Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 31/3/2013 15:6'(GMT+7)

Khởi sắc văn hóa Hà Nam

                           

 Tái lập tỉnh từ năm 1997, Hà Nam gặp không ít khó khăn vì xuất phát điểm còn thấp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ngành nghề có quy mô nhỏ lẻ. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống của nhân dân khó khăn.

Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nên ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được ban hành, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức nghiêm túc việc quán triệt, học tập, tuyên  truyền sâu rộng Nghị quyết tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết bằng các chương trình hành động, kế hoạch công tác phù hợp với đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cùng với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về lĩnh vực văn hóa trong những năm qua cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức học tập và thực hiện nghiêm túc. Thông qua việc học tập, nghiên cứu Nghị quyết đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về quan điểm, đường lối văn hoá của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, nắm vững tư tưởng xuyên suốt của Đảng: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần  của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án cụ thể sát với tình hình địa phương như: Chỉ thị 02 ngày 12/9/1998 về thực hiện nếp sống văn hoá, thực hành tiết  kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Chương trình phát triển toàn diện đời sống văn hoá ở cơ sở giai đoạn 2006 -2010. Xây dựng các Đề án: Đề án xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở; Đề án nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá tỉnh Hà Nam; Đề án bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hoá; Đề án đào tạo cán bộ văn hoá xã, phường v.v...


Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)  trên địa bàn tỉnh, có thể thấy Nghị quyết đã có sức lan toả rộng lớn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận và tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới ở địa phương, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội,  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.


Xây dựng các thiết chế văn hoá, đặc biệt là nhà văn hoá thôn, xã được xã hội hoá cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá được coi trọng; việc bảo tồn các di tích vật thể và phi vật thể, việc tu bổ chống xuống cấp đồng thời với việc phát huy giá trị văn hoá của các di tích có chuyển biến tích cực. Việc phục dựng thành công các lễ hội: Lễ Tịch Điền Đọi Sơn, Lễ Phát lương Đền Trần Thương và Lễ hội Đền Bà Vũ thật sự thu hút đông đảo nhân dân. Việc xây dựng mới các công trình văn hoá tâm linh như đền thờ liệt sỹ của tỉnh, đền thờ liệt sỹ núi Chùa... vừa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống vừa mang tính thời đại.


Vấn đề xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vừa mang cốt cách, bản chất của truyền thống dân tộc, vừa xây dựng những đức tính phù hợp thời kỳ mới là nhiệm vụ rất quan trọng đã được các cấp uỷ đảng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo trước hết là thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên và nhân dân, hướng đến phẩm chất đạo đức lối sống lành mạnh. Đặc biệt là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đạo đức lối sống, góp phần xây dựng phẩm chất con người Việt Nam. Cùng với những chính sách nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã tạo nên lực lượng lao động rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.


Tập trung xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh thông qua việc phát động và thực hiện tốt các phong trào thi đua văn hoá cùng với nhiều phong trào phù hợp với từng đối tượng đã thực sự phát huy được sức mạnh của mọi lực lượng chăm lo xây dựng đời sống văn hoá cho mỗi người dân, mỗi cộng đồng để văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, tạo ra môi trường giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán, nề nếp gia phong tốt đẹp, đồng thời tiếp thu cái mới, cái hiện đại để trở thành con người mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá với yêu cầu giữ gìn và phát huy đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam với kết quả 80-85% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, gần 67% số làng đạt danh hiệu Làng văn hóa đã thực sự tạo được môi trường văn hoá lành mạnh để giáo dục thế hệ trẻ phát huy bản sắc dân tộc.

         
Sự nghiệp giáo dục đào tạo trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực: Quy mô và mạng lưới trường học ngày càng được mở rộng, chất lượng giao dục toàn diện được nâng lên, nhiều năm đứng trong tốp 10 của cả nước cả về tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông, tỷ lệ đỗ vào đại  học và số lượng học sinh giỏi quốc gia. Năm 2012, đã có một giải vàng Olympic Quốc tế. Chú trong ngành giáo dục mầm non, từng bước thực hiện chế độ với giáo viên mầm non, tới nay đã chuyển tất cả các trường mầm non từ bán công sang công lập. Nhà trường phối hợp với gia đình, xã hội quan tâm giáo dục toàn diện cho học sinh. Đồng thời với dạy văn hoá là giáo dục nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, đạo đức, nếp sống, lối sống văn hoá, lịch sử và bản sắc dân tộc, ý chí vươn lên vì tương lai mỗi người và sự phát triển của đất nước, quê hương.

