Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 26/3/2009 9:11'(GMT+7)

Chính sách kinh tế trong văn hoá ở nước ta hiện nay

Nhà văn hoá - một thiết chế quan trọng trong đời sống xã hội

Nhà văn hoá - một thiết chế quan trọng trong đời sống xã hội

Theo chúng tôi, chính sách kinh tế trong văn hoá thực chất là những cơ chế và hành lang pháp lý do Nhà nước tạo ra để thu hút mọi thành phần kinh tế và các nguồn lực xã hội nhằm thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hoá, đưa các hoạt động văn hoá thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đất nước ta thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã trên 20 năm. Những nội dung cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã được Đảng ta nêu trong Văn kiện Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta bắt buộc phải xử lý hài hòa hai vấn đề lớn. Đó là phải tôn trọng những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường và phải tuân thủ sự định hướng XHCN trong mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa nhằm“Thực hiện cho được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thấm nhuần các chủ trương, quan điểm của Đảng, trong suốt chặng đường đổi mới, việc xây dựng chính sách kinh tế trong văn hoá ở nước ta đều nhằm thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản: Một là, đưa văn hoá tham gia tích cực vào nền kinh tế thị trường; Hai là, phát huy chức năng giáo dục của văn hoá nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

1 - Về nhiệm vụ đưa văn hoá tham gia tích cực vào nền kinh tế thị trường, chính sách kinh tế trong văn hoá đã đạt được thành tựu lớn như sau: Giải phóng những ràng buộc kìm hãm văn hoá, tạo ra năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực phát triển sự nghiệp văn hoá, đồng thời hình thành thị trường văn hoá, đáp ứng nhu cầu văn hoá ngày càng đa dạng và phong phú của các tầng lớp nhân dân.

Chính sách kinh tế trong văn hoá đã vận động theo xu hướng:

- Từ chỗ chấn chỉnh, lập lại trật tự hoạt động văn hoá ở những năm đầu chập chững đi vào kinh tế thị trường đến việc tạo cơ chế và hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động văn hoá phát triển đúng hướng, đáp ứng nhu cầu văn hoá của các tầng lớp xã hội;

- Từ chỗ bảo vệ sự độc quyền của các đơn vị văn hoá Nhà nước đến việc mở rộng và chuyển dần một số công việc để các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia vào hoạt động văn hoá;

- Từ chỗ độc quyền, ôm đồm của cơ quan quản lý văn hoá cấp trên dẫn đến can thiệp sâu vào mọi công việc của cơ quan cấp dưới đến việc phân cấp mạnh mẽ, phân quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị văn hoá;

- Từ chỗ chủ yếu khép kín hoạt động văn hoá trong nước đến việc mở rộng hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa ra nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, nhằm quảng bá văn hoá, lịch sử, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Những chủ trương được xem như những yếu tố đột phá về chính sách là trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ văn hoá; tách các doanh nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá; kiên trì thực hiện chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp văn hoá; thực hiện quyền bình đẳng trước pháp luật giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế.

Quyền tự chủ của các đơn vị hành chính, sự nghiệp được phát huy, trong đó có việc liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế thực hiện các dịch vụ công đúng với chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao.

Chúng ta có chính sách để các cơ quan báo chí tham gia quảng cáo thương mại lấy nguồn thu hỗ trợ các hoạt động sự nghiệp báo chí và từ thiện.

Năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời, tạo cơ sở pháp lý cho các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo bước đột phá cải cách thủ tục hành chính cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động. Thị trường văn hóa trở lên sôi động và đa dạng hơn.

Chủ trương của Nhà nước ta là không cổ phần cơ quan báo chí và cơ quan nhà xuất bản. Thực hiện Luật Xuất bản 2004, hàng trăm nhà sách của tư nhân đã tham gia liên doanh, liên kết xuất bản; có nhà xuất bản số đầu sách mới xuất bản có tới 70% là sách liên kết. Từ năm 2005, Nhà nước đã xoá bỏ cơ chế độc quyền xuất bản lịch Blốc.

Nhà nước có chính sách gắn các hoạt động văn hoá với phát triển du lịch và các dịch vụ văn hoá phục vụ du lịch. Nhờ đó, nhiều tiềm năng văn hoá của các dân tộc được khơi dậy phục vụ nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách du lịch. Nhiều di sản văn hoá thế giới như Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế… và các lễ hội truyền thống qua hoạt động du lịch đã có nguồn thu lớn, được Nhà nước cho phép để lại một phần đầu tư trở lại cho văn hoá…

Chính sách kinh tế trong văn hoá đã tạo môi trường dân chủ, tự do cho các văn nghệ sĩ lao động sáng tạo. Văn nghệ sĩ có điều kiện thể hiện tài năng và giá trị đích thực của tài năng được xã hội thừa nhận, đánh giá qua nhiều góc độ, trong đó có góc độ xem xét giá trị kinh tế và sức lao động của văn nghệ sĩ – một loại “hàng hoá đặc biệt” tạo ra các sản phẩm văn hóa đỉnh cao trong thị trường văn hoá.

Những năm trước đây, Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu văn hoá phẩm. Hiện nay, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã được phép xuất khẩu những sản phẩm văn hoá được cấp phép lưu hành ở trong nước. Chính sách này tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn đưa văn hoá phẩm của Việt Nam ra các nước trên thế giới. Chúng ta cũng có chính sách cởi mở để các tập thể, cá nhân có khả năng thực hiện liên doanh, liên kết tổ chức các sự kiện văn hoá ở trong nước và ngoài nước. Nhà nước thực hiện quyền cấp phép và quản lý về nội dung chương trình. Nhờ chính sách này nhiều sự kiện văn hoá lớn trên thế giới, như cuộc thi hoa hậu thế giới được tổ chức tại Việt Nam.

