Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 1/12/2009 21:58'(GMT+7)

Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và bà Catherine Ashton.

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và bà Catherine Ashton.

Hôm nay (1/12), Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực, mở ra một giai đoạn mới đối với 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Cũng từ hôm nay, ông Herman Van Rompuy, cựu Thủ tướng Bỉ, chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) nhiệm kỳ 2 năm rưỡi. Đồng thời, bà Catherine Ashton - người Anh - cũng bắt đầu trở thành Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, chức vụ được xem như "Ngoại trưởng EU".

Hiệp ước Lisbon về cải cách các thể chế quyền lực của EU được coi là một văn bản pháp lý quan trọng, hy vọng sẽ mang lại cho EU một diện mạo mới bằng sự thịnh vượng và đoàn kết.

Song mọi sự tập trung của dư luận lúc này đang hướng về Chủ tịch đầu tiên của EU, người sẽ chèo lái con thuyền EU với hơn 500 triệu dân trong tiến trình thực hiện cải cách và thay đổi để phù hợp với qui mô mở rộng và nâng cao hơn vị thế của EU trên vũ đài quốc tế.

Tối nay, lễ kỷ niệm ngày Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực sẽ được tổ chức trọng thể tại thủ đô Bồ Đào Nha, nơi hiệp ước này ra đời và mang tên.

Sẽ có nhiều quan chức cấp cao của châu Âu tham dự buổi lễ đặc biệt này như Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Jerzy Buzek, Chủ tịch các cơ quan chức năng của EU, Tổng thống và Thủ tướng Bồ Đào Nha, và Thủ tướng Tây Ban Nha...

Phát biểu trước khi lên đường đi Lisbon dự buổi lễ này, Chủ tịch EP Buzek tuyên bố lễ kỷ niệm này đánh dấu bước khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong tiến trình hội nhập của châu Âu.

Theo ông, Hiệp ước Lisbon thể hiện một sự lớn mạnh trong dân chủ và hiệu quả của EU. Hiệp ước này tạo ra bước đột phá mạnh mẽ về quyền lực cho Nghị viện châu Âu, được bầu ra bằng phương thức bỏ phiếu trực tiếp./.

Hiệp ước Lisbon - tiền thân là bản dự thảo Hiến pháp chung EU ra đời năm 2005, nhưng đã bị "chết yểu" ngay khi cử tri Pháp và Hà Lan nói "không" với văn bản pháp lý này trong các cuộc trưng cầu ý dân vào năm ấy. Để "hồi sinh" văn kiện này, nói đúng hơn là vực dậy tiến trình "nhất thể hóa châu Âu", các điều khoản trong bản dự thảo Hiến pháp chung đã buộc phải thay đổi theo hướng đơn giản hóa tối đa, nhằm tìm được sự đồng thuận và tiếng nói chung.

Sau hơn 2 năm bị "treo", bản dự thảo Hiến pháp được sửa đổi và sau đó được các nhà lãnh đạo EU ký thông qua hồi cuối năm 2007 tại thủ đô Bồ Đào Nha, với tên gọi mới là Hiệp ước Lisbon. Thay vì tổ chức trưng cầu ý dân như lần trước, các nước thành viên EU đã chọn giải pháp an toàn là thông qua bản hiệp ước này tại quốc hội, trừ Ireland là quốc gia duy nhất tiến hành trưng cầu ý dân đối với văn bản này. Đây cũng là "cửa ải đầu tiên" cho kế hoạch cải cách thể chế EU.

Các nhà lãnh đạo EU hy vọng Hiệp ước Lisbon có hiệu lực ngay từ ngày 1/12/2009, sẽ chấm dứt "cuộc khủng hoảng chính trị" kéo dài nhiều năm qua của "đại gia đình" ở tuổi trung niên này, đồng thời mở ra chương mới trong lịch sử EU. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Manuel Baroso tuyên bố: "Trên lục địa châu Âu già cỗi, một châu Âu mới sẽ được sinh ra".

Theo Hiệp ước Lisbon, trong quá trình ra quyết sách, EU không còn bị rơi vào tình trạng một thành viên có thể bắt toàn bộ những nước còn lại làm "con tin" bằng lá phiếu phủ quyết của mình. Bởi theo văn bản mới này, tới năm 2014, một số chính sách của EU trong các lĩnh vực nhạy cảm như tư pháp, nội chính sẽ chuyển từ "cơ chế biểu quyết đa số hữu hiệu" sang "cơ chế biểu quyết đa số song trùng", nghĩa là chỉ cần 55% số nước thành viên và 65% người dân EU ủng hộ thì sẽ được thông qua. Ngoài ra, Hiệp ước Lisbon cũng sẽ tăng quyền lực cho Nghị viện châu Âu và tạo điều kiện cho nghị viện các nước thành viên phát huy vai trò to lớn trong quá trình ra quyết sách của EU.

Việc Hiệp ước Lisbon nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên, chính là tiền đề quan trọng tạo cơ hội thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng của tổ chức châu lục, đang được đánh giá là thành công nhất này./.



TG - TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất