(TCTG)- Phản biện xã hội là một cơ chế đòi hỏi một cách ứng xử trong quản lý xã hội phù hợp hơn với bối cảnh điều kiện xã hội mới.
1. Phản biện và phản biện xã hội
Phản biện chính là việc rà soát, xem xét, đánh giá, bổ sung, khẳng định tính đúng đắn, sự thống nhất cho một vấn đề hay một sự vật hiện tượng nào đó. Hoặc, phản biện là tranh luận, biện luận, đối thoại để hiểu đúng, tìm ra cái đúng, cái chân lý. Như vậy, phản biện sẽ đi tới sự thống nhất về tư duy, đồng thuận trong hành động. Phản biện không có nghĩa chỉ là bác bỏ, mà thực ra nó luôn gắn với việc sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, phù hợp. Trong khoa học thì điều đó quá rõ. Bởi vì khoa học là một chuỗi những sai lầm được sửa chữa. Để có thể bổ sung, sửa chữa và hoàn thiện được, thì phải có phản biện. Tức là có sự tranh luận nhằm phê phán cái sai và chấp nhận cái đúng; cái sai bị loại bỏ để cho cái đúng được tiếp tục đúng.
Thực tiễn đã cho thấy, quá trình tìm tòi dẫn đến công cuộc “đổi mới” ở nước ta là một sự “phản biện xã hội” lớn đối với mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đã từng đưa đất nước vào khủng hoảng, trì trệ. Ở nước ta, hệ thống chính trị gồm Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội. Hoạt động của hệ thống này là hoạt động lãnh đạo, quản lý và phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm tạo ra sức mạnh để xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu đã chọn. Do vậy, thực chất phản biện xã hội trong “dân chủ XHCN” ở nước ta hiện nay có thể hiểu là việc thăm dò, tranh luận, biện luận, đối thoại về các quyết sách trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước để hiểu đúng, để tìm ra giải pháp đúng đắn, phù hợp nhằm thực hiện tốt nhất các quyết sách đó. Như vậy, phản biện xã hội để đi tới thống nhất về tư duy, cách hiểu và đồng thuận về hành động trên bình diện toàn xã hội là một tiền đề vô cùng quan trọng của sự phát triển.
Đại hội lần thứ X của Đảng CSVN xác định: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn…”(1). Như vậy, phản biện xã hội là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc và các hội quần chúng. Phản biện ở đây không đơn thuần là phản ánh, góp ý kiến như Mặt trận vẫn làm trước đây, mà nó là sự tham gia nghiên cứu xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật một cách hợp pháp, nghiêm chỉnh, có tổ chức, có cơ chế riêng. Tức là tiếng nói phản biện của nhân dân, Mặt trận, các hội nghề nghiệp, hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ được pháp luật thừa nhận; đồng thời các cơ quan nhà nước hữu quan phải nghiên cứu, xem xét và phản hồi. Để làm tốt việc phát huy, mở rộng dân chủ và thực hiện cơ chế phản biện xã hội, phải lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ nhân dân; tạo điều kiện cho “dân mở miệng ra” (theo cách nói về dân chủ của Bác Hồ); từ đó mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa chữa nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch của Đảng và Nhà nước.
2. Hoạt động phản biện xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn, là đầu tầu phát triển của khu vực và cả nước, do vậy việc nhận thức và triển khai phản biện xã hội lại càng trở nên cần thiết. Trên góc độ quản lý, lãnh đạo, việc coi trọng phản biện xã hội có tổ chức sẽ giúp tạo ra sự ổn định và phát triển; ngược lại nếu né tránh thực thi phản biện sẽ dẫn tới sự tự phát, phản kháng xã hội - một điều rất nguy hại cho Đảng và Nhà nước.
Thấu hiểu điều đó, thời gian gần đây, lãnh đạo TP. HCM đã thực hiện chương trình đối thoại “Nói và Làm” (do Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo điều hành), các buổi tiếp dân, tiếp xúc trực tiếp với cơ sở để nghe phản ánh, phản biện… Cùng chung với cả nước, thành phố có những quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước trước khi đưa ra một quyết sách quản lý nào đó mà có sự ảnh hưởng sâu rộng đến nhân dân thì đều phải đưa dự thảo ra lấy ý kiến nhân dân và tham khảo từ sự phản biện của công chúng. Ví dụ như: lấy ý tưởng thiết kế, quy hoạch phát triển khu trung tâm, biểu tượng, cổng chào cho Thành phố; điều chỉnh, tạm hoãn kế hoạch cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân sau khi có nhiều ý kiến phản biện của nhân dân; phản biện vụ điện kế điện tử, nước tương, nước mắm có chất độc hại… Bên cạnh đó, công tác giám sát và phản biện xã hội tại TP.HCM 3 năm qua của MTTQ Thành phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm của mặt trận các cấp, phản ánh đúng những bức xúc, yêu cầu của nhân dân, mang lại nhiều hiệu quả xã hội.
Mặt trận Tổ quốc TP. HCM và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố đã thực hiện vai trò này trong việc thẩm định một số phương án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội do UBND Thành phố chủ động đề nghị. Nổi bật là: di dời cảng Sài Gòn, nhà máy Ba Son ra khỏi nội thành; quy hoạch công trình ở các “khu đất vàng” trung tâm quận 1; chống ngập nước, chống ùn tắc giao thông; mở rộng tuyến đường Nam Kỳ khởi nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi; giải quyết hộ khẩu thường trú cho hàng vạn hộ dân cư trú lâu nay ở thành phố; vấn đề nhà tái định cư khi di dời, giải tỏa; vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, lao động nghèo, sinh viên... Qua phản biện của MTTQ thành phố, nhiều ý kiến đã được chính quyền tiếp thu để điều chỉnh. Cũng trong thời gian qua, MTTQ TP. HCM và các chuyên gia, trí thức đã phản biện có hiệu quả trong nhiều vấn đề như chủ trương cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân; tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm; cấm xe 3-4 bánh tự chế; giải quyết tình trạng ngập nước ở khu cư xá Thanh Đa và chợ Thanh Đa; giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do sản xuất, chăn nuôi gây ra ở phường Phước Long A, Phước Long B (quận 9), phường Sơn Kỳ quận Tân Phú, trại chăn nuôi Gò Sao ở phường Thạnh Xuân, quận 12 và nạn lấn chiếm kênh rạch, sông Sài Gòn ở phường Bình An, quận 2. Mặt trận Tổ quốc và nhân dân TP.HCM cũng đã có ý kiến phản biện hiệu quả đối với chủ trương không bắn pháo hoa trong dịp Tết Đinh Hợi (2007); chủ trương tăng học phí và bình chọn số “sao” cho các trường học thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo, vụ xây cống hộp gian dối không đúng quy chuẩn tại phường 15 quận 10...
Tuy vậy, nhìn chung các biện pháp trên vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Đơn cử như việc đưa dự thảo ra lấy ý kiến nhân dân vẫn còn rất hình thức, chưa trở thành công việc thường xuyên, tất yếu. Đôi khi những ý kiến đóng góp, phản biện đúng đắn lại không được tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời, làm người dân nản. Bên cạnh đó, do chế độ chịu trách nhiệm không rõ ràng nên nhiều khi không có “địa chỉ” cụ thể để gửi những đóng góp, những phản biện cần thiết cho cuộc sống và sự phát triển. Quản lý xã hội hiện nay đòi hỏi phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, phải hiểu rõ được nhu cầu, xu hướng phát triển xã hội. Phải biết lắng nghe “hơi thở và nhu cầu” của cuộc sống, của nhân dân! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Bác còn đưa ra công thức: Xa dân + Khinh dân + Sợ dân + Không tin dân + Không hiểu dân + Không thương yêu dân = Hỏng việc (trong bài Cần tẩy sạch tệ quan liêu mệnh lệnh - năm 1961). Theo Bác thì chỉ có thực hành dân chủ, chỉ có đối thoại mới là chìa khóa vạn năng để có thể giải quyết mọi khó khăn trong lãnh đạo và quản lý xã hội.
Do vậy, để thực hiện tốt và hiệu quả cơ chế phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển ở TP. HCM nói riêng, nước ta nói chung, chúng ta cần hội đủ các vấn đề, điều kiện sau:
- Ở cấp trung ương, cần phải ban hành Pháp lệnh hay Nghị định, Nghị quyết về Phản biện xã hội. Đối với TP.HCM, cần tuyên truyền, hội thảo bàn sâu hơn nữa về các lĩnh vực, chủ trương, chính sách nào cần phản biện, phản biện ở phạm vi, mức độ nào; phản biện theo yêu cầu của Nhà nước hay Mặt trận; hội quần chúng, hoặc nhân dân được tự chọn vấn đề cần tranh luận, bổ sung…
- Xây dựng quy định về vấn đề cung cấp thông tin của các cơ quan chủ trì đề án, dự án; về công khai thông tin phản biện, thông tin xử lý phản hồi của các cơ quan nhà nước…
- Quy định rõ quy trình phản biện với các ý tưởng, đề xuất mới về quản lý xã hội hay đối với các chính sách, pháp luật hiện hành, đang có hiệu lực thực thi nhưng lại lạc hậu, không phù hợp, gây bức xúc cho cuộc sống và sự phát triển của nhân dân…
- Thiết lập cụ thể hơn nữa 2 kênh với tên gọi “Phản biện và giám sát xã hội” đối với các dự thảo, đề án, dự án…; và với các văn bản pháp luật hiện hành lạc hậu, chưa đi vào cuộc sống… trên báo chí, trên mạng của thành phố.
- Đề xuất, xây dựng cơ chế thu - chi tài chính công phục vụ công tác phản biện xã hội trên địa bàn (đối với Mặt trận, các sở, ngành, đơn vị quận, huyện của Thành phố…)
Tóm lại, phản biện xã hội là một cơ chế đòi hỏi một cách ứng xử trong quản lý xã hội phù hợp hơn với bối cảnh điều kiện xã hội mới. Tức là vai trò của nhân dân, của các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng ngày càng tăng trong hoạt động quản lý, phát triển xã hội của Nhà nước pháp quyền XHCN./.
Ths. Nguyễn Điển
Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực II
-----------
(1) Văn kiện ĐH X, CTQG, H, 2006, tr.135).