Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2013 có mục tiêu từ năm
2020 đến 2030 sản xuất từ 40-60 phim truyện/năm; 36-72 phim/năm cho mỗi
thể loại phim tài, phim khoa học, phim hoạt hình, có 15%-25% phim xếp
loại xuất sắc; 70- 80% xếp loại khá và có ít nhất từ 2-5 phim đạt giải
cao tại liên hoan phim quốc tế.
Hội nghị, hội thảo trực tuyến phổ biến nội dung và góp ý dự thảo Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện “Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 24/4, tại 2 điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự có đại diện các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các trung tâm phát hành phim, chiếu bóng cùng nhiều chuyên gia về điện ảnh của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2013. Chiến lược có mục tiêu từ năm 2020 đến 2030 sản xuất từ 40-60 phim truyện/năm; 36-72 phim/năm cho mỗi thể loại phim tài, phim khoa học, phim hoạt hình. Có 15%-25% phim xếp loại xuất sắc; 70- 80% xếp loại khá và có ít nhất từ 2-5 phim đạt giải cao tại liên hoan phim quốc tế. Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến 2030, tỷ lệ phim Việt Nam đạt ít nhất 35-45% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trong tổng số buổi chiếu tại rạp, 35-40% phim truyện Việt Nam trong tổng số phim phát hành; số người xem phim đạt từ 90-210 triệu lượt/năm; từ 550-1050 phòng chiếu. Đặc biệt, lượng phim xuất khẩu đạt từ 20-30% số lượng được sản xuất hàng năm; phim hợp tác-dịch vụ nước ngoài tăng từ 10-25%/năm.
Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2014. Các định hướng được đưa ra trong Quy hoạch gồm: Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực ngành điện ảnh; gắn với thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng và nâng cấp xây mới các công trình văn hóa đã được phê duyệt; phát huy thế mạnh của điện ảnh, đảm bảo phù hợp với đặc điểm đời sống của từng vùng, địa phương, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới…
Để thực hiện thành công mục tiêu, định hướng của Chiến lược và Quy hoạch trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Kế hoạch này góp phần xác định rõ nhiệm vụ cụ thể đối với các hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, địa phương, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược và Quy hoạch.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết thêm: Trong Kế hoạch tổng thể triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung thực hiện phổ biến, tuyên truyền Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về điện ảnh; xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật điện ảnh; sản xuất phim; đào tạo nguồn nhân lực… Đặc biệt, khi kế hoạch tổng thể được phê duyệt, các địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể, Bộ cũng cam kết phối hợp với các địa phương để việc triển khai được hiệu quả.
Tham dự hội nghị, đa số đại biểu đều ghi nhận việc xây dựng Chiến lược và Quy hoạch điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch tổng thể triển khai các văn bản này là nỗ lực, thành công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và ngành điện ảnh nói riêng. Các đại biểu thống nhất với các mục tiêu cụ thể được nêu ra. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng trong kế hoạch triển khai các văn bản này cần đẩy mạnh liên kết giữa ngành điện ảnh và các ngành khác trong đó ưu tiên việc liên kết với truyền hình; quan tâm hơn đến việc phân loại phim theo độ tuổi khán giả; tăng cường quảng bá phim Việt ở trong, ngoài nước…
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực được đa số đại biểu quan tâm. Đại diện cho khu vực phía Nam, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Phúc Thành cho rằng: Chiến lược và Quy hoạch điện ảnh muốn triển khai có hiệu quả trước hết trong Kế hoạch tổng thể nên quan tâm tới yếu tố con người, nhất là khi nhu cầu thưởng thức điện ảnh, giao tiếp điện ảnh ngày càng cao. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Đặng Xuân Hải bổ sung thêm: cần có lộ trình cụ thể trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong đó ưu tiên việc tăng kinh phí cho đào tạo. Đồng thời việc nghiên cứu, rà soát xem cần đầu tư như thế nào cho một sinh viên ngành điện ảnh cũng nên được quan tâm. Việc đào tạo ở nước ngoài, đào tạo nâng cao phải triển khai sớm. Như vậy ngành điện ảnh mới có thể đạt được mục tiêu của Chiến lược, phù hợp với quan điểm, định hướng của Quy hoạch…/.
Theo TTXVN