Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 6/8/2018 10:14'(GMT+7)

Tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ban Bí thư vừa ban hành Quy định số 04-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy (gọi chung là tỉnh ủy).

Theo đó, cùng với quy định thống nhất cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy (gồm: Văn phòng, ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận, ban nội chính), Quy định số 04 còn nêu rõ nguyên tắc tổ chức nhằm bảo đảm tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh ủy; không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc. Bộ máy phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; không nhất thiết cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương có vụ, cục… nào thì ở cấp tỉnh cũng có tổ chức tương ứng; mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; không nhất thiết tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy ở các địa phương phải giống nhau…

Quy định số 04 của Ban Bí thư, cùng với việc các cơ quan chức năng tiến hành xây dựng và hoàn thiện danh mục, bản mô tả hệ thống vị trí việc làm công chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; triển khai đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (theo quy định của Chính phủ và Bộ Nội vụ) nhằm bảo đảm tuân thủ và đáp ứng một trong các yêu cầu cơ bản là phải có tính hệ thống để thống nhất áp dụng, bố trí sử dụng, quản lý và đánh giá công chức; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế.

Các quy định và đề án trên là rất cần thiết khi các cơ quan, bộ, ngành, địa phương… đã và đang tích cực rà soát, đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; tham mưu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tập trung vào 4 nội dung phải hoàn thành trong năm 2018, theo Kế hoạch số 07 của Ban Tổ chức Trung ương. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng và triển khai quyết liệt thực hiện đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018-2021; xác định rõ mục tiêu thực hiện qua từng năm, bảo đảm lộ trình đến năm 2021 toàn quốc giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015, tương đương gần 400.000 người.

Để thực hiện được mục tiêu trên; đồng thời đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó; sớm khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý… theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, việc các cơ quan chức năng ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị… sẽ bảo đảm việc triển khai thực hiện mang tính tổng thể, thống nhất, đồng bộ.

Cùng với đó, Trung ương cũng tăng cường phân cấp việc quyết định đầu mối bên trong và biên chế của các cơ quan, đơn vị… cho cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm được phê duyệt; khuyến khích thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế.

Chuyển động và kết quả bước đầu đáng ghi nhận là các cơ quan, bộ, ngành, địa phương… đã chủ động xây dựng đề án tinh giản biên chế, giao biên chế công chức, viên chức hằng năm; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Qua đó cho thấy trách nhiệm cao trong việc chấp hành nghiêm chỉ đạo của Trung ương, đồng thời nếu vào cuộc quyết liệt, đồng bộ thì việc thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế đến năm 2021 là khả thi, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu về tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đến năm 2025 và 2030, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII./.

Anh Quân (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất