Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang được các tổ chức y tế và nhóm nghiên cứu tại châu Phi vận dụng để giúp người nghèo được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt.
Người nghèo vẫn chết vì những căn bệnh đơn giản
Penda Health là một phòng khám tại thị trấn Kitengela, Kenya được mở ra nhằm mục đích phục vụ tầng lớp trung lưu và người nghèo. Bà Stephanie Koczela, một trong các nhà sáng lập của Penda Health chia sẻ: “Tôi đã tham dự nhiều đám tang của những người chết chỉ vì những căn bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa và chữa trị”. Nhà đồng sáng lập Beatrice Ongoce của Penda Health thì cho biết tại Kenya, dịch vụ y tế chất lượng cao dường như chỉ dành cho người giàu, người nghèo chỉ có thể được hưởng các lựa chọn kém chất lượng. CNTT chính là một yếu tố sống còn trong quá trình Penda Health tìm cách cắt giảm chi phí khám chữa bệnh mà vẫn nâng cao chất lượng dịch vụ,
Ứng dụng đầu tiên mà các nhà điều hành Penda Health giới thiệu là hệ thống theo dõi dược phẩm. Trong khi các phòng khám khác thường sử dụng hồ sơ lưu trữ trên giấy, Penda Health dựa trên một phần mềm đơn giản cài đặt trên máy tính để bàn, phần mềm này sẽ tự động thông báo cho bác sỹ khi có loại thuốc nào hết hạn sử dụng. Thông báo cũng được gửi tới các nhà cung cấp dược phẩm để kịp thời xử lý.
Ngoài ra, nhân viên y tế của Penda Health còn dùng điện thoại di động để gửi tin nhắn cho bệnh nhân để đảm bảo họ uống thuốc đúng thời gian và đúng cách, hoặc thông báo cho các nhóm bệnh nhân là có chuyên gia y tế tới thăm.
Vận dụng công nghệ một cách triệt để, các nhà điều hành Penda Health còn dùng nền tảng mạng xã hội Facebook để tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng tài trợ cho việc xây dựng phòng khám và các trang thiết bị cần thiết.
Một số tổ chức y tế lớn đã vào cuộc. Ví dụ như Quỹ Nghiên cứu Y tế châu Phi (AMREF - the African Medical and Research Foundation) đang sử dụng máy tính và mạng Internet để các chuyên gia có thể tư vấn cho bác sỹ tại địa phương; tổ chức phi lợi nhuận Computer Aid International cũng viện trợ cho châu Phi nhiều thiết bị khám bệnh từ xa như máy tính, máy in, máy quét và camera kỹ thuật số. Hệ thống của Computer Aid International đã được cài đặt tại khoảng 50 bệnh viện tại Kenya, cũng như tại Ethiopia, Tanzania, Uganda và dự định mở rộng ra một số nước khác.
WinSenga - Ứng dụng điện thoại chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
Trong lúc tìm cách ứng dụng CNTT vào phát triển y tế, điện thoại di động là loại thiết bị được chú ý hơn cả. Ông Aaron Tsushabe, một nhà phát triển ứng dụng tại Uganda, nói rằng: “Châu Phi có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao. Người ta còn nói rằng trong khoảng 3 năm tới, số lượng điện thoại di động tại châu Phi sẽ nhiều gấp 3 lần tại Mỹ”.
Ông Tsushabe đang dẫn đầu một nhóm nghiên cứu của các sinh viên thuộc Đại học Makere, Kampala, Uganda. Dự án có tên WinSenga đang phát triển một phần mềm kết hợp smartphone với ống nghe pinard – loại ống nghe được sử dụng từ cách đây hơn 100 năm để theo dõi nhịp tim của thai nhi trong bụng mẹ. Họ sử dụng một chiếc pinard có gắn microphone kết nối với điện thoại. Bác sĩ chỉ cần đặt chiếc pinard lên bụng thai phụ và bật ứng dụng smartphone, ứng dụng này sẽ ghi lại và phân tích nhịp tim của đứa trẻ. Nhóm nghiên cứu WinSenga đã lọt vào danh sách 20 đội dẫn đầu thế giới trong cuộc thiết kế phần mềm Imagine Cup do Microsoft tổ chức.
Vì dự án vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, một đại diện của WinSenga cho biết họ rất mong đợi công nghệ sẽ được sớm đưa vào sử dụng. “Chúng tôi đang làm việc miệt mài với các nhà tư vấn của Unicef để đưa công nghệ này vào sử dụng càng sớm càng tốt. Vì phần mềm đang hoạt động với ngôn ngữ tiếng Anh, chúng tôi đang cố gắng biên dịch sang các thứ tiếng địa phương khác”, vị đại diện này nói.
Tiến sỹ Felix Olale, Chủ tịch của ngân hàng đầu tư Excelsior Firm tại Nairobi, đồng thời là một nhà tư vấn của Chính phủ Kenya, nói rằng tương lai của ngành y tế các khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động đầu tư cho công nghệ./.
Phạm Duyên - ICTnews