Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 11/12/2014 9:42'(GMT+7)

Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có tính tự chủ cao. Đội ngũ cán bộ khoa học có học vị tiến sĩ và có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ khá cao trong số các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Công tác đào tạo có nhiều đổi mới. Tỷ lệ đào tạo sau đại học ngày càng tăng. Kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của mạng lưới đại học ASEAN được áp dụng rộng rãi. Chất lượng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiên tiến và chuẩn quốc tế được nhiều đại học uy tín trên thế giới thừa nhận. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ cuộc sống, trong đó, một số kết quả nghiên cứu cơ bản đã tiếp cận trình độ quốc tế.

Tuy nhiên để thực hiện tốt sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực, trong đó có một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến Châu Á, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, cụ thể: (1) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế như tăng tỷ lệ quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, các chương trình tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, đào tạo liên kết quốc tế,... (2) Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như phát triển khoa học tự nhiên gắn với định hướng ứng dụng; tăng cường nghiên cứu chuyển giao, phát minh, sáng chế, các giải pháp hữu ích; tiên phong sáng tạo và chuyển giao tri thức;... (3) Nâng cao vị thế uy tín quốc tế như các tiêu chí phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xếp hạng đại học; có sự trao đổi mạnh mẽ về các chương trình đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường tiên tiến của khu vực và thế giới.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xác định một số giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất, đổi mới quản trị đại học: hoàn thiện các văn bản quản lý, cơ chế điều hành đảm bảo phát huy quyền chủ động, sáng tạo,…; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, công bằng; quản trị theo tiếp cận số lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra; thực hiện cải cách và hiện đại hóa công tác hành chính.

Thứ hai, hoàn thiện mô hình tổ chức và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao: phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích, tôn vinh và đãi ngộ các nhà khoa học có trình độ cao trong nước cũng như nước ngoài,...

Thứ ba, hiện đại hóa cơ sở vật chất: chủ động phối hợp, thúc đẩy tiến độ các dự án; xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia;…

Thứ tư, gia tăng các nguồn lực tài chính như kiến nghị Nhà nước ban hành cơ chế tài chính đặc thù, ưu tiên; áp dụng các hình thức huy động vốn (phương thức thực hiện dự án PPP, BOT, BT,…); chủ động tìm kiếm đối tác, huy động các nguồn vốn xã hội hóa; tăng nguồn thu từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác phát triển như tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; tăng cường xây dựng mô hình hợp tác trường-viện-doanh nghiệp; thu hút các chuyên gia khoa học, nhà quản lý, doanh nhân tham gia giảng dạy, nghiên cứu theo mô hình phối hợp;…/.

TS. Ngô Thanh Long
Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề-Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất