Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 3/12/2009 8:22'(GMT+7)

“Châu Âu cần bình thường hoá quan hệ với Cuba”

LEFIGARO. Chuyến thăm Paris của ngài nhằm mục đích gì?

Leonel FERNANDEZ. Trong chuyến thăm đầu tiên năm 1998, tôi đã “cách mạng hoá” quan hệ giữa hai nước chúng ta bằng cách tạo nên một loạt các hoạt động đầu tư của Pháp, cụ thể liên quan đến các tập đoàn: France Télécom, Carrefour, Alstom và trong lĩnh vực du lịch với tập đoàn Accord và Club Méditerranée. Lần này tôi muốn tăng cường quan hệ và khuyến khích những khoản đầu tư mới, đặc biệt với sự tham gia của Pháp vào việc xây dựng đường tàu điện ngầm thứ hai tại Dominica và tuyến đường sắt nối Dominica với Santiago.

Dominica đã ký kết một thoả thuận bàn giao cho Pháp hai người Pháp bị giam giữ tại Dominica vì tội buôn lậu ma tuý. Vụ việc này có thể được giải quyết nhanh chóng?

Vâng, chúng tôi đã có một thoả thuận chính trị. Thủ tục tư pháp đang được tiến hành và chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Pháp.

Ngài có đề xuất gì để ngăn chặn nạn buôn lậu ma tuý?

Cộng hoà Dominica có vị trí chiến lược, nằm giữa các khu vực sản xuất ma tuý ở phía Nam và khu vực tiêu thụ ở phía Bắc. Một thị trường buôn lậu ma tuý hình thành đi kèm với nhiều loại tội phạm. Tại trong nước, chúng tôi tăng cường phòng ngừa và trấn áp. Chúng tôi đã mua máy bay của Braxin để kiểm soát trên không. Trên bình diện quốc tế, chúng tôi hợp tác với Côlômbia, Vênêzuêla, Haïti và Mỹ. Chúng tôi muốn hợp tác với châu Âu. Pháp có thể hỗ trợ chúng tôi và cung cấp cho chúng tôi các trang thiết bị và phương tiện để tăng cường phòng ngừa.

Tại Paris, ngài cũng sẽ đề cập đến tình hình tại Haïti?

Vâng. Haïti thu hút Pháp và liên quan đến chúng tôi trong nhiều lĩnh vực: di trú, an ninh biên giới, buôn lậu ma tuý, môi trường (nạn phá rừng)… Cộng đồng quốc tế phải chủ động hơn nữa để khuyến khích đầu tư và cơ sở hạ tầng để giúp Haïti thoát khỏi nghèo đói. Nước này không tự mình làm được. Chúng tôi cũng không thể một mình làm được điều này. Cần phải đặt Haïti trong chương trình nghị sự của Pháp, Mỹ và Canada.

Ngài biết rất rõ chế độ Cuba. Châu Âu cần phải có thái độ như thế nào?

Trước tiên, Mỹ cần phải chấm dứt lệnh cấm vận được áp dụng từ 50 năm qua và đây là một thất bại. Các quan chức trong chính quyền tại Washington ý thức rất rõ điều này. Các chính sách của Tổng thống Obama có thiện chí và cần phải có chiều sâu hơn nữa, đó là phải đóng cửa căn cứ Guantanamo trong thời gian tới, dỡ bỏ các quy định hạn chế các công dân Mỹ đi du lịch hay tạo thuận lợi cho thương mại. Liên quan đến châu Âu, tôi nghi ngờ quan điểm của họ cho rằng chỉ có một cách duy nhất để lãnh đạo thế giới theo kiểu dân chủ của phương Tây. Chúng ta cũng ngạc nhiên về tính hiệu quả của các thế chế tại châu Âu, nhưng lại chẳng có ai chất vấn điều này. Tại Cuba, đã có một cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài và chọn thể chế mà người ta có thể đồng ý hoặc không. Châu Âu duy trì quan hệ với Trung Quốc, nước đã không từ bỏ chế độ cộng sản. Tại sao với Cuba thì không? Cần phải tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, mà cụ thể là hình thức chính quyền. Bản chất của chế độ Cuba không phải là một vật cản trong quan hệ với châu Âu. Bây giờ tồn tại những giá trị toàn cầu liên quan đến nhân quyền mà tất cả các nước đều phải tôn trọng.

Chủ nhật vừa qua đã có các cuộc bầu cử gây tranh cãi tại Honduras sau sự kiện đảo chính ngày 28/6. Đâu là lối thoát cho cuộc khủng hoảng này?

Bầu cử không phải là giải pháp cuối cùng để thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng nó không thể bị quên lãng. Đó là một điểm khởi đầu và mở ra một chương mới. Tổng thống đắc cử Porfirio Lobo muốn hoà giải dân tộc. Đó là một bước đi tích cực. Điều này tạo ra một cuộc đối thoại với Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya, người cần phải đóng góp vào việc bình thường hoá trong bối cảnh nhiệm kỳ của ông sẽ hết hạn vào cuối tháng 2/2010. Trên thực tế, các quan chức chính phủ cũng cần phải hiểu là sự phản đối mà họ nhận được từ châu Mỹ La Tinh là sự phản đối cuộc đảo chính và là một sự khẳng định các giá trị dân chủ. Tương lai của Honduras không phải là tự lên án lẫn nhau vi phạm Hiến pháp, mà là nối lại đối thoại chính trị.

Có phải Tổng thống Mỹ Barack Obama hài lòng với những hy vọng mà ông ấy đã tạo ra?

Ông ấy luôn đại diện cho một sự hy vọng và một sự thay đổi cấp tiến. Ông có tầm nhìn thế giới và một phương pháp tiếp cận các vấn đề thế giới trên cơ sở đối thoại và không mang tính đối đầu. Nhưng có những lĩnh vực mà chính quyền đã áp đặt cho ông ấy. Ở Honduras, ông Obama muốn tái lập chế độ của Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya, nhưng ông đã vấp phải những người nghĩ rằng điều này sẽ củng cố vai trò của ông Hugo Chavez. Những người này đã nhầm: không phải ông Chavez đã lên án cuộc đảo chính mà là tất cả các nước châu Mỹ La Tinh.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất