Người Nga chưa kịp hoàn hồn sau vụ nổ làm tàu tốc hành Neva trật bánh đêm 27.11, thì sáng sớm ngày 30.11 báo chí Nga lại đưa tin một vụ nổ nữa xảy ra trên tuyến đường sắt ở Dagestan (Bắc Kavkaz).
Nếu vụ nổ trên tàu Neva làm 26 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương, thì may mắn lại không có ai bị thương trong vụ nổ ở Dagestan. Bọn khủng bố tính toán sai, đoàn tàu không trật bánh khỏi đường ray...
Trong khi các chuyên gia của Bộ Tình trạng khẩn cấp và TCty Đường sắt Nga thực hiện việc cứu trợ người bị nạn và sửa chữa lại những đoạn đường sắt bị hư hỏng (ảnh), thì cơ quan tình báo đã lần theo dấu vết nóng truy tìm những kẻ phạm tội. Các nhà phân tích cho rằng, những vụ nổ này chưa phải là cuối cùng, bởi hoạt động của các nhóm quá khích đã gia tăng một cách rõ rệt trong thời gian gần đây.
Một số ý kiến cho rằng những phần tử Hồi giáo quá khích thực hiện hai vụ nổ trên tàu để "kỷ niệm" một trong những ngày lễ chính của đạo Hồi là lễ hiến sinh (ở Nga gọi là Kurban-bairam). Điều khủng khiếp nhất là những kẻ gây ra các vụ khủng bố vô nhân tính này không còn là người Hồi giáo, mà là những kẻ Slavơ rất dễ trà trộn trong đám đông.
Theo lời một chuyên gia khả kính về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, hiện nay tại Nga chỉ có vài chục phần tử tôn giáo cực đoan dám liều chết vì lý tưởng của đấng tối cao, trong khi số những kẻ tình nguyện vì tiền mà làm những điều khủng khiếp nhất tăng lên rất nhiều.
Những kẻ tình nguyện này được huấn luyện rất cẩn thận, rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó. Tàu tốc hành Neva đã từng bị đánh bom một lần vào ngày 27.8.2007. Khi đó lượng thuốc nổ không đủ mạnh và nhờ sự khéo léo của thợ máy mà đoàn tàu đã băng qua được đoạn đường sắt bị hư hỏng trên tốc độ lớn. Mặc dù không có thương vong trong vụ này, nhưng nước Nga đã phải hứng chịu cú sốc tâm lý kéo dài.
Tàu hỏa là phương tiện giao thông thuận tiện đối với đại bộ phận người dân Nga ở đất nước rộng lớn này. Báo chí Nga đưa tin về trường hợp một phụ nữ 35 tuổi người St.Petersburg. Chị tình cờ có mặt trên cả hai chuyến tàu ngày 27.8.2007 và ngày 27.11.2009 và đều may mắn thoát chết, mặc dù lần sau bị chấn thương khá nặng. Có lẽ, không chỉ người phụ nữ may mắn này mà nhiều người Nga khác từ nay sẽ phải nín thở bước lên tàu. Như vậy, bọn khủng bố đã phần nào thành công khi gieo rắc nỗi sợ hãi.
Cảnh sát đang xem xét khả năng liên đới của một người có tên là Pavel Kosolapov - kẻ chủ mưu vụ nổ trên tàu tốc hành Neva lần trước, bởi "nét chữ" của hai vụ rất giống nhau. Tên này bị truy nã đã hai năm nay. Cảnh sát cũng không loại trừ sự "lên tiếng" của các băng nhóm quá khích đang hoạt động bí mật nhằm phá vỡ sự ổn định của nước Nga. Tại một ngôi làng gần nơi xảy ra vụ nổ, cảnh sát đã lục soát ngôi nhà được cho là nơi mà nhóm khủng bố khoảng 3-4 tên đã ở trong khi chuẩn bị ra tay.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng do phải trải qua những thảm kịch khủng khiếp thời hậu Liên Xô trong thập niên 1990, nên đa phần người Nga đã "miễn dịch" với những hành động khủng bố. Một hành khách người Italia bị chấn thương trong vụ nổ đã bày tỏ sự thán phục đối với những người bạn đồng hành Nga ngay giữa màn khói bụi đã quên bản thân cứu giúp trẻ em và những người bị thương. Sự trợ giúp kịp thời này đã giúp nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần vì lực lượng cứu hộ và y tế phải vài giờ sau mới tới được hiện trường.
Vụ khủng bố tàu tốc hành Neva đã lộ diện những vấn đề tích tụ trong ngành đường sắt thời gian qua. Chẳng hạn, người ta không hiểu tại sao lại bãi bỏ chế độ tuần đường? Vì những tính toán lợi ích kinh tế mà người ta cho nghỉ việc hẳn một đội quân mà công việc chính của họ là kiểm tra và theo dõi chất lượng đường sắt, cũng như kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành động gây tổn hại đường sắt. Hai thảm kịch trong vòng mấy ngày cho thấy tiết kiệm tiền không phải là biện pháp hợp lý./.
(Theo Lao Động online)