Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 20/3/2013 20:27'(GMT+7)

Tản mạn về mối quan hệ Không gian và Văn hoá

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Gần đây các phương tiện thông tin thường đề cập đến cụm từ “Không gian văn hóa” nhưng thật sự có ít người quan tâm đến điều này một cách nghiêm túc. Kết quả là nhiều công trình điêu khắc ngoài trời có những vấn đề không ổn về không gian kiến trúc, thẩm mĩ, chưa nói đến chất lượng. Vấn đề không chỉ đặt ra cho riêng ngành điêu khắc, kiến trúc mà còn phản ánh tư duy, cách nhìn của con người về văn hóa, không gian văn hóa, nhất là những người có trách nhiệm.

Bất kì một vấn đề gì dù nhỏ đều có không gian của riêng nó. Không có khái niệm văn hóa đứng một mình. Nói cách khác, văn hóa chỉ tồn tại khi nó được đặt trong những vấn đề khác có liên quan, đặc biệt là không gian.

Học cách sống ở khía cạnh nào đó là học cách mở rộng không gian sống, từ đó dần làm chủ không gian sống của mình mà không phải vật lộn hay khổ sở vì nó. Giống như khi chưa biết bơi, nước dường như là một cản trở đối với người bơi, nhưng khi biết bơi rồi thì nước trở thành động lực giúp người bơi dễ dàng hơn. Toàn bộ cuộc sống của con người gắn liền với không gian sống của mình.

Có câu cách ngôn, đại ý: những người giỏi không phải là những người có sức mạnh phi thường mà do họ có khả năng huy động mọi nguồn lực; còn người yếu là người chỉ biết trông vào khả năng của bản thân. Ở những người thành công, họ không chỉ biết mở rộng và làm chủ không gian rộng lớn mà còn biết khai thác tiềm năng từ không gian đó cho mục đích của mình. Không gian không hề là một cản trở mà trở thành môi trường cho họ thỏa sức thi thố tài năng.

Một cụm từ khác cũng hay được nhắc đến là “Không gian sống”. Mối quan hệ giữa sinh vật và không gian rất gắn bó với nhau: con chim với bầu trời, cá với nước… Con người không thể sống bình thường trong một không gian chật chội, tù túng. Không gian là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với mỗi con người, nó giúp con người sinh sống, tồn tại và phát triển thuận lợi trong đó.

Không gian có nhiều phạm vi khác nhau: không gian địa lí, không gian tinh thần, không gian trong một bức tranh,... lại còn không gian hai chiều, ba chiều, bốn chiều,… Đó là một khái niệm mơ hồ, phức tạp, không cố định và không giống nhau. Không gian có phạm trù vô cùng rộng, cùng với phạm trù thời gian, tạo thành một cặp “không - thời gian” chi phối tất cả hoạt động cũng như sự tồn tại của mọi sinh vật. Chẳng vậy mà nó ám ảnh biết bao thế hệ các nhà tư tưởng, nhà khoa học trên thế giới. Anhxtanh mãi sau này tìm ra thuyết Tương đối đã hé mở cho khoa học những vấn đề mới về không gian và thời gian. Cặp không - thời gian là chiếc chìa khóa để khám phá những bí ẩn khác của tự nhiên và vũ trụ. Nhưng, trước đó hàng ngàn năm, các nhà Đạo học phương Đông đã từng đề cập tới: Hãy quên thời gian đang trôi chảy; hãy quên mọi mâu thuẫn của tư duy. Hãy nghe cái vô cùng réo gọi và hãy đứng tại đó (Trang Tử). Cái phút giây hiện tại này là sự tĩnh lặng vô cùng. Mặc dù nó chỉ hiện hữu trong phút giây này, nó không có biên độ và cũng trong đó mà hiện ra cái miên viễn tuyệt diệu (Huệ Năng).

Người ta không thể đặt một bức tượng cao 10m trong một góc sân nhỏ mà phải là ở một quảng trường, ngọn đồi, hay công viên,…để mọi người đi qua nhìn ngắm nó từ xa và từ mọi góc độ. Hơn thế, tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa, không chỉ riêng bức tượng mà quan trọng là toàn bộ không gian chứa bức tượng ấy. Không có không gian thì việc đặt bức tượng chỉ là trò đùa dai, phá hỏng môi trường cảnh quan.

Tương tự, với dân ca Quan Họ Bắc Ninh, ngoài việc thu thập bảo tồn các bài hát cổ, chúng ta còn phải làm nhiều hơn như: xây dựng một không gian văn hóa Quan Họ, ở không gian đó có cảnh quan để tổ chức những canh hát, nghệ nhân diễn và truyền dạy, những phong tục, tập quán sinh hoạt từ bao đời nay của nhân dân địa phương…

Văn hóa và Không gian có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Nếu chỉ quan tâm đến văn hóa mà bỏ quên không gian văn hóa thì quả là một sai lầm. Lối nhìn phiến diện như vậy nghĩa là chúng ta đang tạo ra một thứ “văn hóa Bonsai”, thứ văn hóa chỉ để làm cảnh, còi cọc, chẳng có ích lợi gì nhiều cho xã hội, cũng chẳng khác gì khi ta muốn có một cây để lấy bóng mát mà lại trồng cây đó vào cái chậu nhỏ.

Một công trình kiến trúc cũng cần có một không gian thích hợp thì con người với tư cách là một chủ thể của thiên nhiên, nhất định phải có một không gian thích hợp để sống và làm việc. Nếu thiếu nó con người không thể trưởng thành đầy đủ và trọn vẹn.

Qua quá trình học hỏi và rèn luyện, hiểu biết của con người tăng lên thì nhu cầu về không gian cũng tăng theo. Tất cả các dòng sông đều đổ ra biển, mọi trí tuệ cũng đều hướng tới tự do. Quá trình sống, trải nghiệm, đọc sách,… con người tự mình hình thành nên những bức tường vô hình và giam mình trong đó. Bức tường ngày một dày thêm bởi những kinh nghiệm, những định kiến, giáo điều,… Đáng sợ là những bức tường đó dựng lên khéo đến nỗi nó khuôn theo hình hài của người ta tựa như bộ da của loài rắn, làm cho ta không có cảm giác khó chịu. Việc lột da ở loài rắn là cách duy nhất giúp cho nó trưởng thành sang một giai đoạn mới. Chỉ đến một ngưỡng nào đó của trí tuệ ta mới có đủ năng lực và sự dũng cảm chối bỏ để thay đổi và phát triển.

Trong nghệ thuật, nếu người nghệ sĩ để cho suy nghĩ khởi lên, anh ta sẽ mất đi sự tự do. Cảnh giới cao nhất của trí tuệ là “vô”, là không còn gì cả. Khi ấy có thể nói không gian trong tâm thức đã mở rộng ra vô cùng. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với công việc sáng tạo. Người bình thường khó đạt được trạng thái này. Sự mở rộng không gian ở mức triệt để như vậy chỉ có thể hi vọng trong lĩnh vực tinh thần, để có được, nó đòi hỏi một năng lực trí tuệ đáng kể. Đây là cái đích và cũng là cội nguồn của mọi sáng tạo./.

Họa sĩ  Vũ Tuấn Dũng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất