Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 9/12/2010 22:36'(GMT+7)

Chất lượng phim Việt: Thỏa mãn hay bằng lòng?

Phim “Khát vọng Thăng Long” bị coi là bước lùi của đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi hợp tác làm phim cùng tư nhân.

Phim “Khát vọng Thăng Long” bị coi là bước lùi của đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi hợp tác làm phim cùng tư nhân.

Lượng tăng, chất đứng

Một bộ phim hay, hấp dẫn, đó là một bộ phim cho người xem có cảm giác thỏa mãn. Ranh giới của một tác phẩm điện ảnh với câu chuyện được hình thành từ trí tưởng tượng của các nhà làm phim bị xóa nhòa khi khán giả bước chân vào thế giới của bộ phim, bị cuốn hút vào nội dung phim, đắm chìm trong đó, thậm chí có thể quên đi những tồn tại, hạn chế mà bất cứ bộ phim nào cũng ít nhiều gặp phải.

Còn bằng lòng là chấp nhận những gì mình có. Có nhiều lý do để có thể bằng lòng: điện ảnh của ta chưa phát triển, còn thiếu chuyên nghiệp, khán giả của ta chấp nhận những sản phẩm được cung cấp, thị trường phim Việt đang bắt đầu nóng lên, số lượng các nhà sản xuất cũng đang tăng dần lên, số lượng diễn viên ngày càng đông, đời sống của những người làm phim được cải thiện rõ rệt…

Tuy nhiên, sự bằng lòng đã kìm hãm sự phát triển. Bằng chứng là hơn 10 năm qua, kể từ khi điện ảnh Việt Nam có dấu hiệu hồi sinh, chất lượng của các phim Việt không tăng là bao, dù doanh thu từ phát hành phim Việt ngày càng cao. Đa số những bộ phim thời gian qua là những phim giải trí, ít nhiều mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn, song xem xong là quên, không đọng lại được gì. Các nhà đầu tư, sản xuất chăm chăm vào việc làm sao để thỏa mãn thị hiếu của số đông khán giả, làm sao để phim có lời càng nhiều càng tốt.

Với dòng phim chính luận, thật khó để đưa ra một nhận xét khách quan. Dường như luôn có 2 luồng tư tưởng đối lập khi đánh giá những bộ phim thuộc dòng phim này. Luồng tư tưởng thứ nhất luôn nhìn các bộ phim với cái nhìn độ lượng, cảm thông, xem xét, đánh giá chất lượng bộ phim dựa trên điều kiện làm phim, tâm huyết của những người làm nghề và cố gắng tìm kiếm những mặt được của phim như hình ảnh, bối cảnh, âm nhạc, giá trị nhân văn trong phim…

Luồng tư tưởng thứ hai là không thể chấp nhận, những người đại diện cho luồng tư tưởng này luôn cho rằng đây là những bộ phim gây lãng phí (phim có sự tài trợ kinh phí từ quốc gia), nhạt nhẽo, không đáng làm và cũng không đáng coi.

Bước lùi

Sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân, các nhà sản xuất và làm phim Việt kiều đã thổi một luồng sinh khí mới cho điện ảnh Việt Nam. Phim Việt của các nhà làm phim này được hình thành bởi một dây chuyền khép kín từ sản xuất tới phát hành. Từ dây chuyền này, hàng loạt những bộ phim đã đến được với khán giả nhanh hơn, ấn tượng hơn.

Thế nhưng mặt trái của xã hội hóa điện ảnh là quyền hành tập trung trong tay nhà sản xuất, thậm chí kể cả quyền sáng tạo nghệ thuật. Vai trò của đạo diễn giờ đây chỉ là người làm thuê phải phục tùng những yêu cầu mà nhà sản xuất đưa ra. Phải chọn diễn viên này thay vì diễn viên kia, phải đưa cái này, cái kia vào phim để làm quảng cáo, để có thêm nguồn thu, bất chấp tính logic… Một số đạo diễn có tên tuổi trong dòng phim chính luận được thuê làm phim cho tư nhân đã phải chấp nhận thỏa hiệp và bước lùi với chính mình.

Mới đây đạo diễn Phillip Noyce trong cuộc trò chuyện về điện ảnh Việt Nam đã nói rằng, Việt Nam có thuận lợi bởi chính nguồn nội lực dồi dào là dân số đông, hơn 85 triệu dân. Nếu biết tận dụng nguồn nội lực này, chỉ cần sản xuất phim phục vụ trong nước không thôi các bạn cũng đã rất thành công…

Với việc làm giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam, có lẽ vị đạo diễn này cũng đã nhìn thấy phần nào diện mạo chung của phim Việt. Câu nói của ông có thể xem như một lời động viên, song cũng có thể hiểu đó là một nhận xét: phim Việt hiện nay chưa thể vươn tầm ra thế giới.

Tuy nhiên, một nhà điện ảnh nước ngoài khác, ông Dean Wison thì nhận định: “Điện ảnh Việt Nam đã có một kỷ nguyên vàng, đó là những thập niên 60-70. Đó là thời kỳ điện ảnh Việt Nam nhận được sự hậu thuẫn lớn nhất của toàn xã hội, và đổi lại nó đã tạo ra được một sức mạnh phi thường trong hoàn cảnh cuộc sống khắc nghiệt để thể hiện rõ nét nhất gương mặt văn hóa và xã hội của đất nước khi đó. Điện ảnh đã không còn thuần túy là một chuyên ngành nghệ thuật mà đã trở thành tiếng nói chung của cả dân tộc”. Vậy phải chăng so với quá khứ, điện ảnh Việt Nam đã đi một bước lùi?

Đạo diễn, NSND Hải Ninh trong một bài tham luận bàn về tính chuyên nghiệp của điện ảnh Việt Nam đã phát biểu: “Để xoay chuyển một nền điện ảnh trì trệ và lạc hậu như điện ảnh Việt Nam cần hai yếu tố cơ bản: những nhà làm kinh doanh giỏi và một đội ngũ văn học, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật tài năng, có trình độ chuyên môn cao”.

Theo ông, lâu nay những người trong giới cho rằng, cái yếu nhất của điện ảnh Việt Nam từ sau đổi mới là thiếu một “kiến trúc sư” tài năng, một “minh chủ” tâm huyết, tầm vóc. Những yếu nhân như vậy không những phải có trình độ, kiến thức về các hoạt động điện ảnh mà còn là người có tầm nhìn xa hướng phát triển của điện ảnh quốc gia và quốc tế, dám chịu trách nhiệm về sự nghiệp điện ảnh nước nhà. Đấy là nhân cách và bản lĩnh để tạo ra một bộ máy điều hành hữu hiệu, tìm một hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam, làm sống lại không khí đam mê sáng tạo trong nghệ thuật./.

(Theo: Hà Giang/SGGP) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất