Nỗ lực bám nghề
Từ nhiều năm qua, loại hình nghệ
thuật này được các nghệ sĩ, họa sĩ trẻ ứng dụng để sáng tạo tác phẩm,
nhằm thể hiện tư duy, ý tưởng, quan điểm, góc nhìn mới đối với những vấn
đề của đời sống xã hội, con người thời đại. Những tác phẩm nghệ thuật
đương đại thường thể hiện tính trừu tượng, trong đó nhiều tác phẩm có
cách họa hình lạ, tác phẩm điêu khắc đánh lừa thị giác, những tác phẩm
sắp đặt được làm từ đủ loại nguyên vật liệu, các video art, nhiếp ảnh kỹ
thuật số… giúp người thưởng thức phải tư duy, bay bổng trí tưởng tượng
để cảm nhận ý tưởng, nội dung tác phẩm. Có lẽ, cũng vì thế mà các tác
phẩm nghệ thuật đương đại rất kén người thưởng lãm.
Họa sĩ Hoàng Dương Cầm, có thâm
niên 20 năm theo đuổi nghệ thuật đương đại, tâm tư: “Nghệ thuật đương
đại không có nhiều công chúng. Dẫu vậy, các nghệ sĩ, họa sĩ, vì niềm đam
mê nghề, yêu thích sự sáng tạo nghệ thuật nên vẫn luôn nỗ lực bám trụ,
quay quắt với nghề.
Trong thực tế, hầu hết anh em nghệ sĩ đều
phải tự thân vận động, nhiều người đều có việc làm tay trái, vừa đi làm
vừa tiết kiệm tiền để đầu tư thực hiện các tác phẩm hay dự án nghệ
thuật. Khi có tác phẩm rồi, việc tìm kiếm không gian để triển lãm, giới
thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng tiếp tục là trở ngại rất
lớn...”.
Đã có không ít anh em nghệ sĩ, họa
sĩ phải đem tranh bày ở công viên hay thuê một gian phòng nho nhỏ để
triển lãm tác phẩm, với mong muốn tác phẩm được tiếp cận gần hơn với
công chúng. Tại TPHCM cũng có rất nhiều phòng tranh, nhưng số phòng
tranh ủng hộ các họa sĩ, nghệ sĩ trưng bày, triển lãm tác phẩm nghệ
thuật miễn phí không nhiều.
Một số cái tên như: Galerie Quỳnh,
Sàn Art, Craig Thomas Gallery… được biết đến như là những phòng tranh
tích cực ủng hộ các nghệ sĩ, họa sĩ trẻ trong sáng tạo và triển lãm tác
phẩm. Chính nhờ vào sự hỗ trợ của các galerie, đã tạo thêm điều kiện để
các nghệ sĩ nhìn mình rõ hơn và công chúng có điểm đến thưởng thức các
tác phẩm nghệ thuật.
Dấu ấn từ sự khác lạ
Hiện nay hoạt động nghệ thuật
đương đại Việt Nam đã đông vui hơn, chất lượng và số lượng tác phẩm cũng
nhiều hơn, đa dạng, phong phú, độc đáo. Đặc biệt, chất lượng các tác
phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam khi so sánh với các tác phẩm nghệ
thuật đương đại của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines,
Indonesia… cũng không có khoảng cách mấy.
Mặc dù sự ủng hộ, hỗ
trợ cho nghệ thuật đương đại phát triển hiện còn rất ít, từ sự hạn chế
trong đầu tư, hỗ trợ kinh phí, tổ chức triển lãm, giới thiệu, in sách,
đến giải pháp lưu trữ tác phẩm (một tác phẩm sáng tạo trong 1 - 2 năm,
triển lãm thường trưng bày chỉ hơn một tháng, nếu không được lưu trữ thì
rất dễ đi vào quên lãng).
Hơn thế nữa, công tác lý luận - phê
bình, diễn giải cho công chúng hiểu thêm về nghệ thuật đương đại còn
thiếu, bị bỏ trống, ít nhiều cũng là khó khăn đáng kể trong việc định
hướng và thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại có những bước
bứt phá mới, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của số đông công chúng trong
nước. Tuy nhiên, các tác phẩm Việt đi triển lãm ở các nước lại nhận được
sự quan tâm rất lớn từ phía những người cùng nghề quốc tế.
Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh cho biết:
“Hiện nay, giới mỹ thuật trên thế giới rất quan tâm đến những gì đang
xảy ra ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt là tại TPHCM - Việt Nam. Hoạt động
văn hóa ở đây hơi khác lạ so với các nước. Đặc biệt, dấu ấn đặc sắc của
các nghệ sĩ Việt Nam tại các triển lãm quốc tế chính là bản sắc rất
riêng của con người - văn hóa dân tộc Việt Nam được thể hiện rất độc đáo
trong từng tác phẩm nghệ thuật.
Mặt khác, trong giới họa sĩ trẻ
hôm nay, họ có tầm nhìn xa hơn những thế hệ nghệ sĩ đi trước. Nghệ sĩ
đi trước có tầm nhìn thành công tức là bán được tác phẩm và thực hiện,
tham gia triển lãm vài lần ở nước ngoài là quá tốt. Thế hệ bây giờ, họ
muốn làm họa sĩ quốc tế, và nỗ lực nhiều hơn để thực hiện mong muốn đó”.
Nếu có sự quan tâm đầu tư nhiều
hơn dành cho hoạt động sáng tác, triển lãm, giới thiệu tác phẩm, tạo
điều kiện và cơ hội để tác phẩm tiếp cận với môi trường nghệ thuật thế
giới… ắt hẳn, con đường phát triển còn mạnh mẽ hơn. Đó cũng chính là
niềm hy vọng, mong mỏi của giới nghệ sĩ, họa sĩ Việt trên con đường hoạt
động nghệ thuật.
THÚY BÌNH/SGGP