         
Các lĩnh vực khoa học công nghệ, báo chí và hệ thống thông tin đại chúng, chính sách tôn giáo... được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh ủy Hà Nam nghiêm túc nhận thấy cũng còn một số hạn chế, tồn tại, đó là:     

Việc nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống văn hóa, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển đất nước của các cấp uỷ, chính quyền chưa thường xuyên, chưa trở thành ý thức tự giác của mỗi người.


Việc chăm lo xây dựng con người giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình chưa được quan tâm đầy đủ, chưa có hình thức cụ thể chống tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Những biểu hiện và hành vi suy đồi đạo đức truyền thống vẫn diễn ra, gây bức xúc trong xã hội.


Chất lượng các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa... chưa cao, có gia đình, có nơi còn có biểu hiện hình thức, nể nang, né tránh trong bình xét, đánh giá, công nhận danh hiệu này ở cơ sở nên Tỉnh uỷ phải chỉ đạo, xây dựng đề án nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá để uốn nắn vấn đề này.


Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có thời điểm chưa nghiêm, còn rườm rà, gây lãng phí, chạy theo hình thức, không thiết thực.


Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn hẹp, nhất là việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của các tầng lớp nhân dân hiện nay: nhà văn hóa, khu vui chơi văn hóa – thể thao; việc đầu tư xây dựng, trùng tu các khu di tích chưa xứng tầm với ý nghĩa lịch sử. Các thiết chế văn hóa chưa phát huy hết vai trò, tác dụng đối với sự phát triển của văn hóa cộng đồng...


Thời gian tới, Tỉnh ủy Hà Nam xác định:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), để văn hóa thực sự là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội. Tăng cường tuyên truyền những kinh nghiệm, cách làm hay ở các địa phương, đơn vị, các điển hình tiên tiến trong xây dựng văn hóa, nhất là ở cơ sở, đồng thời cũng lên án, phê phán mạnh mẽ những biểu hiện mê tín dị đoan, những hoạt động văn hóa không lành mạnh. Đánh giá tổng kết các phong trào văn hoá cơ sở để nâng cao chất lượng các danh hiệu, nhân rộng những điển hình tiên tiến, lấy cái tích cực, cái tốt lấn át cái tiêu cực, cái xấu.

           
Hai là, gắn việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong năm 2013, cần triển khai học tập tốt chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Tiếp tục thực hiện thật tốt Quy chế về trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, mà trước hết là phải gương mẫu thực hiện tốt các quy định về việc cưới, việc tang, gương mẫu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Ba là, phát huy vai trò tích cực, chủ động của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện Nghị quyết; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Mỗi đơn vị lựa chọn một nội dung phù hợp với đối tượng để phát động và thực hiện xây dựng gia đình văn hoá, cơ quan văn hoá, xây dựng con người mới để phát huy bản sắc dân tộc.  

Bốn là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội; về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới... Các cấp uỷ đảng cần bám sát các nhiệm vụ về văn hóa mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đại hội Đảng bộ địa phương đã đề ra tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác cụ thể cho từng quý, từng năm, từng giai đoạn. Gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

         
Năm là, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, nhất là các hoạt động lễ hội. Khắc phục những biểu hiện “thương mại hóa” trong lễ hội, hoạt động mê tín dị đoan. Phát huy giá trị văn hoá các di tích, di sản trong giáo dục đạo đức, truyền thống và bản sắc dân tộc. Làm tốt việc quản lý hoạt động tôn giáo: tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện thực hiện sinh hoạt tôn giáo, ngăn ngừa các hoạt động cực đoan lợi dụng tôn giáo.


Văn hóa Hà Nam đã và đang khởi sắc. Đó là thành quả đáng trân trọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Xây dựng và phát triển văn hóa không chỉ là nhiệm vụ lâu dài mà còn là động lực thúc đẩy Hà Nam vươn lên trở thành một tỉnh giàu đẹp ngay cửa ngõ Thủ đô.

 Thanh Huyền

 

 

 

         

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất