(TG) - Vừa qua, Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt
khi đưa ra lấy ý kiến Quốc hội còn có ý kiến khác nhau về
một số nội dung quan trọng của dự án Luật. Lợi dụng những
cách hiểu chưa thống nhất, một số thế lực đã kích động đối
tượng chống phá, quá khích làm tình hình an ninh trật tự
ở một số địa phương diễn biến phức tạp.
Tạp chí Tuyên giáo xin giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm rõ một số vấn đề dư luận còn băn khoăn…
KHÁI NIỆM VỀ ĐƠN VỊ
HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC
BIỆT CỦA VIỆT NAM VÀ CÁC
MÔ HÌNH TƯƠNG TỰ TRÊN
THẾ GIỚI
Đơn vị hành chính - kinh
tế đặc biệt (HCKTĐB) là
một trong bốn loại đơn vị
hành chính của nước Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và
do Quốc hội quyết định thành
lập (Khoản 9 Điều 70 và khoản
1 Điều 110 của Hiến pháp năm
2013). Điều 74 Luật Tổ chức
chính quyền địa phương năm
2015 quy định “đơn vị HCKTĐB
do Quốc hội quyết định thành
lập, được áp dụng các cơ chế,
chính sách đặc biệt về kinh
tế - xã hội, có chính quyền địa
phương được tổ chức phù hợp
với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội của
đơn vị HCKTĐB đó”.
Đối với các nước trên thế giới,
mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT)
ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ
có đặc điểm và quy định riêng,
tuy nhiên trong các tài liệu đều
thống nhất khái niệm ĐKKT là
khu vực được phân định ranh
giới địa lý rõ ràng và được bảo
đảm về mặt an ninh; có thể chế
quản lý hành chính riêng biệt;
được hưởng các ưu đãi vượt trội
về thuế, hải quan và có các đặc
quyền cụ thể để phát triển kinh
tế đặc thù, xây dựng môi trường
đầu tư kinh doanh minh bạch,
thuận lợi để thu hút công nghệ
cao, phương pháp quản lý tiên
tiến, khoa học...
Các ĐKKT trên thế giới có thể
được phân loại thành các mô
hình khác nhau căn cứ vào quy
mô, tính chất của từng ĐKKT
qua các thời kỳ. ĐKKT tổng hợp,
đa chức năng và ĐKKT có chức
năng chuyên biệt; ĐKKT chuyên
về thương mại, dịch vụ, tài
chính và ĐKKT sản xuất, chế tạo
để xuất khẩu; ĐKKT có dân cư
sinh sống; ĐKKT không có dân
cư sinh sống... Thế hệ ĐKKT ban
đầu chủ yếu cạnh tranh thu hút
đầu tư dựa vào ưu đãi (thuế, đất
đai…); thế hệ ĐKKT thứ hai dựa
vào quy mô tiếp cận thị trường,
đặc biệt là thị trường nước sở
tại và lân cận; thế hệ các ĐKKT
hiện nay cạnh tranh dựa vào sự
kết nối và tham gia vào mạng
sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù vậy, thế hệ ĐKKT
hiện nay vẫn cần 2 yếu tố: 1) các
ưu đãi không thể thấp hơn các
vùng trong nước và 2) cần được
bảo đảm khả năng tiếp cận thị
trường toàn cầu.
Như vậy, so với các mô hình
ĐKKT trên thế giới cho thấy đơn
vị HCKTĐB ở nước ta theo quy
định của Hiến pháp, Luật Tổ
chức chính quyền địa phương
thực chất cũng là một loại hình
ĐKKT được áp dụng cơ chế,
chính sách đặc biệt cả về kinh tế
- xã hội và tổ chức chính quyền
địa phương.
SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP
CÁC ĐƠN VỊ HCKTĐB TẠI
VIỆT NAM
Một là, việc xây dựng và phát
triển các đơn vị HCKTĐB là chủ
trương lớn của Đảng và Nhà
nước, đã được xác định trong 3
Văn kiện của Đại hội Đảng khóa
X, XI và XII, 3 Nghị quyết của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng
khóa VIII và XII(1), 6 Kết luận của
Bộ Chính trị(2), 4 Nghị quyết của
Quốc hội(3) và đã được thể chế
hóa trong Hiến pháp năm 1992
(khoản 8 Điều 84), Hiến pháp
năm 2013 (khoản 9 Điều 70,
khoản 1 Điều 110 và khoản 2
Điều 111) và nhiều đạo luật liên
quan như: Luật Tổ chức Quốc
hội, Luật Tổ chức chính quyền
địa phương, Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật, Luật
Đầu tư, Luật Quy hoạch và mới
đây nhất là Luật Quốc phòng.
Theo đó, việc thành lập đơn vị
HCKTĐB là để thực hiện chủ
trương, chiến lược, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của
Đảng, Nhà nước, các kết luận
của Bộ Chính trị, cụ thể hóa
quy định của Hiến pháp và các
quy định liên quan để tạo cực
tăng trưởng và thử nghiệm đổi
mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy
thuộc hệ thống chính trị.
Hai là, việc thành lập đơn vị
HCKTĐB tại Việt Nam hiện nay
không lỗi thời vì nhiều nước
trên thế giới vẫn đang tiếp tục
xây dựng các ĐKKT thế hệ mới
hoặc hoàn thiện thể chế, chính
sách về các ĐKKT hiện có ở mức
cao hơn, tiếp tục thử nghiệm
thể chế mới, thúc đẩy phát triển
kinh tế nhanh và bền vững hơn
và nâng cao khả năng cạnh
tranh. Ví dụ, Trung Quốc (thành
lập ĐKKT Tiền Hải thuộc ĐKKT
Thâm Quyến (2013); khu thương
mại tự do Thượng Hải (2013);
ĐKKT Hùng An (2017) và bổ
sung chính sách ĐKKT Hải Nam
(tháng 5-2018); Thái Lan (2015);
Malaysia (2009); Indonesia
(2012); Myanmar (2015); Nhật
Bản (2015), Thành phố Quốc tế
tự do Jeju Hàn Quốc (2011). Ấn
Độ có 221 ĐKKT (2017). Mỹ có
177 khu ngoại thương đang hoạt
động (2013).
Ba là, Tổ chức Thương mại
Thế giới (WTO), các Hiệp định
Thương mại tự do (FTA) và
Hiệp định đối tác toàn diện và
tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(CTPPP) không có quy định cấm
các nước thành viên thành lập
ĐKKT. Việc tham gia các hiệp
định này góp phần thúc đẩy cải
cách thể chế trong nước nhưng
chủ yếu tập trung vào cắt giảm
hàng rào thuế quan, tạo thuận
lợi về thương mại, đầu tư, hải
quan mà không bao trùm tất cả
các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, tổ
chức chính quyền địa phương, tư pháp… như các quy định áp
dụng tại đơn vị HCKTĐB.
Các đơn vị HCKTĐB của nước
ta và các ĐKKT trên thế giới có
mục tiêu thử nghiệm thể chế,
chính sách của quốc gia, đồng
thời tạo thuận lợi đặc biệt để thực
thi các cam kết quốc tế trong bối
cảnh cải cách môi trường đầu
tư kinh doanh trong phạm vi cả
nước vẫn còn hạn chế.
Bốn là, qua hơn 30 năm đổi
mới, đất nước ta đã đạt những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử, kinh tế tăng trưởng khá, nền
kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa (XHCN) được
hình thành và phát triển. Tuy
nhiên, những năm gần đây, nền
kinh tế nước ta đang có dấu hiệu
phát triển chậm lại do việc khai
thác các tiềm năng tĩnh của nền
kinh tế đang dần tới hạn và sức
hút của các mô hình khu kinh
tế (KKT), khu công nghiệp (KCN),
khu chế xuất (KCX), khu công
nghệ cao (KCNC) sau 25 năm
phát triển giảm dần, thiếu động
lực phát triển đột phá. Lý do là:
hệ thống pháp luật thiếu thống
nhất; thiếu một cơ quan có đủ
thẩm quyền quản lý hoạt động
trên các lĩnh vực; bộ máy quản
lý với thẩm quyền phân tán và
có sự chồng lấn giữa các cơ quan
quản lý nhà nước trên cùng lĩnh
vực, địa bàn; chính sách ưu đãi
đầu tư thiếu nhất quán, chưa đủ
sức cạnh tranh quốc tế và kém
linh hoạt do bị khống chế bởi
khung pháp luật chuyên ngành;
thủ tục hành chính, điều kiện
đầu tư kinh doanh còn chưa
đủ thông thoáng; phương thức
phát triển kết cấu hạ tầng chưa
đa dạng hóa; kết cấu hạ tầng và
nguồn nhân lực chưa đáp ứng
yêu cầu...
Thực tiễn qua hơn 30 năm
đổi mới, mỗi khi nền kinh tế
gặp khó khăn, trì trệ, chúng ta
thường tập trung gỡ bỏ những
rào cản về thể chế để giải phóng
sức sản xuất, thúc đẩy khai thác
tiềm năng, lợi thế của nền kinh
tế. Thực tế đã chứng minh rằng
tất cả các bước ngoặt về kinh tế
đều do những cải cách về thể
chế mang lại.
Trong điều kiện môi trường
thể chế trong nước vẫn còn
nhiều hạn chế và chưa thể tiến
hành mở cửa hoàn toàn thì các
ĐKKT vẫn là một trong hai sự
lựa chọn tốt cho các nền kinh tế
đang phát triển và hội nhập như
Việt Nam. (Sự lựa chọn thứ nhất
là cải cách toàn diện môi trường
đầu tư và tự do hóa thương mại
trên toàn bộ nền kinh tế).
CÁC YÊU CẦU ĐẶT RA KHI
XÂY DỰNG CÁC ĐƠN VỊ
HCKTĐB TẠI VIỆT NAM
Một là, xây dựng thể chế vượt
trội tại các đơn vị HCKTĐB để tạo
cực tăng trưởng và thử nghiệm
đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ
máy thuộc hệ thống chính trị,
cụ thể như: thể chế kinh tế,
hành chính, tư pháp, xây dựng
tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả. Đồng
thời góp phần thực hiện các
Nghị quyết Trung ương, nhất là
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày
5-11-2016 của Hội nghị Ban Chấp
hành Trung ương lần 4 khóa XII
về thực hiện có hiệu quả tiến
trình hội nhập kinh tế quốc tế;
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày
3-6-2017 của Hội nghị Ban Chấp
hành Trung ương lần 5 khóa XII
về tiếp tục hoàn thiện thể chế
kinh tế thị trường định hướng
XHCN; Nghị quyết số 18-NQ/TW
ngày 25-10-2017 của Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương lần
6 khóa XII về sắp xếp tổ chức
bộ máy của hệ thống chính trị
tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả.
Hai là, khai thác tốt nhất các
tiềm năng để phát triển kinh
tế-xã hội tại các đơn vị HCKTĐB
theo hướng xanh - tri thức - bền
vững, phát triển công nghệ cao,
công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy
khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ môi
trường thiên nhiên, chủ động
ứng phó với biến đổi khí hậu, áp
dụng phương thức quản lý khoa
học, tiên tiến, hình thành môi
trường sống văn minh, hiện đại,
chất lượng cao; bảo đảm quốc
phòng, an ninh, an sinh xã hội,
giữ vững ổn định chính trị - xã
hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ; tạo tác động lan tỏa về
phát triển kinh tế - xã hội đến
vùng, cả nước, tạo điểm kết nối
trong chuỗi giá trị khu vực và
quốc tế.
Ba là, thu hút và huy động
mọi nguồn lực, đặc biệt là của
khu vực tư nhân trong nước
và quốc tế để xây dựng và phát
triển các đơn vị HCKTĐB bằng
cải cách, đổi mới thể chế và
môi trường đầu tư kinh doanh
thông thoáng, thuận lợi. Vốn
đầu tư từ ngân sách nhà nước
cho phát triển kết cấu hạ tầng
các đơn vị HCKTĐB chỉ đóng
vai trò “vốn mồi” để thu hút các
nguồn lực khác.
Bốn là, đơn vị HCKTĐB là mô
hình mới nên việc xây dựng các
đơn vị HCKTĐB cần được thực
hiện từng bước vững chắc, vừa
làm vừa rút kinh nghiệm, đồng
thời, cơ chế, chính sách phải bảo
đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh
tranh khu vực và quốc tế.
NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA
DỰ ÁN LUẬT ĐƠN VỊ
HCKTĐB TRÌNH QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 5
Dự án Luật đơn vị HCKTĐB
trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ
5, Quốc hội khóa XIV có kết cấu
gồm 6 chương, 85 điều và 6 Phụ
lục, trong đó, tập trung quy định
các cơ chế, chính sách đặc biệt về
phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức
chính quyền và cơ quan tư pháp
tại đơn vị HCKTĐB. Sau khi tiếp
thu ý kiến xác đáng của các vị đại
biểu Quốc hội (ĐBQH), cán bộ lão
thành, chuyên gia, nhà khoa học
và cử tri, dự án Luật đang tiếp tục
được hoàn thiện với một số nội
dung cơ bản sau đây:
1. Cơ chế, chính sách đặc biệt
về phát triển kinh tế - xã hội
- Quy hoạch đơn vị HCKTĐB
thuộc hệ thống quy hoạch quốc
gia và chỉ xây dựng một quy
hoạch tổng thể do Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
- Xây dựng môi trường đầu
tư kinh doanh công khai, minh
bạch, cạnh tranh, thuận lợi
thông qua thu hẹp các ngành,
nghề đầu tư kinh doanh có điều
kiện và đơn giản hóa thủ tục
đầu tư kinh doanh tại đơn vị
HCKTĐB.
- Chính sách về đất đai và nhà
ở: thời hạn sử dụng đất đai áp
dụng như pháp luật hiện hành
đối với khu kinh tế (không quá
70 năm); quy định về đối tượng
người nước ngoài sở hữu về nhà
ở được quy định thu hẹp hơn so
với quy định hiện hành.
- Chính sách huy động các
nguồn lực từ khu vực tư nhân
trong và ngoài nước, trong đó
ngân sách nhà nước hỗ trợ có
điều kiện để đầu tư xây dựng
một số ít công trình kết cấu hạ
tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,
môi trường cấp thiết và quan
trọng của đơn vị HCKTĐB và chỉ
là “vốn mồi”.
- Chính sách ưu đãi đầu tư về
thuế, tiền thuê đất chỉ áp dụng
cho các dự án đầu tư sản xuất
kinh doanh thuộc các ngành,
nghề ưu tiên phát triển tại các
đơn vị HCKTĐB có trọng tâm,
trọng điểm, tránh dàn trải.
- Chính sách phát triển các
ngành dịch vụ, du lịch thông
qua cho phép bán hàng miễn
thuế gắn với một số điều kiện
để đảm bảo kiểm tra, giám sát;
cấp thị thực có thời hạn và cấp
thị thực điện tử cho người nước
ngoài như đang thực hiện thí
điểm theo pháp luật hiện hành.
- Chính sách ưu đãi thuế thu
nhập cá nhân và chính sách đãi
ngộ có tính cạnh tranh theo cơ
chế thị trường nhằm thu hút
nguồn nhân lực chất lượng cao
đến làm việc tại đơn vị HCKTĐB
nhưng gắn với cơ chế ràng buộc
trách nhiệm.
- Chính sách về lao động, an
sinh xã hội: từng bước đổi mới,
thay thế chế độ công chức biên
chế suốt đời bằng chế độ công
chức theo hợp đồng làm việc
tại cơ quan, tổ chức của đơn vị
HCKTĐB; quản lý chặt chẽ lao
động nước ngoài, nhất là lao
động phổ thông.
2. Về tổ chức và hoạt động
của chính quyền địa phương ở
đơn vị HCKTĐB
Chính quyền địa phương ở
đơn vị HCKTĐB là một cấp chính
quyền gồm HĐND và UBND được
tổ chức tinh gọn, được phân quyền
thực hiện nhiều thẩm quyền của
các cơ quan nhà nước cấp trên;
thẩm quyền quản lý, điều hành
phát triển kinh tế - xã hội được
tập trung cho Chủ tịch UBND đặc
khu, gắn với trách nhiệm người
đứng đầu, có cơ chế giám sát phù
hợp, tránh lạm quyền.
3. Về tổ chức, thẩm quyền
của cơ quan tư pháp và cơ
quan quản lý nhà nước khác
Tòa án nhân dân đơn vị
HCKTĐB có các thẩm quyền
tương đương với Tòa án nhân
dân cấp huyện theo quy định
hiện hành và được bổ sung
thẩm quyền giải quyết theo thủ
tục sơ thẩm của Tòa án nhân
dân cấp tỉnh đối với các vụ việc,
vụ án đặc thù về dân sự, kinh
doanh, thương mại (bao gồm cả
các vụ án, vụ việc có yếu tố nước
ngoài) và thẩm quyền giải quyết
theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành
vi hành chính của UBND đơn
vị HCKTĐB, Chủ tịch UBND đơn
vị HCKTĐB. Viện kiểm sát nhân
dân đơn vị HCKTĐB, cơ quan thi
hành án dân sự đơn vị HCKTĐB
được quy định tương ứng với
thẩm quyền và tổ chức của Tòa
án nhân dân đơn vị HCKTĐB.
Các cơ quan quân đội, công an
được tổ chức phù hợp với yêu
cầu quản lý của đơn vị HCKTĐB,
đảm bảo an ninh, quốc phòng,
độc lập chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ.
Định hướng chỉnh lý, hoàn thiện dự án
Luật trong thời gian tới
Dự án Luật đã được Ban
cán sự đảng Chính phủ, Đảng
đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ
đạo xây dựng, tiếp thu, chỉnh
lý trên cơ sở quán triệt đầy đủ
quan điểm, chủ trương nêu tại
các văn kiện của Đại hội Đảng,
Nghị quyết của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng; thực
hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo
của Bộ Chính trị về xây dựng
và phát triển đơn vị HCKTĐB;
bám sát và cụ thể hóa các quy
định của Hiến pháp và tuân
thủ đúng trình tự, thủ tục của
Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật.
Tại kỳ họp
thứ 4 và kỳ họp thứ 5, Quốc
hội khóa XIV, đa số ý kiến
ĐBQH tán thành sự cần thiết
ban hành, phạm vi điều chỉnh
và nhiều nội dung của dự án
Luật, đồng thời đóng góp các
ý kiến về một số nội dung cụ
thể để tiếp tục hoàn thiện dự
án Luật.
Tuy nhiên, do còn có ý kiến
khác nhau của một số ĐBQH,
cơ quan, tổ chức, các cán bộ
lão thành, chuyên gia, nhà
khoa học và cử tri về một số
nội dung quan trọng của dự
án Luật; sự kích động của một
số đối tượng chống phá, quá
khích đã làm tình hình an ninh
trật tự ở một số địa phương
diễn biến phức tạp, Quốc hội
đã biểu quyết tán thành việc
chưa trình Quốc hội thông qua
dự án Luật tại kỳ họp thứ 5 và
giao Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Chính phủ chỉ đạo việc
tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu
tối đa ý kiến xác đáng để hoàn
thiện dự án Luật, trình Quốc
hội xem xét, thông qua tại kỳ
họp sau.
Hiện nay, dự án Luật đang
tiếp tục được Ban soạn thảo
phối hợp với cơ quan thẩm tra
và các cơ quan liên quan nghiên
cứu chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu
tối đa các ý kiến tâm huyết, xác
đáng của các vị ĐBQH, các cán
bộ lão thành, chuyên gia, nhà
khoa học và cử tri với các định
hướng như sau:
Một là, bám sát chủ trương,
quan điểm chỉ đạo của Đảng
thể hiện trong các văn kiện
của Đại hội Đảng, Nghị quyết
của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Kết luận của Bộ
Chính trị về phát triển đơn vị
HCKTĐB; bảo đảm không trái
Hiến pháp và các điều ước
quốc tế mà Việt Nam là thành
viên, bảo đảm quốc phòng
an ninh, quyền và lợi ích của
nhân dân;
Hai là, cơ chế, chính sách
quy định tại Luật bảo đảm tính
vượt trội, đủ sức cạnh tranh khu
vực và quốc tế nhưng bảo đảm
thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học,
cân nhắc toàn diện các yếu tố
tác động về kinh tế, xã hội, quốc
phòng, an ninh;
Ba là, kế thừa cơ chế, chính
sách chung của dự thảo Luật
đã đạt được sự đồng thuận của
các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 4,
thứ 5 và cơ quan, tổ chức có liên
quan, trên cơ sở tiếp thu tối đa ý
kiến xác đáng của các vị ĐBQH,
cán bộ lão thành, chuyên gia,
nhà khoa học và cử tri để hoàn
thiện dự án Luật.
|
Chú thích:
(1) Nghị quyết số 04-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII tháng 12-1997; Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tháng 11-2016; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII tháng 6-2017.
(2) Thông báo 108-TB/TW ngày 1-10-2012; Kết luận số 53-KL/ TW ngày 24-12/2012; Kết luận số 81-KL/TW ngày 31-12-2013; Kết luận số 60–KL/TW ngày 16-4- 2013; Kết luận số 74-KL/TW ngày 17-10-2013; Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22-3-2017.
(3) Nghị quyết số 142/2016/ QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020; Nghị quyết số 24/2016/ QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 48/2017/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 của Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 8-6-2017 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Nguyễn Chí Dũng
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
----------------------------
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 8/2018