Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 16/10/2008 21:32'(GMT+7)

Chính sách tài khoá cần được thắt chặt hơn để đồng bộ với chính sách tiền tệ

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Chiều nay, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2009, ông Phùng Quốc Hiển đã đọc bản thẩm tra.

Trong đó, UB Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra, tình trạng bội chi kéo dài, ngày càng tăng dẫn đến lạm phát lại càng bất hợp lý trong điều kiện Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Thống kê cho thấy, giai đoạn 1996 -2000, bội chi ngân sách 2,8%; giai đoạn 2001 - 2005 bội chi 3,87% và mức bội chi 2006 - 2008 là 4,8%.

Ông Hiển kiến nghị giảm số bội chi dưới 4,8%, phấn đấu đến sau năm 2010 phải xuống dưới 4% GDP.

Về con số thu vượt dự toán 76 nghìn tỷ đồng, ông Hiển chỉ ra, nếu trừ phần bán tài nguyên, tăng do giá và kim ngạch nhập khẩu tăng thì thực chất không là bao. Số vượt thu từ tăng giá dầu thô là 35,4 nghìn tỷ, từ các khoản thu về nhà, đất hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 56% số vượt thu. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, từ nội lực của nền kinh tế còn thấp và có phần giảm sút.

Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tuy đã ngừng, hoãn tiến độ dự án với số tiền 5.991 tỷ đồng nhưng số tiền đầu tư cho công trình, dự án thực tế không giảm do toàn bộ kinh phí tiết kiệm được từ việc đình hoãn dự án lại đầu tư sang công trình khác.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị giải trình rõ việc ước chi bù lỗ dầu lên tới 32.000 tỷ đồng trong khi với giá xăng dầu nhập khẩu đã có xu thế giảm và giá bản lẻ bình ổn, khó có thể nói là doanh nghiệp vẫn lỗ.

Đặc biệt, dù Chính phủ đã chỉ đạo tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhưng thực tế con số này vẫn tăng 13,3% so với dự toán và 26,6% so với 2007.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng dự kiến, phân bổ ngân sách 2009 sẽ ưu tiên chi đầu tư cho con người, lương và an sinh xã hội. Chính sách tài khóa sẽ tiếp tục được thắt chặt quyết liệt hơn để đồng bộ với chính sách tiền tệ.

Cũng trong chiều 16/10, ông Phùng Quốc Hiển đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đó là điều chỉnh thuế suất đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ theo hướng tăng.

Báo cáo thẩm tra cho rằng việc thường xuyên điều chỉnh thuế suất sẽ gây bất lợi trên nhiều mặt.

Theo ông Hiển: "Khi xây dựng chính sách, Chính phủ cần tính đến sự ổn định trong thời gian dài, hạn chế tối đa việc thay đổi chính sách thuế".

Trong dự thảo sửa đổi luật có quy định tàu bay, du thuyền phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân sẽ phải chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 30%. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cho rằng áp thuế với diện quy định trên là hợp lý. Tuy nhiên, phải có tiêu chí chịu thuế cụ thể, nhất là trong trường hợp tàu bay, du thuyền vừa phục vụ nhu cầu cá nhân, vừa sử dụng mục đích kinh doanh.

Riêng thuế suất đối với ô tô 5 chỗ ngồi có dung tích xilanh từ 2000cc trở xuống, ông Hiển tán thành giảm thuế từ 50% xuống 40% vì cho rằng "việc giảm thuế đối với loại xe dung tích nhỏ sẽ tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội mua xe ô tô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống."

Trong khi đó, thuế suất đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xilanh trên 2000cc đến 3000cc được đề xuất là 50% và thuế suất cho xe có dung tích xilanh trên 3000cc là 60% do "đây là loại xe có phân khối lớn, chủ yếu được tiêu dùng bởi tầng lớp dân cư có thu nhập cao".

Liên quan đến thuế suất đối với bia, đa số ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo luật đó là không phân biệt bia hơi, bia tươi với bia lon, bia chai mà quy định mức thuế suất chung đối với bia là 45% từ 2010 đến 2012, từ 2013 trở đi là 50% nhằm thực hiện cam kết khi gia nhập WTO.

Thuế suất đối với rượu từ 20 độ trở lên cũng được tán thành với mức áp dụng là 50%. UB Tài chính – ngân sách cho rằng việc tăng thuế suất đối với một số loại rượu là cần thiết, góp phần điều tiết tiêu dùng hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế trong WTO.

Dự kiến, ngày 27/10, các đại biểu QH sẽ thảo luận về ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và biểu quyết thông qua vào ngày 14/11.

(Theo VNN)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất