Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 9/6/2010 14:37'(GMT+7)

Chất vấn- cần coi trọng chất lượng giải quyết

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ là người đăng đàn cuối cùng tại diễn đàn Quốc hội kỳ này

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ là người đăng đàn cuối cùng tại diễn đàn Quốc hội kỳ này

Theo Đoàn Thư ký kỳ họp, trước phiên chất vấn đã có hơn 170 câu hỏi của 80 đại biểu thuộc 40 đoàn đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng.

Thời gian chất vấn không nhiều nên cách thức “chọn lọc, tập trung” vấn đề để chất vất chứ không chất vẫn dàn trải tiếp tục được phát huy.

4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn lần này là Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ là người đăng đàn cuối cùng tại diễn đàn Quốc hội.

Cũng giống như những kỳ họp trước, mỗi Bộ trưởng sẽ chỉ có 15 phút để báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết lời hứa tại các kỳ họp trước. Việc này sẽ tránh tình trạng Bộ trưởng dành quá nhiều cho báo cáo trong khi thời gian trả lời chất vấn trực tiếp lại thiếu.

Nội dung báo cáo thực hiện cũng phải cụ thể chứ không chung chung. “Lời hứa” từ kỳ họp trước đã làm được đến đâu, làm như thế nào và khó khăn vướng mắc ra sao, ai chịu trách nhiệm và bao giờ thì giải quyết xong. Cách làm này trong những năm qua cho thấy hiệu quả rõ rệt vì “truy” như thế, Bộ trưởng không thể “quanh co”, “kéo dài thời gian thi đấu” theo kiểu “sẽ tiếp tục chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới”.

Từ những vị Bộ trưởng được “chọn” lần này, cử tri dễ dàng nhận thấy đây đều là những vị “Tư lệnh” ngành có nhiều vấn để ảnh hưởng hoặc tác động nhiều đến cuộc sống của cử tri. Gần như kỳ họp nào cũng trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, lần này ông Vũ Văn Ninh sẽ giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm và các biện pháp thiết lập, nâng cao kỷ luật thực hiện ngân sách Nhà nước; các biện pháp kiềm chế lạm phát, khắc phục bội chi ngân sách; thực trạng và các biện pháp sử dụng có hiệu quả phòng ngừa rủi ro trong vay nợ Chính phủ và vay nợ Quốc gia. Vị Bộ trưởng này cũng phải trả lời về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về giá hay cả những việc cụ thể “xét” duyệt lương cho lãnh đạo SCIC quá cao.

Với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, những hạn chế, yếu kém về quản lý Nhà nước trong thi công công trình giao thông, thất thoát, lãng phí vẫn chưa được khắc phục. Cử tri không thể yên tâm khi tình trạng đào bới lòng đường, vỉa hè gây lãng phí, ách tắc giao thông ở các thành phố lớn vẫn xảy ra. Thêm nữa, không chỉ liên quan đến chuyện “đi, lại” của người dân mà việc tổ chức các trạm thu phí giao thông, chống ùn tắc giao thông trong đó có việc bịt các ngã ba, ngã tư đã làm vô hiệu hóa hàng trăm cột tín hiệu đèn giao thông ở Hà Nội…

Đã từ các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri rất quan tâm đến tình trạng cho người nước ngoài thuê đất rừng. Đồng thời, các biện pháp bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ sự đang dạng sinh học ở các vùng có dự án khai thác khoáng sản vần còn nhiều bất cập, cần phải được trả lời cụ thể.

Rừng là tài nguyên quốc gia, tác dụng của rừng thì ai cũng biết nhưng diện tích rừng bị phá không hề giảm. Không chỉ tàn phá tài nguyên thiên nhiên mà cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, thiên tai đe dọa do mất rừng…Vậy nên, cử tri mong đợi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phải nêu ra được những giải pháp mạnh để bảo vệ rừng, chứ không thể nguyên nhân lại là “vì lực lượng mỏng, phương tiện thiếu”...

Tại kỳ họp này, không phải “ngẫu nhiên” Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có tên trong danh sách “đăng đàn” trả lời chất vấn”.  Thực ra, những vấn đề này cũng đã được chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm ngoái nhưng chưa có nhiều chuyển biến như mong đợi của cử tri. Đó là trách nhiệm quản lý Nhà nước về Lễ hội, giải pháp khắc phục lễ hội tràn lan, lãng phí, bị lợi dụng để thương mại hóa. Tình trạng tổ chức khai trương, động thổ, khánh thành, đón nhận Huân, huy chương… quá rầm rộ gây tốn kém thời gian, tiền của vẫn xảy ra, đòi hỏi Bộ này phải có trách nhiệm.

Những câu hỏi của cử tri về trách nhiệm quản lý Nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa của Bộ VH-TT&DL cũng cần có câu trả lời thỏa đáng từ người đứng đầu ngành văn hóa tại diễn đàn Quốc hội.

Thời gian nửa ngày dành cho 1 Bộ trưởng là không nhiều để trả lời đầy đủ những câu hỏi của một ngành vì có quá nhiều vấn đề quan tâm cần được trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu người chất vấn hỏi ngắn gọn, tập trung, không trùng lắp và Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề thì sẽ tiết kiệm được thời gian và phát huy hiệu quả.

Qua chất vấn tại những kỳ họp trước cho thấy, nhiều vấn đề sau chất vấn đã được giải quyết, nhiều “lời hứa” được cụ thể hóa, tạo thay đổi tích cực như việc thi công đường 32, tình trạng xây quá nhiều sân Gold ở Hà Nội…  Cử tri có quyền đòi hỏi sự “chuyển biến”, sự coi trọng chất lượng sau mỗi phiên trả lời chất vấn.  Nhưng để chất vấn thành công rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào người được chất vấn mà còn cả người chất vấn.

Bắt đầu từ ngày mai (10/6) Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi cho chất vấn tại Hội trường.  
VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất