số
cần đặc biệt lưu ý là tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ sơ sinh trai/100
trẻ sơ sinh gái) ở nước ta đã tăng nhanh một cách bất thường và phức
tạp. Nếu năm 1975, tỷ số này vẫn ở mức tự nhiên 105/100 tăng lên 107/100
vào năm 1999, thì trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay, tỷ số này
gia tăng một cách đáng lo ngại, luôn ở mức hơn 110, năm sau cao hơn năm
trước. Theo Ðiều tra biến động dân số năm 2012, tỷ số giới tính khi
sinh của Việt Nam đang ở mức 112,3/100 và đang là vấn đề đáng lo ngại.
Theo Tổng cục trưởng DS-KHHGÐ TS Dương Quốc Trọng, nguyên nhân dẫn đến
tình trạng này là do người dân còn nặng tâm lý muốn có con trai để nối
dõi tông đường, thờ cúng và nương tựa lúc tuổi già. Bên cạnh đó, điều
kiện kỹ thuật, phương tiện chẩn đoán, lựa chọn giới tính trước sinh và
mức sinh thấp cũng ảnh hưởng đến vấn đề này. Với tình trạng này, nước ta
sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050. Tình trạng "dư
thừa" nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc
gia đình. Một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong
số họ không có điều kiện kết hôn. Ðiều này sẽ gia tăng thêm sự bất bình
đẳng giới như nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái
hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua bán phụ nữ sẽ
gia tăng,...
Cùng đối mặt với thách thức trên, điều đáng suy nghĩ và cần có biện
pháp giải quyết là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Nước ta đang ở
thời kỳ "dân số vàng" với một lợi thế rất lớn - mỗi năm có khoảng hơn
một triệu người bước vào độ tuổi lao động. Ðó là nguồn lao động rất lớn.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lại rất thấp. Tỷ lệ nguồn nhân
lực, người lao động qua đào tạo mới đạt gần 30%, tỷ lệ có bằng cấp chỉ
chiếm khoảng 8%. Trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa, với chất
lượng nguồn nhân lực thấp, chúng ta sẽ rất khó cạnh tranh với các nước
trong khu vực và trên thế giới. Nếu giải quyết tốt vấn đề việc làm, nâng
cao số lượng và chất lượng đào tạo thì đây là thời cơ có một không hai
để chúng ta "cất cánh" như các "con rồng" châu Á. Ngược lại, sẽ tạo ra
gánh nặng xã hội bởi đây cũng là những đối tượng dễ bị vấp váp, sa ngã,
mắc vào các tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp, cờ bạc, các tệ nạn
xã hội khác, kèm theo nó là dịch bệnh HIV/AIDS...
Quỹ Dân số LHQ cảnh báo: Chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở
sự phát triển và đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Chỉ số phát
triển con người của nước ta tuy từng bước cải thiện, nhưng vẫn ở mức
thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thấp xa so với các nước công
nghiệp. Ðể nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam cần nhiều giải pháp
đồng bộ, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, nhất là
ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng
Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rõ: Trong 10 năm tới, ngành dân số phải tập
trung vào vấn đề nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cơ cấu dân số, mức
sinh thấp hợp lý. Ðặc biệt, việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới
tính khi sinh, chúng ta phải triển khai bằng nhiều biện pháp đồng bộ.
Giải quyết tốt vấn đề quy mô dân số, chúng ta sẽ giải được bài toán về
nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là
trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng"; bảo đảm sự phát triển bền vững của
đất nước.
Nâng cao chất lượng dân số được coi là mục tiêu số một của ngành dân số
thời gian tới. Theo đó, với mục tiêu cải thiện giống nòi, cần phấn đấu
giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh xuống còn dưới 1,5% vào
năm 2020; giảm tỷ lệ số người mới bị tàn tật, tai nạn hằng ngày... Phấn
đấu tăng tuổi thọ bình quân lên 75 tuổi vào năm 2020; giảm tỷ lệ chết ở
trẻ em dưới một tuổi xuống mức 0,1%o; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới
năm tuổi xuống mức 10% vào năm 2020...