Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM chuẩn bị tổ chức hội thảo về hoạt động thu gom, xử lý chất thải nguy hại (CTNH) trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những vấn đề rất cấp bách trong bối cảnh CTNH thải ra trên địa bàn thành phố đang ngày một nhiều hơn.
Chất thải nguy hại... chưa được xử lý đúng
Theo TS Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở TN-MT TPHCM, trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 250-350 tấn CTNH và bên cạnh đó mỗi ngày các tỉnh lân cận cũng đưa về thành phố khoảng 150-200 tấn chất thải mà phần lớn trong đó là CTNH.
Cách nay 3-4 năm, trên địa bàn thành phố còn có đến gần chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTNH. Đến nay chỉ còn 2-3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. TS Nguyễn Trung Việt cho biết, phần lớn các doanh nghiệp không còn hoạt động là do… bị cơ quan chức năng bắt và xử lý. Các doanh nghiệp này nhận CTNH nhưng không xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí không xử lý, mà còn đưa đi chôn lậu nên đã bị cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường và các ngành liên quan phát hiện và bắt giữ.
Mấy năm trước, hoạt động xử lý CTNH của thành phố có sự cạnh tranh khốc liệt. Hầu hết doanh nghiệp xử lý CTNH đều nhỏ, công suất xử lý chỉ khoảng 500 kg chất thải/ngày. Đã vậy, lúc ấy, các doanh nghiệp sản xuất “chịu” đưa CTNH thải ra trong quá trình sản xuất của mình đi xử lý cũng không nhiều. Khách hàng ít nên các doanh nghiệp xử lý CTNH chấp nhận hạ thấp phí xử lý chất thải để giành khách. Chính động thái này mà hầu hết CTNH đã không được xử lý đúng quy trình, chất lượng.
Một chuyên viên của Sở TN-MT nhận định: Chỉ có khoảng 70%-80% CTNH được xử lý. Tuy nhiên, chúng có được xử lý đúng kỹ thuật hay không lại là vấn đề khác.
Giải pháp nào cho chất thải nguy hại?
Công nghệ xử lý CTNH của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở TPHCM hầu hết đều giống nhau. Đó là đốt, chưng cất và hóa rắn CTNH. Tuy nhiên, dù dùng công nghệ nào thì bản thân quá trình xử lý ấy cũng thải ra môi trường một lượng chất thải không thể xử lý được.
Theo TS Nguyễn Trung Việt, giải pháp duy nhất cho thứ chất thải cuối cùng này là chôn lấp an toàn. Hiện, TPHCM và các tỉnh lân cận cũng chưa có một bãi chôn lấp an toàn đúng chuẩn cho loại chất thải ấy. Một chuyên viên của Sở TN-MT tiết lộ, hiện giờ phần lớn chất thải này được lưu giữ ở đâu, hầu như không ai biết. Có lẽ chúng lang thang đâu đó trong môi trường.
TS Nguyễn Trung Việt cho biết, chi phí xây dựng một bãi chôn lấp an toàn cho CTNH rất cao. Nếu như chôn lấp rác sinh hoạt chỉ cần lót một tấm HDPE để chống thấm thì để an toàn cho việc chôn lấp chất thải nguy hại phải lót đến 2 lớp HDPE.
Rác sinh hoạt có thể được đổ đống và chôn lấp cao đến hàng chục mét, nhưng CTNH chỉ có thể đổ cao 4-5m…. Đó là chưa kể đến vị trí chôn CTNH cũng phải được tính toán thật kỹ bởi bất cứ giải pháp nào cũng có rủi ro. Trong tình huống xấu, nếu CTNH bị phát tán ra môi trường thì thật nguy hiểm. Tất cả những điều ấy đang là cản ngại lớn cho hoạt động xử lý CTNH của thành phố. Tuy nhiên, thành phố cũng phải có ngay những giải pháp quyết liệt cho việc xử lý CTNH bởi với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, CTNH chắc chắn không dừng lại con số 250-350 tấn/ngày?
Ứng dụng CNTT để quản lý chất thải nguy hại
Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM vừa quyết định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải nguy hại (CTNH) trên địa bàn thành phố. Các chủ nguồn thải, chủ xe vận chuyển và xử lý CTNH sẽ phải đăng ký tham gia vào hoạt động này. Các xe chở bùn hầm cầu, sẽ được gắn chíp để phát hiện xe không đưa chất thải hầm cầu đi xử lý mà đổ bậy ra môi trường.
Lãnh đạo Sở TN-MT cũng chỉ đạo Công ty Môi trường Đô thị xúc tiến xây dựng bãi chôn lấp CTNH trong Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi. Công ty Môi trường Đô thị cũng phải khẩn trương hoàn thành việc nâng cấp sàn thu gom, lưu chứa tạm thời CTNH theo đúng quy cách, an toàn, hợp vệ sinh; xây dựng dự án xử lý chất thải công nghiệp nguy hại và các lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Văn Phước: Phải có những sản phẩm “thông minh”
Chất thải nguy hại (CTNH) đang hiện diện ở mọi góc độ của cuộc sống của con người. Trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay sinh hoạt thường ngày của người dân đều có thể thải ra CTNH. Những chai thuốc xịt muỗi, gián, chuột hay những chiếc bóng đèn chiếu sáng, pin, ắcquy… sau khi sử dụng xong, nếu không được xử lý đúng cách, đều có thể trở thành CTNH.
Các chế phẩm dùng trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, bọ… cũng nguy hại, đặc biệt nếu chúng có chứa chất halogen thì mức độ gây hại cho môi trường, cho sức khỏe con người sẽ cực kỳ lớn. Giẻ lau dầu nhớt, sơn, các chất dung môi… trong hoạt động công nghiệp cũng là các CTNH cho môi trường nếu không được xử lý kịp thời và đúng phương pháp.
Do vậy, cách tốt nhất, căn cơ nhất để bảo vệ môi trường là sản xuất và tiêu dùng những sản phẩm “thông minh” để hạn chế thải ra CTNH. Còn hiện tại thì phải xử lý CTNH theo đúng quy trình |
SGGP