Cử tri, trong trường hợp điển hình, được hình dung là người đang sống trong không gian xã hội, với những lo toan, trăn trở, bức xúc đời thường, tương ứng với vị trí xã hội của mình.
Như nhà nông mong muốn luôn trúng mùa được giá, người công nhân trong khu công nghiệp mơ ước về một chế độ lương bổng và phúc lợi xã hội khả quan; nhà đầu tư, về phần mình, trông đợi một môi trường đầu tư minh bạch và có những bảo đảm chắc chắn về quyền sở hữu, về sử dụng lợi tức; trong khi đó, người dân vùng giải toả đòi hỏi một chính sách đền bù và tái định cư thoả đáng…
Chạy đua giành lá phiếu tín nhiệm của cử tri để bước vào cơ quan đại diện dân cử, ứng cử viên tự nhiên được thôi thúc để tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đặc thù của những người đi bỏ phiếu tại khu vực bầu cử của mình. Chương trình tranh cử gọi là thiết thực phải chứa đựng các cam kết cụ thể và có tính thuyết phục, nhằm thúc đẩy sự hoàn thiện luật pháp và thể chế, để có tác dụng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tất cả hoặc ít nhất là của đại đa số cử tri thuộc khu vực bầu cử.
Các lợi ích của những nhóm cử tri có thể rất khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Được các đại biểu đưa ra và bảo vệ tại diễn đàn cơ quan đại diện dân cử, các lợi ích ấy có điều kiện tương tác, tự điều chỉnh và dung hoà với nhau trong quá trình thảo luận, tranh luận công khai giữa các đại biểu. Sự dung hoà đó có tác dụng tạo ra quan niệm về lợi ích chung, được chính thức thừa nhận thông qua biểu quyết dân chủ theo đa số, trở thành chuẩn mực chi phối đời sống xã hội dưới tên gọi là luật pháp.
Trong chừng mực đó, quan hệ giữa ứng viên và cử tri thực sự là quan hệ uỷ quyền: bằng lá phiếu, cử tri xác nhận việc giao cho ứng viên quyền thay mặt mình để bảo vệ các lợi ích thiết thân của chính mình tại thiết chế quyền lực. Cử tri theo dõi, giám sát, đánh giá hành vi và sự mẫn cán của người được mình bầu ra. Tuỳ theo tính hiệu quả của hoạt động đại diện, thể hiện qua kết quả thực thi cam kết của người đại biểu, cử tri quyết định liệu có tiếp tục dành cho người này sự tín nhiệm trong các nhiệm kỳ sau.
Các lợi ích của những nhóm cử tri được các đại biểu đưa ra và bảo vệ tại diễn đàn cơ quan đại diện dân cử. Các lợi ích ấy có điều kiện tương tác, tự điều chỉnh và dung hoà với nhau trong quá trình tranh luận. Sự dung hoà đó có tác dụng tạo ra quan niệm về lợi ích chung, được chính thức thừa nhận thông qua biểu quyết dân chủ theo đa số, trở thành chuẩn mực chi phối đời sống xã hội dưới tên gọi là luật pháp. |
Thái độ tận tuỵ và tinh thần trách nhiệm của đại biểu được tưởng thưởng bằng sự trung thành của cử tri. Trong chừng mực nào đó, có thể nói giống như khách hàng trung thành của thương nhân góp phần tạo nên giá trị của thương hiệu trong đời sống kinh tế, cử tri trung thành của đại diện dân cử góp phần tạo ra tên tuổi, uy tín, niềm tự hào của người đại biểu trong sinh hoạt nghị trường.
Nếu không xác định được lợi ích cụ thể cần bảo vệ, ứng viên dễ sa vào chỗ chỉ tâm huyết với những giá trị chung chung, chẳng hạn nhà nước pháp quyền, trật tự xã hội, phát triển kinh tế... Giả sử tất cả các ứng viên đều như thế, thì người bỏ phiếu, không có sự lựa chọn, chỉ có thể gửi gắm những lợi ích chung chung trong lá phiếu của mình. Khi đó, cơ quan đại diện dân cử được hình thành có thể phản ánh được cấu trúc vùng, miền và cấu trúc thành phần xã hội, nhưng không phản ánh được cấu trúc lợi ích xã hội.
Hệ quả tất nhiên là nghị trường có xu hướng chỉ được sử dụng, hoặc như là nơi vận động cho các lợi ích cục bộ của các địa phương, hoặc như là nơi chuyên giải quyết những vấn đề bật ra từ quá trình hoạch định chính sách vĩ mô do các cơ quan nhà nước chủ trì. Đáng lý ra, đó phải là nơi mà hiện thực cuộc sống được phản ánh qua các thông điệp của người đại biểu dân cử xây dựng trên cơ sở chắt lọc ý kiến cử tri; kèm theo đó là những vấn đề nóng hổi về xung đột lợi ích mà kết quả giải quyết được ghi nhận thành các điều khoản cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông bế tắc và thúc đẩy xã hội phát triển./.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
(Nguồn: SG Tiếp Thị)