Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 31/3/2013 18:7'(GMT+7)

Chiến thắng Bạch Đằng, bản hùng ca vang mãi

Lễ rước linh vị Hưng Đạo Đại Vương tại lễ hội Bạch Đằng. (Ảnh: Ngô Đình Dũng/QĐND)

Lễ rước linh vị Hưng Đạo Đại Vương tại lễ hội Bạch Đằng. (Ảnh: Ngô Đình Dũng/QĐND)

Cần nhiều ngành vào cuộc

Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê cho biết, điểm mới và cũng là điều thú vị nhất của cuộc hội thảo lần này là chúng ta đã chú ý đến việc nghiên cứu địa mạo, địa hình của Di tích Chiến thắng Bạch Đằng (di tích) vào thời điểm diễn ra sự kiện, nghĩa là cách đây 725 năm. Việc tái hiện lại hình ảnh của một khu vực ngập nước, nơi hợp lưu của nhiều con sông lớn hoàn toàn không phải chuyện dễ. Song, với những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến hiện nay, chúng ta đã thu thập được nhiều dữ liệu quan trọng đưa đến một hình dung chân thực hơn về địa lý, địa mạo của khu vực Bạch Đằng thế kỷ 13. Cũng cần phải nói thêm, di tích (được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tháng 9-2012) có diện tích khoảng 380ha, song giới sử học và khảo cổ đã mở rộng địa bàn nghiên cứu rộng lớn hơn diện tích này rất nhiều. Không chỉ một bên bờ sông Chanh (phía thị xã Quảng Yên) mà còn mở rộng ra đến Thủy Nguyên (Hải Phòng), Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương), Mạo Khê, Uông Bí (Quảng Ninh), Luy Lâu, Thuận Thành (Bắc Ninh)...

TS Nguyễn Việt, trong tham luận về “văn hóa Bạch Đằng” công bố nhiều di vật mới được khảo cổ cho thấy dấu tích của một trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn ở cửa sông Bạch Đằng. PGS, TS Trần Đức Thạnh, TS Lê Thị Liên, qua các nghiên cứu mới đây cho thấy sự hoạt động, cơ chế thủy văn của các nhánh sông Bạch Đằng xưa. Sự hợp lực giữa các nhà khoa học trong việc tái hiện lại không gian, điều kiện tự nhiên của thời điểm xảy ra trận Bạch Đằng đã được nhiều đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao. GS Phan Huy Lê cho rằng sắp tới cần phải có sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu “liên ngành”. Trong đó, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu địa chất và khảo cổ sẽ phải là những ngành nghiên cứu mũi nhọn về Chiến thắng Bạch Đằng.

Đáng mừng là từ hội thảo quốc gia về Di tích Bạch Đằng này đã cho thấy sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực văn hóa, địa chất, tài nguyên môi trường...


Trong mỗi người Việt Nam đều có một Bạch Đằng


Suốt thiên niên kỷ qua, Chiến thắng Bạch Đằng là niềm động viên khích lệ tinh thần dân Việt. Thám hoa Giang Văn Minh, một sứ thần thời Lê Trung Hưng trong một lần đi sứ phương Bắc đã khảng khái đối đáp với những mưu sĩ nhà Minh: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng. Trước đó, là Trương Hán Siêu cũng nhắc đến chiến công xưa với một niềm tự hào khôn tả: Sông Đằng một dải dài ghê/ Sóng Hồng cuồn cuộn tung về biển Đông/ Những người bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh (Bạch Đằng giang phú). Niềm cảm hứng từ chiến công trên sông Bạch Đằng quả là bất tận.


Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân trong bài tham luận gửi tới hội thảo đã khẳng định: Hải quân nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, viết nên truyền thống vẻ vang “chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”. Truyền thống đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc tài tình của tổ tiên trên chiến trường sông biển mà đỉnh cao là những chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng.


Ba lần đại phá quân giặc trên sông Bạch Đằng, tùy từng hoàn cảnh lịch sử mà cha ông ta vận dụng các chiến thuật khác nhau, song, tựu trung chỉ có một “mẫu số” đó là tinh thần mưu trí sáng tạo, biết phát huy tổng lực sức mạnh của cả dân tộc. Điều này cũng đã phần nào được làm sáng tỏ qua những thành tựu khảo cổ học và sử học công bố tại hội thảo. Theo đó, các nhà khoa học đã chứng minh được sự liên hệ về “hậu cần” giữa nhiều doanh thái ấp từ Thái Bình, Nam Định, Hải Dương thời Trần và những bến cảng, chợ sông thời Tiền Lê tới Chiến thắng Bạch Đằng. Vận dụng sáng tạo linh hoạt những chiến thuật đánh thủy và tập trung được sức lực của dân chỉ có thể được thực hiện khi tinh thần quyết chiến Bạch Đằng đó đã thấm sâu, bén rễ tới từng mạch máu, khối óc người Việt.