2- Về nhiệm vụ phát huy chức năng giáo dục của văn hoá góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, chính sách kinh tế trong văn hoá đã đạt được thành tựu: thông qua cơ chế thị trường và sự điều tiết kinh phí của Nhà nước, các sản phẩm văn hóa góp phần đề cao tinh thần yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nâng cao chất lượng toàn diện về chính trị, chuyên môn, kĩ năng sống của nguồn nhân lực xã hội.

Về lĩnh vực này, chính sách kinh tế trong văn hoá đã vận động theo xu hướng:

- Các hoạt động kinh tế trong văn hoá làm tăng nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư trở lại hỗ trợ phát triển sự nghiệp văn hoá;

- Các hoạt động kinh tế trong văn hoá góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch văn hoá giữa các vùng miền và các tầng lớp trong xã hội;

- Các hoạt động kinh tế trong văn hoá đã phát huy vai trò chủ đạo của nhiều đơn vị văn hóa Nhà nước trong việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức biểu hiện, hướng con người tới các giá trị chân-thiện - mỹ;

- Vị trí của Nhà nước với vai trò là “bà đỡ” đã giúp các đơn vị văn hoá thực hiện có hiệu quả chính sách kinh tế trong văn hoá, theo phương châm “lấy văn hoá nuôi văn hoá”.

Nhà nước dùng công cụ quản lý thông qua pháp lệnh giải thưởng, pháp lệnh tôn vinh nghệ sĩ, chính sách cấp thẻ hành nghề đối với nghệ sĩ biểu diễn và cấp phép hoạt động các dịch vụ văn hoá để giúp cho nghệ sĩ tự do lao động sáng tạo, cống hiến những giá trị văn hoá đỉnh cao cho xã hội.

Với vai trò là “bà đỡ”, Nhà nước thông qua chính sách kinh tế trong văn hoá để thúc đẩy thị trường văn hoá và điều chỉnh thị trường văn hoá phát triển theo định hướng XHCN.

3. Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, việc xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ một số yếu kém như sau:

- Việc xây dựng các chính sách kinh tế trong văn hoá còn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hình thành một thị trường văn hóa theo đúng nghĩa và được phát triển theo định hướng XHCN. Nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế trong thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá chậm được cơ quan quản lý văn hóa hướng dẫn đã làm giảm nguồn lực tinh thần cho hoạt động văn hoá, như vấn đề kinh tế trong báo chí, trong hoạt động quảng cáo…. Hệ thống chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dịch vụ văn hoá, nhất là lĩnh vực công nghiệp văn hoá, lĩnh vực xây dựng các thiết chế văn hoá có hoạt động kinh tế (ở trong các trường học, khu công nghiệp, khu đô thị...) chưa đồng bộ và chế độ ưu đãi chưa rõ ràng, nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Chậm ban hành chính sách kinh tế trong lĩnh vực thông tin đối ngoại nhằm quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Chưa làm rõ cơ chế phối hợp văn hoá, du lịch và kinh tế trong phát triển văn hoá nhằm giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, dẫn tới nhiều vụ việc vi phạm di sản văn hoá.

- Việc thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá gặp nhiều khó khăn, trở ngại, chưa tạo được động lực tinh thần như “một luồng gió mới” trong thực hiện chính sách. Tâm lý bao cấp, trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước trong một bộ phận lớn cán bộ, công nhân viên ở các đơn vị văn hoá đang cản trở quá trình đổi mới hoạt động và thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá.

- Nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị văn hoá thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá; xuất hiện hiện tượng né tránh, đùn đẩy công việc, ngại va chạm khi triển khai chính sách liên quan đến tổ chức và cán bộ.

- Công tác nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học cho xây dựng chính sách kinh tế trong văn hoá ít được quan tâm.

4. Một số vấn đề đặt ra:

- Thứ nhất, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chính sách kinh tế trong văn hoá của Đảng. Thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá chính là tạo điều kiện cho các đơn vị văn hoá chủ động, sáng tạo, tự chủ trong hoạt động văn hoá, từng bước thích ứng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết khắc phục tình trạng ỷ lại, trông chờ, thụ động vào nguồn kinh phí bao cấp của Nhà nước; giáo điều, máy móc trong tổ chức các hoạt động văn hoá.

- Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn; tổ chức nghiên cứu khoa học xây dựng các luận cứ khoa học, đưa ra các dự báo về các xu hướng phát triển văn hoá, xu hướng tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa; phát hiện các nhân tố mới, điển hình cá nhân, tập thể thực hiện có hiệu quả chính sách kinh tế trong văn hoá, qua đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách đúng đắn để văn hoá phát triển lành mạnh trong cơ chế thị trường. Trước mắt, Nhà nước sớm xác định trong hoạt động văn hóa cái gì là cốt lõi, cơ bản, Nhà nước phải nắm giữ, có chiến lược đầu tư; cái gì mở ra để xã hội tham gia huy động các nguồn lực chăm lo cho văn hóa phát triển.

- Thứ ba, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá ở các cấp, mạnh dạn phân cấp, phân quyền, có kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật và hướng dẫn các đơn vị văn hoá hiểu biết kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động kinh tế trong văn hoá, từ đó vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi đơn vị. Chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc trong thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá.

- Thứ tư, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn trong các cơ quan, đơn vị văn hoá để nâng cao năng lực và trình độ xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách kinh tế trong văn hoá, trước tiên là từ các đơn vị văn hoá của Nhà nước.

- Thứ năm, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hoá với các nước trên thế giới, gửi chuyên gia đi đào tạo, tập huấn, học hỏi kinh nghiệm xây dựng chính sách và tổ chức hoạt động kinh tế trong văn hoá./.

 TS. Nguyễn Hữu Thức

Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất