(TG) - Ngay sau khi UBND TP Hà Nội tiếp nhận bàn giao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT, đúng 7h ngày 6/11, tuyến đường đô thị đầu tiên của cả nước chính thức chạy thương mại.
Chiều ngày 4/11, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Vũ Hồng Phương- Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008 (phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016), bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Với tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương – quận Hà Đông; mua sắm 13 đoàn tàu.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.
Cũng theo ông Vũ Hồng Phương, trong thời gian chạy thử 20 ngày Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn, các cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước.
Là công trình trọng điểm với công nghệ mới áp dụng vào Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu triển khai Dự án đã được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ ngành và các cơ quan liên quan của Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ đã kiểm tra, theo dõi và chỉ đạo sát sao.
Các công việc xây dựng đã được thi công đầy đủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt; Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng; và dự án đã được đơn vị đánh giá an toàn cấp Chứng nhận an toàn hệ thống.
Theo quy định, công trình phải được nghiệm thu hoàn thành và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Ngày 29/10/2021, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Kết quả này được Hội đồng căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về công tác nghiệm thu công trình xây dựng; công tác kiểm tra kết quả nghiệm thu; căn cứ báo cáo của chủ đầu tư dự án, các chủ thể tham gia công trình; báo cáo kết quả khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án; kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư; đánh giá của tổ chuyên gia cũng như kết quả kiểm tra hiện trường.
Về chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt: Đoàn tàu đã được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận theo quy định; Về đăng ký phương tiện, sau khi hoàn thành công tác bàn giao dự án, chủ sở hữu phương tiện là Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ làm thủ tục đăng ký phương tiện gửi hồ sơ về Cục Đường sắt Việt Nam để được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt theo quy định.
Theo ông Vũ Hồng Trường - Giám đốc Metro Hà Nội, đơn vị này đã sẵn sàng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cũng theo vị này, trong 6 tháng đầu khai thác, tàu sẽ chạy từ 5h30 sáng đến 22h hàng ngày. Cứ khoảng 15 phút có một chuyến, tùy theo lượng khách, có thể tăng chuyến lên. Trong 15 ngày đầu, tàu sẽ chạy khuyến mại cho người dân.
Đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 651 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ cho các vị trí để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo chương trình dự án và theo yêu cầu thực tế và khuyến cáo của Tư vấn ACT, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đã bổ sung thêm 82 nhân sự.
Để đưa tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đảm bảo đội ngũ nhân sự đầy đủ các vị trí, đáp ứng đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải về tiêu chuẩn nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018. Theo chương trình dự án, đã có 41 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu tại Trung Quốc, 16 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu trong nước.
Đúng 7h ngày 6/11, tuyến đường đô thị đầu tiên của cả nước chính thức chạy thương mại.
Trong tháng 4/2021 Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đã trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị cho 37 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu tại Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu do Cục Đường sắt Việt Nam thành lập đã trình Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy phép lái tàu cho 36 nhân sự đủ điều kiện tiêu chuẩn.
Ngoài ra, 16 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu trong nước đang tiếp tục được Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý dự án Đường sắt, Trường Cao đẳng nghề Đường sắt đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình để hoàn thiện điều kiện tiêu chuẩn cấp giấy phép lái tàu, đáp ứng nhu cầu vận hành tuyến trong giai đoạn tiếp theo.
Đối chiếu với hệ thống văn bản QPPL và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến đường sắt đô thị, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản đáp ứng các điều kiện về pháp lý để các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức khai thác tuyến đường sắt đô thị.
Sau khi bàn giao cho đơn vị tiếp nhận, chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung còn tồn tại của dự án cũng như thực hiện công tác bảo hành công trình theo quy định Hợp đồng và phối hợp với đơn vị vận hành trong giai đoạn khai thác.
Việc đưa Dự án vào vận hành khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, giúp hạn chế phương tiện cá nhân, và giảm thiểu ôi nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả tối đa của Dự án cần phải có sự kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông khác cũng như sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao đã được thông qua./.
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15- 10- 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23- 02- 2016 và số 1511/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 5 năm 2017 là: 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Cơ cấu nguồn vốn theo tổng mức đầu tư điều chỉnh như sau:
Phần vốn vay của Trung Quốc: 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), bao gồm: Vốn vay tín dụng ưu đãi: 1,2 tỷ NDT (tương đương 169 triệu USD); Vốn vay tín dụng ưu đãi bên mua: 250 triệu USD; Vốn vay bổ sung từ nguồn tín dụng ưu đãi: 1,678 tỷ NDT (tương đương 250,62 triệu USD).
Phần vốn đối ứng của Việt Nam: 4.134,399 tỷ đồng (tương đương 198,42 triệu USD), gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, tư vấn, lãi vay, phí các loại, thuế giá trị gia tăng, chi phí khác: 183,39 triệu USD (tương đương 3.818,769 tỷ đồng); Chi phí dự phòng: 315,630 tỷ đồng, tăng 99,321 tỷ đồng (tương đương 15,03 triệu USD).
|
Duy Phong