Khúc mắc chính hiện nay là cách thức phân chia trách nhiệm giữa các nước giàu với nước nghèo về việc giảm khí thải toàn cầu…
Tân Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy cam kết EU sẽ đóng vai trò chủ chốt tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu từ ngày 7-18/12 ở Copenhaghen, Đan Mạch.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Belusconi ngày 1/12 tại Milan (Italy), ông Rompuy tuyên bố EU sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt, mang tính xây dựng và hợp tác tích cực để có thể dẫn tới một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại hội nghị này. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ hành động của riêng EU sẽ không mang lại hiệu quả, do vậy vẫn cần sự đóng góp của các đối tác khác để hội nghị sắp tới thành công.
Liên quan tới hội nghị Copenhaghen, ngày 1/12, 4 nước đang phát triển hàng đầu gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã chuyển tới nước chủ nhà Đan Mạch đề xuất chung về vấn đề chống biến đổi khí hậu. Các nhà đàm phán không cho biết chi tiết đề xuất chung của các nước này, mà chỉ cho biết trên bàn thương lượng tại hội nghị sẽ có hai quan điểm trái ngược nhau giữa các nước giàu và đang phát triển.
Tại hội nghị Copenhaghen sắp tới, đại diện 192 nước thành viên Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận để tìm một thoả thuận toàn cầu mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang khiến nhiệt độ Trái Đất gia tăng. Khó khăn chính hiện nay là cách thức phân chia trách nhiệm giữa các nước giàu với nước nghèo về việc giảm khí thải toàn cầu, trong đó các nước đang phát triển cho rằng họ không nên bị buộc phải đưa ra cam kết về những mục tiêu nhất định.
Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi Trung Quốc nêu chi tiết làm thế nào để thực hiện kế hoạch cắt giảm khí thải vì Trung Quốc có trách nhiệm lớn trong cuộc chiến chống tình trạng nóng lên của trái đất. Thủ tướng Thuỵ Điển Fredrik Reinfeldt, nước đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu nói rằng, châu Âu muốn phân tích số liệu mà Trung Quốc đưa ra và tìm hiểu cụ thể biện pháp mà Trung Quốc áp dụng để thực hiện kế hoạch cắt giảm. Ông Reinfeldt tin tưởng Trung Quốc theo đuổi năng lượng tái sinh và năng lượng hạt nhân, thay thế các nhà máy chạy bằng than xả CO2.
Trong khi đó, Ấn Độ đang chịu sức ép ngày càng tăng phải đề ra kế hoạch cắt giảm khí thải khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa diễn ra Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu tại Copenhaghen. Ngày 1/12, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng, Ấn Độ sẽ “đóng vai trò xây dựng trong các cuộc đàm phán và hướng tới một kết quả thành công”.
Việc Mỹ, Trung Quốc trong tuần trước thông báo mức cắt giảm đã làm tăng thêm hy vọng đạt được một hiệp định toàn cầu, song Hội nghị Copenhaghen diễn ra từ 7 đến 18/12 tới khó có thể đưa ra một Hiệp định mang tính ràng buộc như mong đợi. Các nhà khoa học cho rằng, các nước công nghiệp đến năm 2020 phải cắt giảm 25% - 40% lượng khí thải so với mức của năm 1990. Còn các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cần giảm 15% - 30% lượng khí thải so với mức hiện tại. Tuy nhiên, Mỹ thông báo chỉ cắt giảm 17% so với mức của năm 2005, tức là chỉ tương đương cắt giảm 4% - 5% so với mức của năm 1990. Các nhà khoa học cảnh báo thảm hoạ nếu các nước không thực hiện các mục tiêu cắt giảm, nhiệt độ trên toàn cầu tăng hơn 2 độ so với mức của thời kì tiền công nghiệp sẽ dẫn tới nguy cơ mực nước biển tăng, hạn hán, lũ khốc liệt hơn.
Trong một diễn biến khác, sáng nay (2/12), Thượng viện Australia vừa bác bỏ dự luật thành lập hệ thống buôn bán trao đổi khí thải, đẩy các kế hoạch chống biến đổi khí hậu của chính phủ vào tình trạng rối loạn.
Đây là một tin bất lợi đối với Thủ tướng Australia Kevin Rudd trước khi ông tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc chống biến đổi khí hậu vào tuần tới tại Copenhaghen. Kế hoạch giảm ô nhiễm cacbon của chính phủ Australia đặt mục tiêu đến năm 2020 cắt giảm 5% - 25% lượng khí thải so với mức của năm 2000. Tuy nhiên, kế hoạch này bị phe đối lập, các tổ chức nông nghiệp, công nghiệp phản đối.
Nếu tính bình quân đầu người trên lượng khí thải, Australia là một trong những nước gây ô nhiễm lớn vì phụ thuộc rất lớn vào than. Nằm trên châu lục khô hạn nhất sau Nam Cực, Australia cũng được xem là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu. Tới nay, Liên minh châu Âu và một bang cuả Mỹ đã có hệ thống trao đổi khí thải cacbon./.
Theo VOVnews