FESTIVAL Ấn Độ tại Việt Nam diễn ra từ ngày 5 đến 15-3 tại ba
thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hội tụ những tinh
hoa văn hóa Ấn Độ thông qua ba lễ hội đặc sắc: Lễ hội múa cổ điển Ấn
Độ, Lễ hội ẩm thực và Đại lễ Phật giáo. Trong Festival lần này, người
dân Việt Nam đã có dịp thưởng thức những nét văn hóa truyền thống được
gửi gắm qua từng món ăn, điệu múa mang đậm bản sắc độc đáo của văn hóa
Ấn Độ.
Với những bài hát, điệu múa được công nhận là di sản văn hóa phi vật
thể của nhân loại, 16 nghệ sĩ múa nổi tiếng đến từ các vùng, miền khác
nhau của Ấn Độ đã gửi tặng công chúng Việt Nam một "bữa tiệc" nghệ
thuật đầy mầu sắc.
Tại Lễ hội múa cổ điển Ấn Độ, người xem được đắm mình trong các điệu
Ca-tha-ca-li, Ba-ra-ta-na-ti-am... khi thì nhẹ nhàng, uyển chuyển; lúc
lại mạnh mẽ, vui tươi. Cũng trong thời gian đó, Lễ hội ẩm thực đã mang
đến cho thực khách Việt Nam các món ăn đậm đà hương vị truyền thống,
thể hiện sự phong phú về chất liệu qua bàn tay khéo léo của các đầu
bếp. Cũng tại đây, một nữ nghệ sĩ người Ấn Độ đã rất thành công trong
việc giới thiệu nghệ thuật vẽ trên da Mê-hen-đi đầy thú vị.
Trong suốt thời gian diễn ra Festival, các hoạt động nghệ thuật luôn
nhận được sự đón chào nồng nhiệt từ bạn bè Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ tại
Việt Nam P.Xa-ran xúc động bày tỏ sự vui mừng khi thấy rất đông người
dân Việt Nam tham dự các lễ hội văn hóa của Ấn Độ và coi đây là một
thành công của Festival Ấn Độ lần đầu tổ chức tại Việt Nam. Đại sứ cho
biết, Ấn Độ từ lâu đã có mối quan hệ rất thân thiết với Việt Nam, nhân
dân Ấn Độ cũng luôn dành cho những người bạn Việt Nam sự yêu mến và tôn
trọng.
Trên cơ sở đó, Festival Ấn Độ tại Việt Nam được mong đợi là nhịp cầu
giúp nhân dân hai nước thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết
lẫn nhau và thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, Ấn Độ cũng là mảnh
đất khởi nguồn của Phật giáo với tinh thần phi bạo lực, bình an, hòa
thuận.
Đại lễ Phật giáo là một hoạt động quan trọng của Festival, giúp tăng
cường quan hệ giao lưu tôn giáo có lịch sử hơn 2.000 năm giữa Việt Nam
và Ấn Độ. Chùa Phật tích (Bắc Ninh) vinh dự được chọn là một trong
những nơi tổ chức Đại lễ Phật giáo. Đây là ngôi chùa có bề dày lịch sử
và chiều sâu tâm linh, là một trong những cái nôi của Phật giáo Việt
Nam, nơi mà 2000 năm trước, nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La cùng các đoàn
thuyền buôn theo con đường tơ lụa trên biển đã đặt chân đến và mang đạo
Phật truyền cho người Việt.
Trong đại lễ, 20 nhà sư Ấn Độ đến từ dãy Hi-ma-lay-a đã thực hiện
nhiều hoạt động văn hóa Phật giáo đặc sắc, gồm: dựng hình đồ Mạn Đà La
bằng cát nói về sự màu nhiệm của Pháp giới Phật đem đến sự bình an, may
mắn, thịnh vượng và trí tuệ; thể hiện những điệu múa thần linh với mặt
nạ và trang phục đặc trưng, sống động...
Trưởng đoàn đại biểu Phật giáo Ấn Độ, Đức G.Đô-giê nhấn mạnh: "Giữa
Ấn Độ với Việt Nam luôn có một sự kết nối mật thiết về tinh thần và
Phật giáo chính là thành tố quan trọng trong sự kết nối ấy.
Qua gặp gỡ và tiếp xúc với hòa thượng và phật tử ở các chùa tại Việt
Nam, chúng tôi đã trao đổi những giáo lý Phật giáo và truyền tải thông
điệp của Đức Phật về sự an lạc, thuận hòa trên thế giới". Đại lễ thu
hút rất đông các quan khách và hơn 3.000 tăng ni, phật tử từ khắp nơi
đổ về. Trước thành công của đại lễ này, các đại biểu Ấn Độ chân thành
bày tỏ cảm kích về sự chuẩn bị chu đáo và tạo điều kiện thuận lợi của
Chính phủ Việt Nam.
FESTIVAL Ấn Độ lần đầu được tổ chức tại Việt Nam không chỉ là sự kiện
văn hóa đầy ý nghĩa mà còn là cơ hội để tôn vinh giá trị văn hóa Ấn Độ
trong lòng người dân Việt Nam, đồng thời góp phần thắt chặt hơn tình
hữu nghị bang giao lâu đời giữa hai dân tộc cũng như giữa các tăng ni,
phật tử của Phật giáo hai nước Việt Nam và Ấn Độ.