Phát huy giá trị của di sản


Quần thể khu di tích lịch sử Di tích Chiến thắng Bạch Đằng theo quy hoạch của Chính phủ sẽ rộng tới 380ha, trong đó khu vực bảo vệ cấp 1 là 79,4ha; bảo vệ cấp 2 là 114,8ha; số còn lại là khu vực dịch vụ. Theo nhiều nhà khoa học ước đoán, số di tích còn nằm dưới lòng đất, ngoài quần thể khu di tích này vẫn còn rất lớn. Các kết quả khai quật ở khu vực lõi di tích này mới chỉ cho phép hiểu một cách tổng quát về chiến trường xưa mà thôi. Vì thế, đề xuất của các nhà khoa học là cần phải tiếp tục đầu tư lớn cho các dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật. PGS, TS Đặng Văn Bài nói: “Tôi rất đồng tình với chủ chương phát triển du lịch gắn với tôn tạo, bảo vệ di tích nhưng tôi cũng rất lo tình trạng xuống cấp của di tích”. Thật vậy, hãy xem những di vật được lấy lên từ vùng lõi di tích này đang ngày đêm bị bào mòn với điều kiện khí hậu, trình độ bảo quản. Rất nhiều hiện vật hiện nay được bảo quản theo phương pháp vùi lấp, nghĩa là chỉ đào lên để nghiên cứu rồi lấp lại như cũ. Theo TS Lê Thị Liên thì đây là phương pháp khả dĩ nhất để giữ nguyên trạng cho hiện vật. Với cách làm như vậy, thì trong tương lai, du khách đến với Di tích Chiến thắng Bạch Đằng chỉ được chiêm ngưỡng những hiện vật qua hình ảnh mô phỏng và video.


Tuy vậy, ý kiến của TS Nguyễn Việt đã gây được sự chú ý. Ông cho rằng, ta hoàn toàn đủ trình độ bảo quản hiện vật. Ông dẫn chứng nhiều di vật được khai quật từ năm 1959, 1960 vẫn còn được giữ tốt. Ông nói: “Tôi hứa với hội thảo và tỉnh Quảng Ninh rằng, nếu có bất kể hiện vật nào được phát hiện, chúng tôi sẵn sàng giúp bảo quản”. TS Nguyễn Việt hiện là thành viên của Tổ chức Bảo vệ di tích hữu cơ trong môi trường ngập nước. Tổ chức này đã bảo quản thành công những hiện vật như hạt mềm cho tới thi thể người, động vật.


Nếu việc bảo vệ, gìn giữ những di tích, hiện vật gốc được ổn thỏa, thì sẽ tạo cơ sở khai quật những hiện vật lớn khác. Và có hiện vật thì giá trị của di tích càng được nhân lên.


Theo lộ trình gồm 3 giai đoạn của Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2025, thì việc tổ chức di dời các hộ dân trong khu vực di tích cũng như phối hợp nghiên cứu khảo cổ được ưu tiên hàng đầu. Thực tế từ địa phương thị xã Quảng Yên, nhân dân cũng đồng tình ủng hộ việc di dời này. Người dân có ý thức cao trong việc bảo tồn di tích. Ban quản lý cũng đưa ra nhiều ý tưởng về phát triển du lịch vùng, để kết nối các di tích trong tỉnh với khu vực lõi di tích. Theo đó, sẽ có những hoạt động du lịch từ các khu di tích: Nhà Trần ở Đông Triều, Yên Tử, Bạch Đằng, Hạ Long và Vân Đồn.


Phát triển du lịch và gìn giữ, bảo tồn di tích thường là một bài toán khó. Song chúng tôi tin rằng, với sự vào cuộc khoa học, thống nhất và thận trọng của nhiều ngành, nhiều cấp, và đặc biệt là có sự ủng hộ của nhân dân thì chắc chắn Di tích Chiến thắng Bạch Đằng sẽ phát huy được giá trị cao nhất./.

Lễ hội Bạch Đằng: Từ ngày 15 đến 18/4, sẽ có các hoạt động tế, yết ở đền Trần Hưng Đạo, đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đình Đền Công, đình Yên Giang; tối 17-4, tại sân đền Trần Hưng Đạo-miếu Vua Bà sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng và chương trình nghệ thuật “Bạch Đằng giang-bản anh hùng ca của dân tộc” với sự tham gia diễn xuất của 300 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng.

 
Lê Đông Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất