Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 6/12/2010 10:58'(GMT+7)

Ngoại lệ và... tiền lệ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ về những quy định trong hoạt động văn hóa đã có hiệu lực từ 1-9-2010. Theo đó, hành vi đốt vàng mã tại các lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa và nơi công cộng… bị nghiêm cấm và xử phạt nặng. Thế nhưng tuần trước, trong cuộc họp báo về việc Hội Gióng được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại, một quan chức ngành văn hóa cho biết, có thể riêng Hội Gióng sẽ vẫn được đốt vàng mã, vì đây là một nghi thức của Hội Gióng, mà Hội Gióng đã là của thế giới (!).

Mới nghe có vẻ hợp lý, nhưng ngẫm lại thì nhiều người không khỏi băn khoăn cho việc thực thi một văn bản pháp quy. Tục đốt vàng mã là một nghi thức tâm linh theo quan niệm dân gian, nhưng ngày nay, nghi thức này trở thành hủ tục, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và nguy cơ hỏa hoạn. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới gần đây đã tích cực vận động xóa bỏ tục đốt vàng mã. Nhiều lễ hội truyền thống, nơi thờ tự và cả một số nhà chùa đã nêu gương không đốt vàng mã, được dư luận hoan nghênh…

Nay, nếu Hội Gióng được ngoại lệ thì quả là bất cập, bởi lẽ khi trở thành đại diện văn hóa nhân loại thì Hội Gióng càng phải nêu gương xóa bỏ những tập tục lạc hậu để hội nhập thế giới. Vả lại, Hội Gióng là một lễ hội trận với những nghi lễ chính thức, như: Rước cờ, rước cơm, rước kiệu, lễ duyệt quà tạ ơn, lễ rửa khí giới, lễ khao quân v.v.. Phần đốt vàng mã đâu phải là nội dung chính mà phải “quan trọng hóa”? Đó là chưa kể ngoài 2 hội chính ở đền Sóc và đền Phù Đổng vừa được UNESCO xếp hạng, Hội Gióng còn có một vùng lan tỏa với ít nhất 10 lễ hội Phù Đổng-Thánh Gióng ở các huyện ngoại thành Hà Nội và vùng Kinh Bắc. Liệu những lễ hội “nhỏ” này có được hưởng ngoại lệ trên đây? Liệu từ vùng lan tỏa này có “lan tỏa” sang các vùng khác? Liệu ngoại lệ này có tạo tiền lệ cho nhiều lễ hội dân gian khác?...

Còn nhớ hơn chục năm trước, khi thực hiện lệnh cấm đốt pháo nổ cũng đã có nhiều băn khoăn nuối tiếc cho một tập tục đã có ngàn đời. Ngày ấy cũng từng có ý kiến nên “ngoại lệ” cho đêm Giao thừa, hoặc cho một vài địa phương, thậm chí là cho một địa điểm được đốt pháo để ghi âm, ghi hình rồi phát trên ra-đi-ô và ti-vi cho toàn dân đón Giao thừa. Nhưng chúng ta đã kiên quyết thực hiện nghiêm lệnh của Chính phủ, không tạo ngoại lệ đốt pháo và thực tế cho thấy, chúng ta đã thành công mà bản sắc văn hóa Việt và hương vị Tết cổ truyền đâu có mất đi. Vì vậy lần này, quy định cấm đốt vàng mã cũng không nên tạo ngoại lệ dẫn đến những tiền lệ xấu!

(Theo: Mai Nam Thắng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất