Tối 15/4, tại Cung An Định, ban nhạc DeepBlue của Australia, đã mang đến
cho người xem một buổi biểu biễn vô cùng ấn tượng với những cây đàn
dây.
DeepBlue mê hoặc khán giả bằng cách chọn cho mình một lối đi mang tính
đột phá, với phong cách biểu diễn vô cùng cá tính, kết hợp vũ đạo tinh
tế và hiệu ứng tuyệt vời về hình ảnh ban nhạc đến từ Australia đã đưa
thể loại nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng.
Trong đêm nhạc này, các nghệ sỹ đã mang đến những phần trình diễn ngập
tràn cảm xúc đa dạng bằng đàn dây truyền thống như Violin, Cello hòa
trộn cùng bass….với những nhạc phẩm nổi tiếng như "HongKong Western", "Somebody I Used Know"...
Âm nhạc của DeepBlue là sự tổng hòa độc đáo của nhạc cổ điển với nhạc
Pop và nhạc phim, đồng thời là cách sử dụng hiệu quả âm thanh, ánh sáng,
hình ảnh để biểu đạt những câu chuyện một cách sống động.
DeepBlue còn thể hiện những bản nhạc dành cho đàn dây mang âm hưởng
Rock, được phối lại từ các nhạc phẩm cổ điển của Australia và trên thế
giới. Với phong cách đầy quyến rũ và sôi động, không có nhạc trưởng,
không có giá nhạc để các những người biểu diễn náu mình, tất cả là những
nỗ lực trình diễn nhằm mang đến cho khán giả những cảm nhận gần gũi và
sâu sắc nhất về âm nhạc.
Đáng chú ý, các nghệ sỹ còn cho du khách những bất ngờ khi đi cà kheo đánh đàn.
Ban nhạc DeepBlue được hình thành, bắt nguồn bởi một dự án kéo dài từ
năm 2006 đến 2008 của Hội đồng nghiên cứu Australia thuộc Đại học Công
nghệ Queensland, nhằm mục đích chuyển đổi dàn nhạc giao hưởng thông
thường thành một mô hình kinh doanh, đưa nhạc giao hưởng mang tính đại
chúng hơn. Điều này giúp DeepBlue thành công trên toàn cầu, gây được
tiếng vang lớn tại các buổi biểu diễn trên truyền hình và các live show
trên khắp Australia.
Tại công viên 3/2, không khí trở nên sôi động hơn với những tràng pháo
tay hòa cùng lời ca, điệu nhạc của ban nhạc dân tộc đến từ đất nước Phần
Lan. Năm nghệ sỹ trẻ của nhóm nhạc đã mang đến cho người xem những nét
văn hóa độc đáo của dân tộc mình qua các loại nhạc cụ truyền thống như
bộ nhạc cụ dây truyền thống, đàn jouhikko, nhạc cụ bộ hơi, các loại
nhạc cụ thuộc bộ gõ dân gian và những làn điệu dân gian của đất nước
Bắc Âu này.
Các nghệ sỹ đã đưa âm nhạc Phần Lan ra thế giới bằng lối hát thơ Runolaulu trầm, bổng, ngân vang.
Nghệ sỹ Kirsi Ojala - nghệ sỹ biểu diễn chuyên về các nhạc cụ bộ hơi,
các loại nhạc cụ thuộc bộ gõ dân gian, và hát các làn điệu dân gian Phần
Lan cho biết, anh rất vui khi được biểu diễn trong một không gian tuyệt
vời, sự nhiệt tình của khán giả đã tạo nên sự hưng phấn của người nghệ
sỹ.
Đây là buổi biểu diễn cuối cùng của nhóm nên anh hy vọng sẽ có dịp được
trở lại Huế. Với những gì đã thể hiện, nhóm nhạc đến từ đất nước Phần
Lan đã cho du khách hiểu hơn về những con người và văn hóa của một đất
nước đến từ Bắc Âu.
Bữa tiệc âm nhạc thực thụ trong mùa Festival Huế 2014, càng đặc sắc hơn
với những điệu múa truyền thống của nhiều vùng miền trên thế giới. Những
chàng trai và cô gái Thái đến từ đoàn Kalasin với điệu múa Sukothai,
múa Phu Thai, múa dừa Grapo, vũ kịch Khon trong sử thi Ramakien... đã
đưa khán giả dạo khắp mọi miền của đất nước Thái Lan.
Còn Đoàn nghệ thuật múa Myanmar biểu diễn điệu múa đầy sôi động của dân
tộc Lisu. Trên nền nhạc cụ đặc trưng của con người vùng đất Hymalaya,
các vũ công thể hiện những bước chân di chuyển phức tạp kết hợp cùng
những lời ca.
Điệu múa là sự kết hợp giữa hai điệu múa chey ngo chey, điệu múa mô tả
quá trình tìm hiểu nhau giữa các đôi trai gái và đời sống hôn nhân gia
đình, và điệu múa gwa khi khi, một điệu múa thể hiện sự gắn bó mật thiết
giữa các cá nhân trong cộng đồng....
Tại nhiều điểm diễn khác, khán giả còn được thưởng thức những tác phẩm
âm nhạc đến từ các nhóm nhạc Stoffer & Maskinen (Đan Mạch); Đoàn
nghệ thuật Duna (Hungary), Đoàn nghệ thuật Ranranga (Sri Lanka), Nhà hát
ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát thiếu nhi La Colmenita (Cuba)./.
Tường Vi (TTXVN/Vietnam+)