Việt Nam - Bulgaria có nhiều dư địa hợp tác đa lĩnh vực
từ công nghiệp công nghệ cao, chế tạo ô tô, nông nghiệp và chế biến
thực phẩm đến y tế, giáo dục…
Đây là nội dung được các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp
Việt Nam - Bulgaria, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ
Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bulgaria tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/11.
Dự diễn đàn có Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev, lãnh đạo
UBND Thành phố Hồ Chí Minh và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và
Bulgaria.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, Việt Nam
và Bulgaria có một mối quan hệ hữu nghị truyền thống sâu sắc, được xây
dựng trên nền tảng của sự tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau trong suốt hơn 70
năm qua. Bulgaria không chỉ là một đối tác tin cậy, mà còn là người bạn
lâu đời luôn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế
và xã hội.
Hiện nay, Bulgaria được biết
đến là quốc gia có tiềm lực mạnh mẽ trong các lĩnh vực như công nghệ
thông tin, nông nghiệp hữu cơ, y dược, và năng lượng tái tạo. Đây là
những lĩnh vực mà Thành phố Hồ Chí Minh đang rất quan tâm và mong muốn học hỏi,
hợp tác. Ngược lại, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa
học và đổi mới sáng tạo của cả nước. Với dân số hơn 10 triệu người và
lực lượng lao động trẻ, năng động, Thành phố là thị trường tiêu thụ lớn
và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm cơ hội
hợp tác và đầu tư lâu dài. Hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố ngày
càng được hoàn thiện với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế hiện đại,
mạng lưới giao thông đang được mở rộng và kết nối mạnh mẽ. Đặc biệt,
Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ kết nối giữa Việt Nam với các quốc gia trong
khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Thành phố Hồ Chí Minh xác định phát triển bền vững là
mục tiêu trọng tâm, với 4 ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm công nghệ
thông tin, điện tử, cơ khí và chế biến thực phẩm. Đồng thời, thành
phố tập trung phát triển các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao,
năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục và công nghệ tài chính.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước,
với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ và
giải pháp thông minh. Thêm vào đó, thành phố còn được Chính phủ chọn là
nơi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Đây là những cơ
hội lớn cho các doanh nghiệp Bulgaria muốn đầu tư và hợp tác trong các
lĩnh vực tiên tiến này.
“Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Bulgaria là cơ hội để doanh nghiệp hai
bên cùng chia sẻ, trao đổi thông tin và tìm kiếm các cơ hội hợp tác
tiềm năng. Thành phố Hồ Chí Minh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để
các doanh nghiệp Bulgaria đầu tư và hoạt động tại thành phố. Sự hợp tác
hiệu quả giữa doanh nghiệp hai bên sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp
tác kinh tế song phương, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững
của cả hai quốc gia”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev cho
biết, đặc biệt rất ấn tượng với những thành tựu về phát triển kinh tế -
xã hội, công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước của Việt Nam, đặc biệt
là sự phát triển năng động của Thành phố Hồ Chí Minh. Bulgaria trân trọng mọi
cơ hội hợp tác với Việt Nam không chỉ với tư cách là đối tác kinh tế,
thương mại mà còn là người bạn đồng hành cùng sự phát triển.
Bulgaria là nơi giao thoa giữa châu Á - châu
Âu, là cửa ngõ để hàng hoá châu Á thâm nhập vào khu vực EU. Thành phố Hồ Chí
Minh cũng có vị thế chiến lược là cửa ngõ, đầu mối thương mại của Việt
Nam ra khu vực và thế giới. Do đó, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vận tải
hàng hoá giữa hai bên là rất lớn. Các doanh nghiệp Bulgaria cũng có thế
mạnh về công nghệ thông tin, tự động hoá, dược phẩm… Đáng chú ý,
Bulgaria đã chuyển đổi thành công từ công nghiệp chế biến thô sang ngành
sản xuất công nghệ cao, tự động hoá; trong đó, sản phẩm điện tử chiếm
tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu của Bulgaria, chiếm 12%
GDP. Ngành công nghiệp sản xuất ô tô cũng rất phát triển ở Bulgaria với
nhiều trung tâm nghiên cứu phát triển của nhiều hãng xe hơi ở châu Âu,
là lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm phát triển. Bulgaria cũng là một
trong những quốc gia phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ…
“Cả Bulgaria và Việt Nam đều xác định phát triển kinh tế cần có nền
móng vững chắc, song song đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh lương
thực, ứng phó biến đổi khí hậu. Bulgaria có thể hỗ trợ, đồng hành Việt
Nam trong các dự án nâng cao năng lực chế biến nông sản, đảm bảo an ninh
lương thực. Bulgaria có diện tích bằng 1/3 Việt Nam nhưng chỉ có 6,5
triệu dân. Với mật độ dân số thấp, Bulgaria trở thành địa điểm được
nhiều quốc gia đến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thực phẩm để phục vụ
nhu cầu cho chính mình và xuất khẩu sang các thị trường khác. Đây cũng
là một gợi ý thú vị mà các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông
nghiệp, chế biến thực phẩm của Việt Nam có thể xem xét.”, Tổng thống
Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev gợi ý.
Thông tin thêm về môi trường đầu tư tại Bulgaria, ông Krasimir
Yakimov, Thứ trưởng Bộ Đổi mới và Tăng trưởng Bulgaria cho biết,
Bulgaria có vị trí chiến lược với 5 hành lang đường bộ quốc tế đi qua
đất nước, dễ dàng tiếp cận 1,3 tỷ khách hàng ở châu Âu và Trung Đông.
Ngoài các lợi thế về kinh nghiệm phát tiển các lĩnh vực công nghiệp chế
biến, chế tạo, Bulagria chú trọng xây dựng môi trường kinh doanh thuận
lợi, hấp dẫn; giảm gánh nặng hành chính và quản lý; hỗ trợ các nhà đầu
tư kết nối doanh nghiệp với các tổ chức chính phủ.
Chi phí hoạt động của
doanh nghiệp tại Bulgaria rất cạnh tranh nhờ nguồn cung năng lượng ổn
định, giá thuê văn phòng và các tiện ích thấp. Doanh nghiệp hoạt động
tại Bulgaria còn có cơ hội tiếp cận các chương trình tài trợ cho các dự
án hỗ trợ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; đây là động lực rất
lớn để các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn Bulgaria làm nơi khởi nghiệp
hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh./.
TTXVN