Nhắc tới chất lượng giáo dục, chúng ta không chỉ nói đến thành tích, điểm số hay năng lực của học sinh mà cần nói tới cả môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, tôn trọng và bình đẳng.
Những tác động của mặt trái xã hội đã và đang len lỏi vào học đường.
Trước hàng loạt vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em… xảy ra
thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những giải pháp
quyết liệt, nhằm xây dựng văn hóa học đường.
Xử lý tình huống từ kinh nghiệm thực tiễn
Từ đầu năm tới nay, hàng loạt những vụ việc đáng buồn liên quan tới bạo
lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra khiến xã hội
đau xót. Thực tế trên đặt ra vấn đề cấp bách trong công tác tư vấn học
đường. Thực ra, công tác này đã được các nước tiên tiến áp dụng từ lâu.
Trong khi đó, ở nước ta công tác tư vấn học đường vẫn chưa được tiếp cận
đầy đủ và khoa học. Ông Nguyễn Công Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông
dân tộc bán trú THCS Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết:
"Học sinh của nhà trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông và
Nùng nên các em sống rất khép kín. Những tình huống bạo lực học đường
cũng hay xảy ra trong trường học. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường
thường dựa trên kinh nghiệm thực tế và kiến thức giáo dục kỹ năng sống,
tâm lý lứa tuổi học sinh trong quá trình học tập từ thời sinh viên của
các thầy cô. Hiện tại, nhà trường chưa có bộ phận riêng đảm nhiệm giáo
dục kỹ năng sống, mà chỉ dạy lồng ghép vào các tiết học; vì vậy, hiệu
quả đạt được chưa cao".
Ngay từ những ngày đầu làm quản lý, bà Lê Thị Mai Hương, Hiệu trưởng
Trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình (Hà Nội) đã xác định vấn đề xây
dựng văn hóa, môi trường học đường an toàn, lành mạnh phải là trọng tâm
và quan trọng nhất. Trong những năm qua, nhà trường đã xây dựng được đội
ngũ truyền thông, trong đó có sự tham gia trực tiếp của các em học
sinh. Hàng năm, các em được tham gia các buổi tập huấn, các sự kiện
truyền thông về giáo dục giới tính, kỹ năng sống do nhà trường tổ chức.
Với hình thức, hòm thư “Điều em muốn nói” là giải pháp mà Trường THCS
Thực nghiệm đang triển khai trong nhiều năm qua. Trên thực tế, bà Hương
nhận được rất nhiều tâm sự của học sinh về giới tính, tâm lý, quan hệ
giữa bạn bè, thầy cô thông qua hòm thư này. Qua đó, nhà trường kết hợp
cùng cô giáo chủ nhiệm và gia đình, nhà tư vấn tâm lý để giải quyết tâm
lý cho học sinh trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
|
Một buổi học của học sinh Trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội). (Ảnh: Ngô Chuyên/qdnd.vn)
|
Đề cao trách nhiệm của người thầy
Ông Trần Kim Tự, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục
(Bộ GD&ĐT) nhìn nhận: Biên chế cho đội ngũ giáo viên làm công tác
tư vấn tâm lý là bài toán khó hiện nay. Theo thống kê, cả nước hiện có
1,2 triệu giáo viên với 22 triệu học sinh. Nếu thêm cơ chế mỗi trường từ
một đến hai giáo viên thì tính riêng bậc học phổ thông phải tăng thêm
hàng vạn giáo viên. Tuy nhiên, nhìn từ kinh nghiệm của Trường THCS Thực
nghiệm nêu trên, ông Trần Kim Tự cho rằng, để giải quyết bài toán này,
"chìa khóa" nằm ở trách nhiệm của mỗi giáo viên. Hiện, Cục Nhà giáo và
Cán bộ quản lý giáo dục đang trình Bộ GD&ĐT 12 cơ sở đào tạo có đủ
điều kiện được bồi dưỡng, cấp chứng để giáo viên tham gia làm công tác
tư vấn tâm lý.
Để đáp ứng quyền của người học, Điều 72, Luật Giáo dục quy định cụ thể
nhiệm vụ của nhà giáo: “Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công
bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học”.
Có thể nói, đây là căn cứ quan trọng để ban hành các quy định, chính
sách liên quan đến các quy tắc ứng xử trường học cũng như công tác tư
vấn học đường. Theo TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thời
gian qua, ngành giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để giải
quyết tình trạng này, như: Chỉ đạo lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ
năng sống, tư vấn tâm lý vào các hoạt động giáo dục; phối hợp với các
đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện
các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện;
phòng, chống bạo lực học đường. Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ
Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”. Sau khi được phê
duyệt, đề án sẽ được triển khai thực hiện từ năm học 2018-2019.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp cùng UNESCO biên soạn Bộ
công cụ hướng dẫn “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong
trường học”. Bộ công cụ này chủ yếu hướng tới đối tượng học sinh nhưng
thông qua cán bộ quản lý trong trường học và giáo viên để triển khai các
hoạt động nhằm giúp các đối tượng trong nhà trường xây dựng mối quan hệ
tôn trọng và bình đẳng. Đây là cẩm nang quan trọng để các thầy cô thiết
kế chương trình, nội dung và tổ chức các hoạt động trong nhà trường một
cách phù hợp, gắn với các nội dung dạy học, các hoạt động giáo dục khác
nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và
phòng, chống bạo lực học đường./.
Nguyễn Hoài (qdnd.vn)